Nông nghiệp phát triển đúng định hướng, hiệu quả

Cập nhật, 05:54, Thứ Bảy, 27/04/2024 (GMT+7)

 

Nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, đồng thời đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế địa phương.
Nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, đồng thời đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế địa phương.

Tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển nông nghiệp (NN) theo hướng nâng cao giá trị, xanh, bền vững. Trong lĩnh vực trồng trọt, nhiều vùng nguyên liệu cây trồng mới được hình thành trên đất lúa kém hiệu quả, các mô hình sản xuất hữu cơ, an toàn vệ sinh thực phẩm ứng dụng công nghệ cao xuất hiện nhiều hơn. Chăn nuôi và thủy sản chú trọng sản xuất theo hướng an toàn. Qua đó, vừa phát triển ngành đúng định hướng quy hoạch, vừa nâng cao thu nhập cho người dân.

Linh hoạt chuyển đổi

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh, trong năm qua, cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị, thích ứng thị trường được người dân chú trọng. Nhiều địa phương đã linh hoạt chuyển đổi sử dụng hiệu quả đất trồng lúa vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa đóng góp thiết thực vào mục tiêu an ninh lương thực.

Việc tổ chức sản xuất theo hướng liên kết áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, GAP ngày càng được quan tâm, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Năm qua, lĩnh vực trồng trọt đã đóng góp giá trị tích cực cho tăng trưởng của cả ngành NN.

Tại xã Hòa Bình (huyện Trà Ôn), thương hiệu khóm Bưng Sẩm đã được người tiêu dùng biết đến ngày càng nhiều. Đây là loại cây trồng mới phát triển tại địa phương có tiềm năng kinh tế cao. Hiện, trái khóm có đầu ra ổn định, ngành NN tỉnh đang hỗ trợ đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm khóm Bưng Sẩm.

Có hơn 10 công trồng khóm, chị Trần Thị Phương Du (xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn) phấn khởi nói: “Trước đây tôi trồng lúa không hiệu quả. Từ khi chuyển qua trồng khóm ít tốn công chăm sóc, phân thuốc lại có đầu ra ổn định, tôi rất mừng”.

Ông Nguyễn Hồng Phương- Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình (huyện Trà Ôn) cho biết: “Thời gian qua, cây khóm phát triển khá tốt tại vùng đất Bưng Sẩm. Thu nhập từ cây khóm cao hơn trồng lúa, tạo nguồn thu ổn định cho nông dân. Hướng tới chính quyền địa phương và các ban ngành, các ấp sẽ tiếp tục vận động bà con tham gia trồng khóm cũng như tham gia vào HTX Khóm Bưng Sẩm”.

Song song đó, trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện tỉnh có trên 50 trang trại nuôi gà với số lượng khoảng 2 triệu con và gần 20.000 con heo được nuôi theo quy trình khép kín có ứng dụng công nghệ cao, áp dụng phương thức chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Lĩnh vực thủy sản hiện nhiều cơ sở đạt các tiêu chuẩn về VietGAP, ASC. Đây là điều kiện để tỉnh Vĩnh Long tiếp tục phát triển 2 lĩnh vực này theo hướng công nghiệp, công nghệ cao, bảo đảm an toàn thực phẩm như quy hoạch đề ra.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, thời gian qua, việc sử dụng linh hoạt đất trồng lúa đã đóng góp thiết thực tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích và đáp ứng kịp thời thị trường.

Năm 2023, số lượng tổ chức, cơ sở sản xuất đạt chứng nhận an toàn, GAP và tương đương, số lượng mã số vùng trồng, vùng nuôi được duy trì và mở rộng sẽ tạo nền tảng thuận lợi phục vụ chuyển đổi sang sản xuất NN ứng dụng công nghệ cao, NN hữu cơ được nhanh chóng, dễ dàng hơn.

Đồng thời, với sự nỗ lực của bộ, ngành chức năng trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch cho hàng nông sản nước ta nói chung, trong đó có sản phẩm chủ lực, tiềm năng của địa phương đã giúp nông sản có thêm thị trường tiêu thụ, ổn định đầu ra, góp phần từng bước phát triển ngành NN bền vững.

Phát triển nông nghiệp bền vững, hiện đại

Theo quy hoạch tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phương hướng phát triển của ngành NN tỉnh sẽ chuyển từ tư duy sản xuất NN sang tư duy kinh tế NN; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển NN sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến theo chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng hiệu quả, linh hoạt đất trồng lúa, tăng diện tích các loại cây trồng có hiệu quả ở những vùng, khu vực có điều kiện.

Tuy nhiên, thời gian qua, ngành NN cũng gặp không ít khó khăn, cụ thể như: các dự án được mời gọi đầu tư vào lĩnh vực NN, nông thôn, đặc biệt ở khía cạnh ứng dụng công nghệ cao được triển khai vào thực tế rất thấp.

Hiện tại, toàn tỉnh chưa hình thành vùng, khu NN ứng dụng công nghệ cao và chưa có doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp NN ứng dụng công nghệ cao theo quy định. Chính sách đặc thù về phát triển NN ứng dụng công nghệ cao; đầu tư kết cấu hạ tầng, chế biến sản phẩm hỗ trợ phát triển HTX... đã được ban hành, song việc tiếp cận chính sách chưa hiệu quả.

Không chỉ vậy, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất NN chủ yếu tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào giống cây trồng, vật nuôi và chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến trong trồng trọt, chăn nuôi; nhưng việc ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cơ giới hóa đồng bộ,… còn hạn chế.

Ông Nguyễn Văn Liêm cho biết: Thời gian tới, ngành NN tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhân thức, đổi mới tư duy, tập quán sản xuất của người dân, doanh nghiệp; hướng đến nền NN sạch.

Tuyên truyền, giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới áp dụng vào sản xuất NN. Kịp thời đánh giá và tuyên truyền giới thiệu các mô hình sản xuất NN có hiệu quả kinh tế để người dân áp dụng, nhân rộng.

Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ trong ngành NN; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức trong việc tiếp thu, truyền tải những tiến bộ khoa học công nghệ mới phục vụ sản xuất hàng hóa, NN hữu cơ, NN tuần hoàn, NN số; tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân thực hiện các mô hình, dự án NN ứng dụng công nghệ cao.

Song song đó, triển khai hiệu quả các nghị quyết của tỉnh về thu hút đầu tư và phát triển NN trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung nghiên cứu đề xuất chính sách thúc đẩy tập trung đất đai, tạo quỹ đất thu hút doanh nghiệp đầu tư vào NN, nông thôn trên địa bàn tỉnh nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào NN nông thôn.

Theo ngành chức năng, việc xây dựng nền NN hiện đại, bền vững là mục tiêu xuyên suốt, lâu dài, đòi hỏi sự ủng hộ, vào cuộc tích cực của toàn xã hội và cả hệ thống chính trị. Do đó, với những nền tảng sẵn có và kết quả đạt được ngành NN, các địa phương và nông dân tỉnh Vĩnh Long quyết tâm phát triển ngành NN đúng quy hoạch, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, đồng thời đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế địa phương.

Từ đó, tạo tiền đề để phát triển một nền NN thông minh, hội nhập, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM phồn vinh và văn minh.

Bài, ảnh: THẢO LY