Sản xuất lúa ứng phó với biến đổi khí hậu

Cập nhật, 14:11, Thứ Ba, 29/06/2021 (GMT+7)

 

Lãnh đạo huyện Vũng Liêm và Sở Nông nghiệp- PTNT đến khảo sát một số ruộng lúa bị ảnh hưởng xâm nhập mặn mùa khô 2019- 2020.
Lãnh đạo huyện Vũng Liêm và Sở Nông nghiệp- PTNT đến khảo sát một số ruộng lúa bị ảnh hưởng xâm nhập mặn mùa khô 2019- 2020.

(VLO) Dự án khuyến nông xây dựng mô hình sản xuất lúa ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021- 2025 vừa được UBND tỉnh thông qua với mục tiêu hỗ trợ người sản xuất 1.100ha lúa ứng dụng các tiến bộ “kỹ thuật” trong sản xuất để ứng phó với các tác động xấu của BĐKH, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Hạn- mặn gây nhiều thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp

Theo ông Lưu Nhuận- Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, mùa khô năm 2019- 2020, mặn xuất hiện sớm, xâm nhập sâu và độ mặn lên cao mức lịch sử ở các tháng đầu mùa khô và kéo dài đến tận tháng 3, tháng 4, làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân ở nhiều nơi trong tỉnh như huyện Long Hồ, Vũng Liêm, Mang Thít…

Ngay từ 12/2019, độ mặn trên 5‰ đã bắt đầu xuất hiện trên địa bàn tỉnh, sớm hơn mùa khô năm 2018- 2019 một tháng và sớm hơn các năm về trước.

Xâm nhập mặn cao nhất xuất hiện vào đầu tháng 1 (trên sông Cổ Chiên), đầu tháng 2/2020 (trên sông Hậu) và đầu tháng 3 (trên sông Tiền). Đỉnh mặn phía sông Cổ Chiên và sông Hậu đều vượt đỉnh mặn lịch sử mùa khô năm 2015- 2016 từ 0,4- 2,9‰.

Trên sông Cổ Chiên, tại Vũng Liêm độ mặn lên mức 10‰, vàm Mang Thít 6,2‰. Còn trên sông Hậu tại huyện Trà Ôn độ mặn lên mức 7,8‰. Phía sông Tiền lần đầu tiên ghi nhận độ mặn giáp tỉnh Tiền Giang khá cao từ 4,1- 4,5‰.

Ranh mặn 4‰ lấn sâu vào khoảng 60km trên sông Hậu, sâu hơn năm 2016 là 7km. Trên sông Cổ Chiên, ranh mặn 4‰ ảnh hưởng tới xã Mỹ Phước (Mang Thít)- cách cửa biển 70km, sâu hơn năm 2016 là 6km.

Phía sông Tiền, ranh mặn 4‰ xuất hiện tại xã Bình Hòa Phước (Long Hồ)- cách cửa biển khoảng 90km.

Số huyện bị ảnh hưởng biên độ mặn từ 1- 10‰ là 6 huyện, thị (chỉ ngoại trừ huyện Bình Tân và TP Vĩnh Long). Tỉnh Vĩnh Long đã xảy ra thiên tai xâm nhập mặn với cấp rủi ro thiên tai cấp độ 2.

Mùa khô năm 2019- 2020 do mặn xâm nhập sớm và duy trì ở mức cao nên đã làm thiệt hại, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong tỉnh. Tổng diện tích cây trồng bị thiếu nước tưới trên 18.864ha, ước tổng thiệt hại trên 395 tỷ đồng.

Trong số trên 2.477ha cây trồng bị nhiễm mặn ở các huyện Vũng Liêm, Mang Thít, Long Hồ, Trà Ôn, Tam Bình thì có trên 400ha lúa Hè Thu và Đông Xuân.

Riêng diện tích cây trồng bị thiếu nước tưới (ở 5 huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Tam Bình, Mang Thít và TX Bình Minh) trên 17.479ha, trong đó, diện tích lúa trên 10.578ha, bao gồm lúa vụ Đông Xuân và Hè Thu.

Xây dựng mô hình 1.100ha lúa ứng phó với BĐKH

Sản xuất lúa ứng phó với biến đổi khí hậu, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
Sản xuất lúa ứng phó với biến đổi khí hậu, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp (Sở Nông nghiệp- PTNT) làm chủ đầu tư dự án trên với mục tiêu cụ thể trong 5 năm (2021- 2025), hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình sản xuất lúa ứng phó với BĐKH với quy mô 1.100ha và 180 thiết bị đo độ mặn, phèn.

Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, hội thảo nhân rộng mô hình cũng như tăng cường hỗ trợ liên kết doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Dự án được triển khai theo hình thức xã hội hóa Nhà nước và nhân dân cùng thực hiện với tổng kinh phí 11,5 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước đầu tư hỗ trợ theo chính sách với 50% chi phí mua lúa giống cấp xác nhận, vật tư thiết yếu theo yêu cầu của mô hình, thiết bị đo độ mặn, độ pH.

Bên cạnh, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho nông dân với 100% chi phí khảo sát, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân trong và ngoài mô hình, chi phí tổ chức hội thảo đánh giá, nhân rộng mô hình.

Nông dân đầu tư cơ sở vật chất hiện có như ruộng sản xuất, và 50% chi phí còn lại để mua lúa giống và chi phí mua thiết bị đo độ mặn, pH (nếu nông dân có nhu cầu) và 50% số lượng vật tư đối ứng; chi phí dịch vụ làm đất, chăm sóc, thu hoạch và cơ sở vật chất khác phục vụ cho sản xuất.

Dự án được thực hiện tại các xã, huyện nằm trong quy hoạch phát triển sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh huyện như: Long Hồ, Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm. Trong đó, ưu tiên cho các xã, huyện canh tác lúa được dự báo hoặc đã bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn.

Bài, ảnh: THÀNH LONG