Đề phòng hạn, mặn ngay trong mùa lũ

Cập nhật, 05:49, Thứ Ba, 24/09/2019 (GMT+7)

Mới đây, Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh có công văn chỉ đạo về việc chuẩn bị triển khai công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019- 2020, qua đó nhằm chủ động phòng bất trắc ngay trong mùa lũ này.

Kiểm soát mặn, chủ động trữ nước ngọt đảm bảo cho sản xuất, dân sinh trong mùa khô.
Kiểm soát mặn, chủ động trữ nước ngọt đảm bảo cho sản xuất, dân sinh trong mùa khô.

Hiện nay, nước trên sông Mekong về ĐBSCL ở mức thấp. Theo nhận định của các cơ quan chuyên ngành, trong mùa mưa năm nay, tổng lượng mưa có khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 200- 400mm. Khả năng dòng chảy vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp trong thời gian tới.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2019- 2020 xuất hiện sớm hơn so với trung bình nhiều năm từ 1- 2 tháng và ở mức cao hơn, gay gắt hơn. theo đó, từ tháng 12/2019, xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng trong phạm vi cách biển đến 30- 35km. Từ tháng 1- 2/2020, ranh giới mặn 4‰ vào sâu nội địa vùng các cửa sông Cửu Long từ 45- 55km.

Với dự báo như trên và thực trạng nguồn nước hiện tại, khu vực ĐBSCL và tỉnh Vĩnh Long nói riêng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cấp nước cho sản xuất nông nghiệp trong mùa khô năm 2019- 2020 cũng như có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước sinh hoạt cho người dân.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, diện tích chịu ảnh hưởng biên mặn từ 2- 5‰ của 2 huyện Vũng Liêm, Trà Ôn rộng khoảng 22.000- 23.600ha.

Khi độ mặn sông Cổ Chiên tại Vũng Liêm lên 2- 3‰, các cống ngăn mặn đóng có khả năng trên 13.000ha lúa Hè Thu ở huyện Vũng Liêm thiếu nước, không thể tưới tự chảy do mực nước kinh, rạch xuống thấp.

Toàn tỉnh có 5 huyện- thị bị ảnh hưởng xâm nhập mặn từ 2- 10‰ với diện tích tự nhiên bị ảnh hưởng rộng gần 70.000ha. Trong đó, Vũng Liêm 25.000ha, Trà Ôn 25.000ha, Mang Thít 10.000ha, Tam Bình 5.000ha và TX Bình Minh 5.000ha.

Tổng số dân có khả năng chịu ảnh hưởng nguồn nước nhiễm mặn khoảng 71.500 hộ, trong đó có 36.574 hộ đã sử dụng nước máy (tỷ lệ 51,2%).

Toàn tỉnh còn khoảng 34.200 hộ ở nông thôn chưa sử dụng nước máy tập trung, hộ ở trong nội đồng xa kinh, rạch lớn sẽ gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt do nguồn nước bị cạn kiệt và bị ô nhiễm, nhiễm mặn.

Và, 26.000 hộ có thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn 4‰ gồm 7 xã ven sông và cù lao trên sông Cổ Chiên thuộc huyện Vũng Liêm và 4 xã ven sông Hậu thuộc huyện Trà Ôn.

Tất cả số nhà máy nước thu nước mặt ở huyện Vũng Liêm, Trà Ôn đều có thể bị ảnh hưởng nguồn nước bị nhiễm mặn trên 2‰. Một số nhà máy nước ở các xã Chánh An, An Phước, thị trấn Cái Nhum, Chánh Hội và Tân An Hội (Mang Thít) cũng có thể bị ảnh hưởng với độ mặn này.

Tuy chưa phải là địa bàn chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn nhưng thời gian qua, nhiều nông dân ở xã Tân Quới Trung (Vũng Liêm) cũng gặp không ít khó khăn trong việc chủ động nguồn nước cho sản xuất lúa.

Theo ông Võ Văn Khiết (ngụ ấp Tân Quới, xã Tân Quới Trung), nơi ông canh tác vẫn còn tình trạng xuống giống không đồng loạt, gối vụ nên dẫn đến tình trạng xung đột nhu cầu nước tưới tại những thời điểm nhất định.

Vì không chủ động được nguồn nước nên khó quản lý cỏ dại, tạo môi trường, điều kiện sâu bệnh hại lưu tồn, phát sinh gây hại. Vụ rồi, khi cần phun xịt thuốc diệt cỏ mà ruộng không đưa nước vào được nên ruộng ông cỏ mọc đầy, năng suất lúa không cao.

Tương tự, ông Nguyễn Minh Sơn (ấp Đập Thủ, xã Tân Quới Trung) cũng than rằng thời gian qua, việc không thống nhất thời gian đóng mở cống, bộng lấy nước khiến nhiều hộ làm lúa gặp khó, nhất là sản xuất giống lại càng khó hơn.

Ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm cho hay hiện việc quản lý hệ thống thủy lợi đã được phân cấp về địa phương.

Các công trình thi công xong đã bàn giao cho xã quản lý. Để góp phần thực hiện tốt việc quản lý này, ông Dương Ái Đạo cho rằng các hộ dân cần thành lập tổ quản lý chung của ấp đối với những khu vực sản xuất chung hệ thống cống, bộng để chủ động nguồn nước.

Ngành chuyên môn rất khó quản lý đối với từng khu vực nhỏ, riêng lẻ mà cần có sự phối hợp từ các tổ quản lý ở địa phương.

Để chủ động phòng ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019- 2020, bảo đảm cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh, vừa qua, ông Nguyễn Minh Tho- Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT đã ký ban hành công văn chỉ đạo công tác này.

Theo đó, Phòng Nông nghiệp- PTNT các địa phương tham mưu xây dựng kế hoạch phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ dân sinh, đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân 2019- 2020, Hè Thu 2020, trong đó xác định từng vùng có khả năng bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn để có giải pháp cụ thể giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.

Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diến biến thời tiết, thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn, đo độ mặn thường xuyên, tranh thủ thời gian độ mặn cho phép vận hành các công trình thủy lợi để lấy nước, trữ nước tối đa vào hệ thống kinh, rạch, mương vườn phục vụ sản xuất, dân sinh.

Đối với vụ lúa Đông Xuân 2019- 2020 cần bố trí mùa vụ hợp lý, bảo đảm xuống giống an toàn trong điều kiện hạn, mặn, nhất là tại các huyện có khả năng bị nước mặn xâm nhập như Vũng Liêm, Trà Ôn và Mang Thít.

Riêng vụ Hè Thu 2020, xuống giống tập trung tại những vùng có nguồn nước ngọt ổn định như Bình Tân, Long Hồ, Tam Bình, TX Bình Minh, TP Vĩnh Long.

Các vùng bị nhiễm mặn cao như Vũng Liêm, Trà Ôn và Mang Thít chỉ xuống giống khi có phương án bảo đảm đủ nước tưới và đồng thuận của người dân.

Bài, ảnh: LÊ SƠN