Ứng phó với ngập lụt, úng nội đồng do ảnh hưởng của lũ

Cập nhật, 15:12, Thứ Năm, 02/08/2018 (GMT+7)

Ngày 1/8/2018, Tổng cục Thủy lợi có công điện gửi Sở Nông nghiệp- PTNT các tỉnh- thành ĐBSCL thực hiện các giải pháp ứng phó với ngập lụt, úng nội đồng do ảnh hưởng của lũ sông Cửu Long.

Lúa Hè Thu đổ ngã do mưa nên người dân phải cắt bằng tay.
Lúa Hè Thu đổ ngã do mưa nên người dân phải cắt bằng tay.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng- Thủy văn quốc gia, lũ ở sông Cửu Long hiện đang lên nhanh, mực nước cao nhất ngày 31/7 tại Tân Châu đạt 3,02m, cao hơn trung bình nhiều năm 0,53m, tại Châu Đốc đạt 2,48m, cao hơn trung bình nhiều năm 0,41m.

Dự báo, mực nước sẽ tiếp tục tăng nhanh, đến ngày 8/8, mực nước cao nhất tại Tân Châu ở mức 3,35m, tại Châu Đốc mức 2,75m. Đến ngày 13/8, lũ khả năng đạt đỉnh đầu mùa với mực nước tại Tân Châu là 3,7m, cao hơn báo động 1 là 0,2m, tại Châu Đốc là 3,1m, cao hơn báo động 1 là 0,1m.

Đỉnh lũ chính vụ khả năng ở mức báo động 2 và trên báo động 2, thời gian xuất hiện vào khoảng nửa đầu tháng 10/2018. Diễn biến lũ còn nhiều bất thường, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh.

Riêng tại Vĩnh Long, theo dự báo của Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh, mực nước cao nhất tại trạm Mỹ Thuận sẽ đạt mức cao nhất từ 1,65- 1,75m, xuất hiện trong các ngày 14, 15, 30 và 31/8, mực nước này cao hơn so với cùng thời kỳ năm trước là 0,07m.

Tính tới thời điểm cuối tháng 7, lúa Hè Thu toàn tỉnh đã thu hoạch 92% tổng diện tích lúa (tương đương 49.069ha).

Diện tích đổ ngã do mưa trên trà lúa chín chuẩn bị thu hoạch diện tích 205ha, với tỷ lệ từ 30- 40% tại xã Trung Nghĩa (Vũng Liêm). Lúa Thu Đông đã xuống giống 34.025ha đạt khoảng 72% so kế hoạch, trà lúa trên đồng đang giai đoạn mạ đến chắc xanh.

Để bảo vệ sản xuất nông nghiệp, đề phòng thiệt hại do ngập lụt, úng nội đồng, Tổng cục Thủy lợi đề nghị Sở Nông nghiệp- PTNT các tỉnh- thành ĐBSCL theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo lũ sông Cửu Long để thực hiện các giải pháp ứng phó với lũ đầu vụ và bố trí sản xuất, sinh hoạt thích ứng với lũ chính vụ.

Bên cạnh, tổ chức kiểm tra, rà soát hệ thống đê bao, bờ bao, đánh giá cụ thể khả năng chống chịu với ảnh hưởng của ngập lũ để có phương án bố trí sản xuất phù hợp.

Đồng thời tăng cường gia cố, tôn cao các đoạn đê, bờ bao thấp, yếu, có nguy cơ xảy ra tràn, bể, sạt lở ở các vùng có nguy cơ bị ngập lũ.

Tin, ảnh: LÊ SƠN