Ngành nông nghiệp

Liên kết sản xuất theo chuỗi để phát triển bền vững

Cập nhật, 07:49, Thứ Bảy, 05/11/2016 (GMT+7)

 

Nông sản vùng ĐBSCL rất phong phú, song sản xuất còn tự phát, thiếu liên kết với doanh nghiệp.Ảnh: VINH HIỂN
Nông sản vùng ĐBSCL rất phong phú, song sản xuất còn tự phát, thiếu liên kết với doanh nghiệp.Ảnh: VINH HIỂN

Đề án Tái cơ cấu đã được ngành nông nghiệp triển khai thực hiện 3 năm qua và đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc liên kết sản xuất theo chuỗi để nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm trong ngành nông nghiệp vẫn còn khá khiêm tốn.

Nếu không đẩy mạnh việc liên kết sản xuất thì đây chính là “rào cản”, thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp nước ta khi tham gia vào thị trường thế giới và phát triển bền vững.

Liên kết sản xuất vẫn còn yếu

Có thể coi Tập đoàn Lộc Trời (tiền thân là Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang) là một trong những doanh nghiệp (DN) tiên phong thực hiện việc liên kết giữa DN và nông dân để hình thành xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo tại vùng đất “Chín Rồng” với sự tham gia 40.000 hộ nông dân (gần 1,9 triệu cổ phiếu với giá ưu đãi cho nông dân).

Ở đó, nông dân khi tham gia vào chuỗi liên kết vừa là ông chủ (sở hữu cổ phần) lại vừa làm thuê, tức lao động trực tiếp trên đồng ruộng.

Kết quả của “mối lương duyên” giữa nông dân và DN là những sản phẩm gạo với các thương hiệu đang xây dựng đưa ra thị trường: Hạt ngọc trời Tiên nữ, Hạt ngọc trời Thiên Long, Hạt ngọc trời Phượng Hoàng, Hạt ngọc trời Bắc Đẩu…

Ông Huỳnh Văn Thòn- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời khẳng định: Để chinh phục các “thượng đế” ngoại quốc, chúng tôi xác định trước tiên sản phẩm gạo của chúng tôi phải chinh phục được các “thượng đế nội địa”.

Phải hình thành chuỗi giá trị lúa gạo, sản xuất theo đơn đặt hàng thì mới chủ động được sản xuất, không bấp bênh đầu ra. Tính liên kết xuất phát từ nhu cầu thực tế của cả DN và nông dân. “DN luôn cố gắng chia sẻ lợi nhuận sao cho hợp lý với nông dân. Đó là cốt lõi để sự hợp tác được bền vững”.

Một mô hình đang khá thành công trong việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất là Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Tân Cường (xã Phú Cường, huyện Tam Nông- Đồng Tháp).

Ông Nguyễn Văn Trãi- Giám đốc HTX cho hay: “83% nông dân tại xã là thành viên HTX thì hàng năm được chia lãi. Nếu không là thành viên thì vẫn được cung cấp vật tư nông nghiệp, dịch vụ như xã viên.

Vật tư nông nghiệp trước đây- khi chưa có HTX- thì khó kiểm soát chất lượng. Từ khi có HTX, chúng tôi mua từ công ty đầu mối nhờ đó hạn chế được tình trạng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng”.

Ông cũng khẳng định:

“Nông dân bán lúa cho HTX lúc nào cũng cao hơn so với ngoài thị trường từ 30- 50 đ/kg có khi 100 đ/kg. Nhờ vậy, mình có số lượng lớn, cùng chủng loại. Hiện HTX có 2.000ha cánh đồng mẫu lớn, năng suất khoảng 30.000- 32.000 tấn lúa, định hướng của HTX là bán gạo chứ không bán lúa nữa”.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: Mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị được xây dựng. Đến nay, đã có nhiều mô hình cánh đồng lớn liên kết xây dựng ở các địa phương với tổng diện tích khoảng 556.000ha, trong đó các tỉnh khu vực ĐBSCL có diện tích thực hiện liên kết lớn nhất là 450.000ha.

Trong 3 năm (2013- 2015), giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt chỉ tăng trung bình 2,6%/năm. Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt năm 2015 ước đạt 83 triệu đồng (tăng khoảng 10,2 triệu đồng so với năm 2012).

Như vậy, diện tích lúa gạo có liên kết của cả nước mới chỉ đạt 6- 7% tổng diện tích trồng trọt (tổng diện tích trồng các vụ trong năm). Riêng các tỉnh khu vực ĐBSCL, diện tích lúa gạo có liên kết dù đạt cao nhất (chiếm 80% tổng diện tích lúa gạo có liên kết của cả nước) cũng chỉ đạt 8- 10% tổng diện tích lúa gạo toàn khu vực.

Việc liên kết giữa nông dân- DN có nhiều lợi ích, vậy tại sao việc liên kết này vẫn đạt thấp? Các chuyên gia về nông nghiệp đều cho rằng những chính sách để khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp vẫn chưa đủ “lực hấp dẫn”.

Nông dân vẫn sản xuất theo kiểu tự phát, theo phong trào mà thiếu sự liên kết với DN. Trong khi đó, một tổ chức đóng vai trò “cầu nối” rất quan trọng giữa DN và nông dân là các HTX lại vẫn còn thiếu và yếu. Đây cũng là nguyên nhân khiến việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp chưa đạt như kỳ vọng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Số DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trong 3 năm qua kể từ khi thực hiện tái cơ cấu đã tăng lên, đặc biệt có sự tham gia của một số DN lớn.

Tuy nhiên, so với yêu cầu của tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp thì vẫn chưa đáp ứng. Hiện nay, tỷ lệ DN tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm trên 1% tổng số DN cả nước; trong số 1% này, có đến 90% là các DN nhỏ và siêu nhỏ.

3 thách thức thời hội nhập

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém: kết quả tái cơ cấu mới chỉ là bước đầu và chưa tạo được chuyển biến rõ rệt; tăng trưởng của ngành chưa vững chắc, tốc độ tăng trưởng quý I/2016 giảm; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm; khu vực HTX còn nhiều lúng túng trong việc thực hiện theo Luật HTX 2012.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thẳng thắn nhận xét: Nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn. Thứ nhất, nền nông nghiệp dựa trên quy mô hộ nhỏ, lẻ với hơn 13 triệu hộ nông dân, diện tích đất canh tác bình quân mỗi hộ chỉ có 0,3ha.

Đây chính là thách thức lớn của nền nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt. Thứ hai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường: ĐBSCL, Tây Nguyên, khu vực Nam Trung Bộ hạn hán, xâm nhập mặn. Đòi hỏi chúng ta phải tổ chức lại sản xuất để thích ứng với điều kiện này.

Thứ 3, chính là mở cửa hội nhập, hàng hóa của các nước, trong đó có nông sản, thực phẩm sẽ vào Việt Nam, sản phẩm nông nghiệp sẽ phải cạnh tranh trên chính “sân nhà”. Thời gian qua, ngay cả những mặt hàng xuất khẩu chủ lực gạo thị trường bấp bênh, chưa bền vững.

Nếu chúng ta không tái cơ cấu, ngành nông nghiệp thậm chí có thể thua ngay trên “sân nhà” khi nền kinh tế Việt Nam mở cửa hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới- Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh tại buổi làm việc mới đây với Bộ Nông nghiệp- PTNT.

Rau quả, trái cây Việt Nam có bước tăng trưởng vượt bậc trở thành mặt hàng xuất khẩu “tỷ đô” của ngành trồng trọt. Trong ảnh: Thu hoạch chôm chôm ở xã Bình Hòa Phước (Long Hồ). Ảnh: HÀ VĨNH THÁI
Rau quả, trái cây Việt Nam có bước tăng trưởng vượt bậc trở thành mặt hàng xuất khẩu “tỷ đô” của ngành trồng trọt. Trong ảnh: Thu hoạch chôm chôm ở xã Bình Hòa Phước (Long Hồ). Ảnh: HÀ VĨNH THÁI

Gỡ “nút thắt” để hội nhập thành công và phát triển bền vững

Ông Lại Xuân Môn- Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho rằng: Nông dân chỉ làm đoạn giữa, đoạn đầu và đoạn cuối thì chỉ DN mới làm được.  Để tái cơ cấu nông nghiệp thành công thì phải tổ chức lại sản xuất, liên kết, dồn điền đổi thửa, liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, liên kết giữa nông dân với nông dân tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị hiệu quả hơn.

TS. Đặng Kim Sơn- nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách (Bộ Nông nghiệp- PTNT) nêu điều hằng trăn trở: Để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thành công chúng ta phải xây dựng, hình thành 7 vùng chuyên canh sản xuất nông- lâm- thủy sản- trái cây. Đặc biệt, Nhà nước cần có chính sách đột phá về tích tụ đất đai để khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn.

Đồng tình với quan điểm của TS. Đặng Kim Sơn- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng cần phải tháo gỡ ngay “2 nút thắt”: vấn đề tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa lớn và chính sách ưu đãi, khuyến khích DN, người sản xuất đầu tư vào nông nghiệp.

Trong thời gian tới, trong tổ chức sản xuất thì DN đóng vai trò trụ cột. Đối với các sản phẩm quốc gia, tập trung chính sách ưu tiên hỗ trợ các DN lớn còn sản phẩm cấp tỉnh thì ưu tiên DN vừa, sản phẩm địa phương (cấp huyện) thì có chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đồng thời phải tổ chức lại các HTX có vai trò rất quan trọng tạo mối liên kết sản xuất theo chuỗi; sản xuất- chế biến- phân phối- tiêu thụ sản phẩm- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Hy vọng với những biện pháp quyết liệt từ Bộ Nông nghiệp- PTNT, từ quyết tâm của “vị Tư lệnh ngành nông nghiệp”, việc tăng cường xây dựng mối liên kết sản xuất theo chuỗi giữa nông dân- DN sẽ có bước đột phá, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành công.

 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Xuân Cường: Bộ sẽ lựa chọn 10 sản phẩm quốc gia (có lợi thế cạnh tranh, khả năng phát triển bền vững), mỗi sản phẩm có giá trị xuất khẩu 1 tỷ USD/ năm trở lên. Sản phẩm cấp tỉnh như vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), nhãn lồng Hưng Yên…; thứ 3 là sản phẩm địa phương tiêu thụ tại chỗ vừa có thị trường toàn quốc vừa khả năng xuất khẩu

 

 HÀ VĨNH THÁI