Trồng cam sành thiếu bền vững do giống trôi nổi

Cập nhật, 10:15, Thứ Sáu, 16/09/2016 (GMT+7)

+ 50% cây cam sành bệnh, chết sau thu hoạch vụ thứ 2

Theo kết quả điều tra, đánh giá hiện trạng canh tác cam sành của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh) trong tháng 8 vừa qua cho thấy, việc chọn cây giống trôi nổi để trồng đã ảnh hưởng không nhỏ đến độ “ăn bền” của vườn cam.

Cụ thể, có đến 50% hộ trồng mua giống cam không rõ nguồn gốc. Thường nhà vườn tới vườn cam nào thấy cây được thì ghép về trồng hoặc mua trôi nổi của các thương lái.

Trong khi đó, cách đây khoảng 20 năm, trong một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam cũng đã khẳng định, 85% giống trôi nổi nhiễm vi rút, song hiện hình thức mua giống kiểu này còn khá phổ biến.

Bên cạnh, cũng theo kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, có gần 90% diện tích cam trên đất ruộng, chủ yếu thuê đất trồng muốn thu hồi vốn nhanh nên rất ít quan tâm thiết kế vườn, kỹ thuật trồng và chăm sóc.

Theo khuyến cáo, nên trồng cây cách cây từ 2- 2,5m thì phần lớn nhà vườn trồng chỉ 1- 1,3m (gần 4.000 cây/ha), ít tỉa cành, tạo tán nên dịch hại rất dễ tấn công. Chạy theo lợi nhuận, nên thường 12- 25 tháng tuổi nhà vườn đã xử lý cây ra trái, phun thuốc quá nhiều giai đoạn này (2- 9 lần) làm cây suy kiệt.

Kết quả điều tra cũng khẳng định, sau thu hoạch vụ cam thứ 2, tỷ lệ bệnh, chết cây một số vườn lên đến 50% so vụ thu hoạch thứ nhất. Và sau 3- 5 năm vườn cam gần như không còn khả năng cho trái.

HOÀNG MINH