Nhiều mối lo vụ lúa Thu Đông

Cập nhật, 13:48, Thứ Ba, 13/09/2016 (GMT+7)

 

Bà con cần tập trung chăm sóc lúa Thu Đông.
Bà con cần tập trung chăm sóc lúa Thu Đông.

Xuống giống không đảm bảo thời gian cách ly, tình hình khí tượng thủy văn diễn biến phức tạp, áp lực dịch hại… là những mối lo trong vụ lúa Thu Đông này.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, vụ lúa Thu Đông 2016, kế hoạch xuống giống khoảng 49.000ha, thời gian xuống giống từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 7âl.

Trong đó, có khoảng 12.000ha lúa sớm, được xuống giống vào cuối tháng 5âl. Đợt xuống giống tập trung vào giữa tháng 6 đầu tháng 7âl với khoảng 30.000ha, đợt cuối sẽ xuống giống diện tích còn lại vào cuối tháng 7 âl.

Nếu so với lịch thời vụ chung của ĐBSCL thì Vĩnh Long xuống giống sớm hơn khoảng nửa tháng.

Tuy vậy, do ảnh hưởng hạn mặn nên có khoảng 6.000ha lúa Hè Thu trong tỉnh, tập trung nhiều tại Vũng Liêm, Trà Ôn gieo sạ trễ so những năm trước. Do tiếp tục sản xuất Thu Đông, không đảm bảo thời gian cách ly 2 vụ nên khả năng ảnh hưởng sâu bệnh là rất lớn.

Anh Nguyễn Văn Út (xã Trung Nghĩa) cho biết, vụ này “bấm bụng” xuống giống 2 công lúa Thu Đông trong hoàn cảnh ảnh hưởng hạn mặn, trễ lịch thời vụ hơn 1 tháng so những năm trước. Tuy hiện lúa đang phát triển tốt nhưng anh lo ngại thời điểm lúa trổ và thu hoạch sẽ rơi trúng vào mưa bão (so năm trước thu hoạch sớm né được mưa bão) sẽ ảnh hưởng.

 

Lũ chưa về đã tạo môi trường thuận lợi cho chuột sinh sôi và phát triển nhanh tại nhiều tỉnh- thành ĐBSCL. Ngành chức năng khuyến cáo diệt chuột đồng loạt cả khu vực. Khi sử dụng thuốc diệt chuột cần đảm bảo an toàn cho người, động vật nuôi và môi trường. Đồng thời, không để ruộng khô nước, lùm bụi rậm rạp giữa đồng... cho chuột ẩn nấp.

Trong khi đó, sau khi đối mặt với tình trạng hạn mặn xảy ra nghiêm trọng trong những tháng đầu năm 2016, diện tích sản xuất lúa của nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL giảm.

Mong muốn có thể gia tăng sản xuất nhằm cải thiện thu nhập, nhất là khi nguồn thu từ 2 vụ lúa đầu năm giảm, Bộ Nông nghiệp- PTNT đã chủ trương khuyến khích các địa phương có điều kiện tại ĐBSCL tập trung phát triển, mở rộng diện tích sản xuất lúa Thu Đông 2016 để vừa tạo điều kiện cải thiện thu nhập cho nông dân, vừa góp phần gia tăng sản lượng lúa gạo và kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản cho cả nước.

Tuy nhiên, thời tiết vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đặc biệt nhiều cơn mưa gần đây thường khá lớn, kèm theo giông lốc mạnh, lúa dễ bị đổ ngã trong giai đoạn từ làm đòng đến chín.

Anh Nguyễn Văn Nhanh (xã Hiếu Nhơn- Vũng Liêm) cho biết, bỏ đất trống uổng phí nên quyết định gieo sạ khoảng 10 công vụ Thu Đông. Bất lợi nhất năm nay là thời gian cách ly 2 vụ khá ngắn nên áp lực sâu bệnh gia tăng.

Tuy nhiên, lo ngại của anh Nhanh cũng như nhiều bà con nơi đây là mấy ngày gần đây mưa gió liên tục, nếu tình trạng kéo dài đến khi lúa trổ và chín sẽ thiệt hại về năng suất và ảnh hưởng giá bán.

Thực tế sản xuất cũng cho thấy, các biện pháp phòng ngừa ngộ độc cho cây lúa thường không được nông dân quan tâm ngay từ đầu vụ. Chỉ khi thấy lúa có dấu hiệu mới bắt tay phòng trị nên hiệu quả không cao. Trong khi đó, năm nay là năm hết sức đặc biệt, đất đai không có nhiều thời gian nghỉ ngơi và công tác vệ sinh đồng ruộng cũng không kỹ lưỡng. Trong khi xu hướng canh tác truyền thống của bà con là thường tăng cường phân đạm để thúc đẩy cây lúa phát triển, đâm chồi nên tình trạng bón thừa rất dễ xảy ra. Đây là yếu tố gia tăng chi phí sản xuất và dịch hại bùng phát mạnh mẽ hơn.

Ngay từ đầu vụ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Văn Liêm đã cảnh báo khả năng xảy ra ngộ độc hữu cơ, dịch bệnh năm nay sẽ nhiều hơn những năm trước.

Trước diễn biến thời tiết sáng nắng nóng- chiều có mưa làm ẩm độ tăng cao tạo điều kiện cho các bệnh do nấm như đốm nâu, đốm vằn và các bệnh do vi khuẩn như cháy bìa lá, thối gốc lúa, vàng lá sẽ gây hại, ngành nông nghiệp lưu ý bà con phải chú ý thăm đồng thường xuyên để phát hiện kịp thời, sử dụng đúng thuốc để ngăn chặn mầm bệnh phát sinh phát triển mạnh.

Bên cạnh đó, cũng lưu ý các đối tượng sẽ gây hại nhẹ như sâu đục thân, muỗi hành, nhện gié trên lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh.

 

Ghi nhận tuần qua có gần 4.000ha lúa Thu Đông bị gây hại, tăng 646ha so với tuần trước, chủ yếu bệnh đạo ôn do mưa nhiều. Rầy nâu là đối tượng xuất hiện và gây hại nhiều với 317ha, trên trà lúa đẻ nhánh- đòng trổ, phổ biến tại huyện Vũng Liêm và TX Bình Minh; đạo ôn nhiễm 1.382ha, với tỷ lệ bệnh 5-15%, phân bố hầu hết các huyện. Ngoài ra, trên trà lúa Thu Đông cũng xuất hiện bệnh cháy bìa lá, vàng lá vi khuẩn, đốm vằn và nhện gié trên trà lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh ở mức độ nhẹ. 

™Bài, ảnh: HOÀNG MINH