Tam Bình hướng đến nông sản sạch

Cập nhật, 14:38, Thứ Năm, 16/06/2016 (GMT+7)

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đảng bộ huyện Tam Bình đang từng bước định hướng nông dân sản xuất nông sản sạch đáp ứng yêu cầu thị trường.

Đoàn khảo sát của Tỉnh ủy đến tham quan mô hình trồng lúa hữu cơ ở xã Mỹ Lộc.
Đoàn khảo sát của Tỉnh ủy đến tham quan mô hình trồng lúa hữu cơ ở xã Mỹ Lộc.

Trồng lúa sạch, cây ăn trái có giá trị cao

Chúng tôi cùng đến tham quan mô hình trồng lúa hữu cơ và bán hữu cơ xanh mướt mắt của nông dân tại Ấp 9 (xã Mỹ Lộc).

Ông Lê Văn Chiến- Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc cho biết: Được sự thống nhất của Huyện ủy Tam Bình, UBND xã đã tổ chức tham quan mô hình lúa sạch ở An Giang theo phương thức trồng lúa hữu cơ và bán hữu cơ; đồng thời vận động các công ty hỗ trợ giống, thuốc, phân bón, hướng dẫn quy trình sản xuất lúa và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Qua đó, có 73 hộ tham gia với 43,3ha.

Theo ông Lê Văn Chiến, việc áp dụng khoa học kỹ thuật đã tác động không nhỏ đến nhận thức của người dân, thể hiện qua việc sử dụng giống xác nhận, áp dụng quy trình 3 giảm- 3 tăng, xuống giống đúng lịch thời vụ, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.

Điều quan trọng là thay đổi dần tập quán sản xuất của nông dân như sử dụng thuốc sinh học, bón phân hữu cơ, sử dụng giống được thị trường ưa chuộng.

Nông dân cũng đã dần quen với việc ghi chép sổ tay nhật ký đồng ruộng, tính toán được hiệu quả kinh tế tiến đến sản xuất lúa theo hướng VietGAP. Bên cạnh, còn tạo được tình đoàn kết trong sản xuất thông qua việc thành lập HTX sản xuất nông nghiệp Tân Tiến.

Tại vườn trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP ở ấp An Hòa B (xã Bình Ninh), ông Nguyễn Tiến Quang- chủ vườn cho biết: “Tôi có 3 công cam 6 năm tuổi, nhờ áp dụng theo VietGAP mà việc chăm sóc, xử lý phân thuốc hợp lý hơn, đảm bảo an toàn cho bản thân và người tiêu dùng. Bình quân mỗi năm tôi thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng”.

Có mặt tại vườn cam xoàn trồng trên đất ruộng đang cho trái chiếng xanh tốt, ông Nguyễn Văn Tươi (ấp Mỹ Phú 5, xã Tường Lộc) cười tươi: “Tui trồng 9 công cam được 2 năm rồi, giờ đang chờ hưởng quả, dự kiến sẽ thu hoạch được trên 20 tấn trái, với giá bán 45.000 đ/kg có thể thu được trên 400 triệu đồng”.

Đồng chí Lê Tiến Dũng- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tam Bình cho biết: Thực hiện các chương trình hành động của Tỉnh ủy, Huyện ủy luôn chú ý đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, trên cơ sở nguồn lực sẵn có sẽ nâng hiệu quả sản xuất, đối với những nơi trồng lúa 3 vụ thì cần phải tập trung cho có hiệu quả; đồng thời, nhân rộng các mô hình cánh đồng mẫu và chú ý sản xuất lúa sạch.

Vụ Hè Thu này, nông dân trồng lúa khá trúng mùa được giá. Đối với cây ăn trái, đặc biệt là cây cam, Huyện ủy cũng đang quan tâm chỉ đạo nhân rộng trên đất vườn lẫn đất ruộng. Mô hình này tuy không mới nhưng đã đem lại thu nhập khá cho nông dân thời gian qua.

Còn nhiều băn khoăn

Ông Nguyễn Hữu Phước- Ban Quản trị HTX Sản xuất nông nghiệp Tân Tiến cho biết: Bước đầu tham gia sản xuất lúa hữu cơ, nông dân khá bỡ ngỡ. Nhưng qua thực tế, không sử dụng thuốc hóa học rất khỏe cho nông dân.

Bước đầu, được hỗ trợ giống, vật tư và bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường từ 400- 800 đ/kg. Tuy nhiên, giá phân hữu cơ khá cao, tính toán lại thì năng suất và sản lượng không bằng vô cơ, nên nông dân còn băn khoăn.

Tuy trồng cam theo chuẩn VietGAP, đáp ứng yêu cầu thị trường, nhưng ông Nguyễn Tiến Quang cũng khá băn khoăn cho đầu ra, vì sản lượng làm ra còn ít, khó đáp ứng yêu cầu ký kết hợp đồng.

Bí thư Huyện ủy- Lê Tiến Dũng cho biết thêm, việc nhân rộng mô hình phải hiệu quả và mang tính khả thi, nông dân trồng lúa lời khoảng 1,5 triệu đồng/công. Khi vào mô hình thì phải cao hơn, do đó cần tạo điều kiện để mô hình tồn tại và phát triển.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Trương Văn Sáu trao đổi với nông dân về tình hình sản xuất nông nghiệp.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Trương Văn Sáu trao đổi với nông dân về tình hình sản xuất nông nghiệp.

Về kinh tế vườn, có nhiều nhà đầu tư muốn thuê đất ruộng để trồng cam với giá 4- 5,5 triệu đồng/công, sau đó trồng lại ruộng lúa cũng rất tốt và sử dụng ít phân hơn.

Bà Huỳnh Chí Linh- Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng: Nông dân đang chuyển đổi từ lúa sang cây ăn trái và cho trái rất tốt nhưng phát triển chưa đúng theo khoa học.

Việc một số hộ dân trồng cam cứ 10 ngày cho xịt thuốc, 12 tháng thì xử lý ra hoa, sau 3- 4 năm là tàn, tuy có lời nhưng khi gia nhập TPP thì việc dư lượng hóa học hết sức lớn rất khó tiêu thụ, vận chuyển trễ 1- 2 ngày thì gần nửa số cam bị úng đi. Vấn đề cần thiết hiện nay là “nói cho dân nghe, dân bình tĩnh trở lại”.

Trong chuyển đổi cơ cấu, nổi bật là mô hình sản xuất lúa hữu cơ, nông dân rất đồng tình. Về lâu dài, đất sẽ phục hồi, tốt về môi trường, sức khỏe và năng suất sẽ tăng lên, chi phí sản xuất sẽ giảm, phun dưỡng ít hơn. Sau 2 vụ, nếu không được hỗ trợ nữa thì Nhà nước cần quan tâm. Bởi, để dân đi vào sản xuất ổn định thì cần hỗ trợ ít nhất 6 vụ.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Trương Văn Sáu đánh giá cao mô hình sản xuất lúa hữu cơ của huyện Tam Bình vì đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với phát triển kinh tế tập thể.

Đồng chí cho rằng mô hình còn đồng thời giải quyết các vấn đề về xã hội- kinh tế- môi trường. Nếu thành công sẽ mở ra hướng mới cho nông dân mình, phù hợp với điều kiện hội nhập WTO, TTP.

Đối với mô hình trồng cam, các ngành chuyên môn cần hướng dẫn kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cần quyết liệt hơn, nâng cao hiệu quả và nhân rộng mô hình đối với những vùng có lợi thế; đồng thời, cần gắn với tổ chức sản xuất để giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Ths.Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT

Hiện các địa phương đang mở rộng mô hình trồng cam trên đất lúa. Trung bình trồng khoảng 28 tháng là cho thu hoạch, vụ đầu cây cho trái chiếng khoảng 10kg/cây, nông dân trồng gần 300 cây/công, giá bán 30.000 đ/kg thì thu được 90 triệu đồng/công. Những năm sau, cây cho 25- 30 kg/công sẽ cho thu nhập rất cao.

 

Vì lợi nhuận nên nhiều người “biết chết vẫn nhào vô”, ngành nông nghiệp không cản được, nhưng rồi phải trả giá do dư lượng thuốc, đất đai thoái hóa, ô nhiễm môi trường. Trách nhiệm của ngành là hướng dẫn sản xuất, mở nhiều lớp tập huấn và tư vấn để nông dân sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI