Làm nông theo hướng thị trường

Cập nhật, 07:26, Thứ Tư, 29/05/2013 (GMT+7)

Hiện một số hợp tác xã (HTX) ở huyện Bình Tân (Vĩnh Long) đang vận động nông dân tăng diện tích trồng giống đậu bắp xanh của Nhật Bản hướng tới mở rộng thị trường…“xuất ngoại”.

Ông Lê Văn Trung- Chủ nhiệm HTX Rau an toàn Thành Lợi- xã Thành Lợi cho hay: “Hiện mỗi ngày HTX thu mua hàng trăm ký đậu bắp xanh để xuất khẩu. Chúng tôi còn đang “bắt mối” với một số bạn hàng để có thể xuất khẩu đậu bắp qua Trung Quốc”.


Giá đậu bắp xanh, thời điểm cao gấp đôi đậu bắp thường.

Thuận lợi xuất sang Nhật Bản

Là HTX đầu tiên mang giống đậu bắp xanh về trồng khi mới thành lập, ông Lê Văn Trung nhớ lại: Thời điểm năm 2005, sau khi vận động nông dân tham gia HTX cũng như trồng giống đậu bắp xanh này gặp không ít khó khăn, do nông dân sợ lỗ lã, nên 4 thành viên trong ban chủ nhiệm quyết định góp vốn trồng thử nghiệm 2ha do Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải (TP Hồ Chí Minh) cung ứng giống và hợp đồng bao tiêu thụ sản phẩm.
 
“Bà con không muốn tham gia cũng phải, bởi đây là giống mới. Vả lại, trước giờ khi rộ mùa đậu bắp bán mớ, bán thúng chứ làm gì nghe đậu bắp đem xuất khẩu”. Sau hơn 2 tháng trồng, đậu bắp xanh bắt đầu cho thu hoạch. Xe tải của công ty đến tận HTX nhận hàng, mua giá cả cao gấp đôi giống đậu bắp thường. “Lúc đó bà con mới tin và đến mua giống về trồng và xin tham gia vào HTX”- ông chia sẻ.

Trúng mùa, được giá, đậu bắp xanh ngày càng được nhiều bạn hàng ưa chuộng, diện tích trồng cũng tăng theo, có thời điểm lên đến hàng chục hecta.
 
Ông
Lê Văn Trung cho biết, ngoài Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải (TP Hồ Chí Minh), năm 2006, HTX tiếp tục nhận nhiều đơn đặt hàng của Công ty Xuất nhập khẩu Miền Tây (TP Cần Thơ), Công ty Xuất nhập khẩu Mỹ Tho (Tiền Giang), Công ty TNHH Phú Thạnh (Hậu Giang) ký hợp đồng cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm, có lúc mỗi ngày cung ứng hàng tấn trái đậu bắp xanh. Hiện xã viên HTX trồng chuyên canh khoảng 10ha đậu bắp xanh, với giá bao tiêu 7.500 đ/kg.

Anh Lê Văn Tuấn (ấp Thành Nhân, xã Thành Lợi) trồng hơn 2 công đậu bắp xanh cho biết: Trung bình mỗi ngày anh hái từ 25- 30kg, trừ chi phí mỗi ngày anh còn lời hàng trăm ngàn.

Cùng với HTX Rau an toàn Thành Lợi, HTX Rau củ quả Tân Bình, xã Tân Bình cũng là “địa chỉ xanh” trong xuất khẩu đậu bắp xanh. Ông Nguyễn Cao Miên- Chủ nhiệm HTX cho biết: Năm 2008, bên cạnh các sản phẩm rau củ thì đậu bắp xanh được nhiều công ty “đặt hàng” bao tiêu. Hiện mỗi ngày, Công ty Thủy sản Bạc Liêu thu mua khoảng 4 tấn đậu bắp xuất sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, với giá cao gấp đôi giống đậu bắp khác.

Tìm hướng mở rộng thị trường

Ông Lê Văn Trung cho biết, thời gian gần đây, có một số người Trung Quốc “núp bóng” thương lái địa phương đến tìm hiểu về cách trồng đậu bắp xanh, đồng thời đặt vấn đề thuê đất nông dân để trồng.

Qua đó, ông mới biết hiện thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng loại đậu bắp này. Thông qua một vài người bạn thường xuyên vận chuyển các mặt hàng nông sản xuất khẩu, mới đây ông đã “ké” 400kg đậu bắp sang thẳng thị trường Trung Quốc, đồng thời tìm mối lái làm ăn lâu dài.

Do khâu bảo quản chưa tốt nên khi ra đến cửa khẩu số đậu bắp này đã bị thâm, không bán được. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của ông Trung, đây là một thị trường tiềm năng, bởi có rất nhiều siêu thị ở đây “ăn” đậu bắp xanh xuất từ Việt Nam rất mạnh, giá cả không thua xuất sang thị trường Nhật Bản.


Ông Lê Văn Trung đầu tư hàng chục triệu đồng mua máy làm lạnh bảo quản đậu bắp xuất khẩu.

Ưu điểm của giống đậu bắp xanh này là năng suất cao, khoảng 3 tấn trái/công, kháng sâu bệnh mạnh do lá dày, thân cứng và thời gian “ăn” trái cũng lâu hơn những giống đậu bắp khác. “Hiện chúng tôi đang nhờ các nhà khoa học của Trường Đại học Cần Thơ hướng dẫn phương pháp bảo quản. Nếu thực hiện hiệu quả, hướng tới có thể xuất thẳng sang Trung Quốc, số lượng mỗi tuần có thể khoảng vài tấn trái.”- ông Trung cho biết thêm.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Cao Miên, với “giấy thông hành” chứng nhận VietGAP cho trái đậu bắp xanh được công nhận vào cuối năm 2012 là điều kiện tốt để HTX này mở rộng diện tích trồng; đồng thời có thể đưa sản phẩm đậu bắp xanh vào các nhà hàng, siêu thị.

Trong bối cảnh đầu ra rau an toàn vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, những mô hình trồng và xuất khẩu đậu bắp xanh ở Bình Tân có thể xem là điểm sáng, gợi mở ra hướng đi cho nhiều loại rau an toàn khác.

Ông Nguyễn Cao Miên cho biết, hiện thị trường tiêu thụ đậu bắp xanh còn rất lớn trong khi diện tích trồng tại địa phương còn nhỏ, chỉ hơn 10ha nên chưa đáp ứng được nhu cầu.

Tuy nhiên, để sản phẩm đậu bắp có thể xuất khẩu được đòi hỏi người trồng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nhưng điều này rất ít nông dân hiểu và thực hiện tốt, vì vậy rất cần sự vận động, hướng dẫn của ngành chuyên môn khắc phục nhược điểm để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo định hướng sản xuất từ năm 2011- 2015, Bình Tân sẽ hoàn thiện quy hoạch phân vùng sản xuất nông nghiệp, tập trung sản xuất cây màu có ưu thế, đạt hiệu quả kinh tế cao; kết hợp với các viện nghiên cứu, Trường Đại học Cần Thơ về cung ứng giống rau màu, cây ăn trái chất lượng tốt; khuyến khích, hướng dẫn nông dân sử dụng chế phẩm sinh học cải thiện dinh dưỡng của đất, hạn chế dịch bệnh...

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG- MINH THÁI