Chủ động thích ứng "bình thường mới"

Cập nhật, 05:45, Thứ Ba, 19/10/2021 (GMT+7)

(VLO) Từ thực tế công tác phòng chống dịch COVID-19 hết sức gay go những tháng qua, các tỉnh- thành xác định cuộc chiến này còn lâu dài, cần năng lực thích ứng và cách làm phù hợp để chung sống an toàn với dịch bệnh.

Cùng cả nước, tỉnh Vĩnh Long đặt “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế- xã hội. Đồng thời, các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, của tỉnh đã và đang triển khai hỗ trợ kịp thời các cơ sở, doanh nghiệp (DN) sản xuất an toàn, hiệu quả. DN chủ động tổ chức lại sản xuất, áp dụng các phương án phù hợp theo phương châm “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”.

Loạt bài này nhìn lại những khó khăn, thách thức DN đã và đang trải qua, ghi nhận sự chủ động của chính quyền địa phương kịp thời hỗ trợ DN; cách tiếp cận linh hoạt, ứng biến nhanh của cộng đồng DN trong việc tìm hướng đi thích ứng với điều kiện bình thường mới.

Kỳ 1: Đi trong “bão” COVID-19

Doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức chưa từng thấy trong “bão COVID-19”. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Quốc Thảo.
Doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức chưa từng thấy trong “bão COVID-19”. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Quốc Thảo.

Thực hiện mục tiêu vừa sản xuất kinh doanh vừa phòng chống dịch COVID-19, một số DN chấp nhận “đi trong bão dịch” duy trì hoạt động với các phương án “3 tại chỗ”, “2 điểm đến 1 cung đường”, “2 tại chỗ- vùng xanh”… với hàng loạt khó khăn, chi phí phát sinh.

Đối mặt những thách thức chưa từng thấy

Giữa tháng 7/2021, dịch COVID-19 bùng phát từ một DN ở Khu công nghiệp Hòa Phú, rồi lây lan ra cộng đồng, gây tâm lý bất an cho người lao động và đặt DN trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Chúng tôi đi cùng đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các đơn vị sản xuất kinh doanh, do ông Nguyễn Văn Liệt- Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn.

Khi ấy, nhiều trường hợp F0 đã xuất hiện rải rác ở các DN, vì vậy: “Nếu DN không có phương án “3 tại chỗ” thì phải tạm dừng hoạt động sản xuất để đảm bảo phòng chống dịch theo quy định”- ông Nguyễn Văn Liệt khẳng định, dù đây là một quyết định rất khó khăn.

Để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, nhiều DN đã phải gấp rút xây dựng phương án bố trí nơi lưu trú tạm cho người lao động ở tại công ty và thực hiện mô hình “3 tại chỗ” (ăn, ở, sản xuất) để phòng dịch.

Lãnh đạo tỉnh khảo sát hoạt động “3 tại chỗ” của doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Hòa Phú.
Lãnh đạo tỉnh khảo sát hoạt động “3 tại chỗ” của doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Hòa Phú.

Chia sẻ những khó khăn của DN, Phó Chủ tịch tỉnh nhấn mạnh và kêu gọi: “Thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, chúng ta đã xác định đặt lợi ích chăm lo sức khỏe, tính mạng cho người dân lên trên hết.

Vì thế, chúng tôi mong muốn các DN thông cảm, góp sức cùng tỉnh tận dụng tốt nhất thời gian giãn cách xã hội này. Trong tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, có thể sẽ áp dụng những biện pháp mạnh và quyết liệt hơn, rất mong DN đồng hành cùng với tỉnh đẩy lùi, ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả nhất”.

Dịch bệnh diễn biến khó lường và kéo dài, cùng với các tỉnh- thành phía Nam, từ tháng 7- 9/2021, Vĩnh Long đã thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo nhiều mức độ và dần nới lỏng từ tháng 10.

Thời gian này, hàng loạt cơ sở, DN phải tạm dừng hoạt động. Trong khi đó, sức tiêu thụ cũng giảm mạnh, hàng hóa rơi vào tình trạng ế ẩm.

Theo ông Vũ Văn Năng- Giám đốc Công ty Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nhật Quỳnh, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến toàn bộ nền kinh tế và hầu hết các DN.

Không chỉ gặp khó ở khâu tiêu thụ, mà đầu vào, chi phí sản xuất, chi phí phòng dịch, vận chuyển… tạo thêm gánh nặng không nhỏ cho các DN. Cho tới thời điểm này, thị trường vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục, thu nhập người dân giảm mạnh kéo theo sức mua lao dốc.

“Các biện pháp phòng chống dịch đặt ưu tiên hàng đầu cho sức khỏe của cộng đồng. Tuy nhiên, nó cũng đã làm cho lực lượng lao động bị thiếu hụt do công nhân không thể tới chỗ làm hoặc nhà máy phải tạm đóng cửa vì không đủ điều kiện sản xuất “3 tại chỗ”, nguồn cung ứng vật tư bị thiếu hụt, dịch vụ sửa chữa, bảo trì bị gián đoạn dẫn đến việc phải thu hẹp hoặc tạm ngưng sản xuất. Việc tiêm vắc xin thời điểm trước cũng còn chậm”- ông Năng nêu thực tế và đó cũng là tình hình chung của các DN.

Ông Cao Minh Quốc- Giám đốc Công ty TNHH Quốc Thảo, cho hay: Công ty chuyên sản xuất các mặt hàng nông sản, nên khi các tỉnh có vùng nguyên liệu thực hiện giãn cách, việc vận chuyển hàng hóa rất khó khăn.

Việc thực hiện giãn cách (phong tỏa, vùng đỏ, vùng xanh) đã hạn chế di chuyển, quy định về vận chuyển hàng hóa của các địa phương cũng không thống nhất, gây rất nhiều trở ngại cho DN, cộng với việc hạn chế một phần thị trường- khi TP Hồ Chí Minh và Bình Dương đóng cửa, đã làm chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy.

DN phải rất chật vật để tìm nhà cung ứng thay thế- điều mà chưa từng xảy ra trước đó. Khi thực hiện “3 tại chỗ”, khó khăn lớn nhất của DN là tổ chức bếp ăn cho 400 lao động và còn phải làm sao ổn định tâm lý cho người lao động yên tâm sản xuất.

Sản xuất kinh doanh trong âu lo

Thị trường tiêu thụ giảm, giá nguyên liệu cao, một số nhà cung cấp nguyên liệu ngừng hoạt động do không đáp ứng được quy định chống dịch, DN chấp nhận giảm lợi nhuận, quy mô sản xuất.

Công ty TNHH Hoàng Thiên Lộc cố gắng duy trì hoạt động, tạo việc làm cho người lao động.
Công ty TNHH Hoàng Thiên Lộc cố gắng duy trì hoạt động, tạo việc làm cho người lao động.

Ông Trần Văn Hoàng- Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Thiên Lộc, bảo rằng: “Khó khăn nhất của DN khi dịch bệnh xảy ra chính là thị trường, bởi hầu như không có công trình xây dựng mới.

Dù vậy, công ty vẫn hoạt động nội bộ, bố trí việc làm cho người lao động như sơn sửa lại xưởng, bảo trì máy móc, nhà xưởng. Công ty vẫn trả lương đầy đủ cho người lao động có thu nhập trong thời gian giãn cách xã hội, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, chia ca, giãn giờ làm”.

Theo Ban quản lý Các khu công nghiệp tỉnh, việc thực hiện theo phương án “3 tại chỗ”: là cần thiết với DN đảm bảo cho người lao động làm việc liên tục, DN không bị đứt gãy sản xuất. Tuy nhiên, việc kéo dài thời gian thực hiện phương án “3 tại chỗ” dẫn đến tâm lý của người lao động có xu hướng không ổn định, không muốn ở lâu dài trong nhà máy. DN khi thực hiện phương án “3 tại chỗ” có chi phí lớn, cơ sở vật chất, trang thiết bị mua sắm còn trở ngại, năng suất lao động không cao, chủ yếu là duy trì tương tác với khách hàng. DN phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động và một số bộ phận lao động tự ý bỏ việc do tâm lý lo sợ dịch bệnh. Giai đoạn dịch tính đến ngày 24/9, tỷ lệ lao động đang làm việc đạt chỉ 16,09% so với lao động toàn khu, tuyến công nghiệp. Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho việc tìm kiếm nguồn lao động trở lại khi phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, đặc biệt là đối với các ngành nghề yêu cầu lao động nhiều, các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Đối với nhiều DN, dù có dự đoán dịch bệnh sẽ gặp khó khăn nhưng thực tế dịch bệnh kéo dài lại là điều “không ai lường trước được”.

Theo ông Cao Minh Quốc: “Khi sản xuất “3 tại chỗ” thì chỉ giải quyết được nhất thời, bởi tâm lý của công nhân không ổn định khi bị “bó buộc” trong công ty nhiều tháng liền.

Đồng thời, chi phí xét nghiệm cho người lao động, tài xế quá cao, DN phải gồng gánh quá sức”.

Đứng trước những thách thức như vậy, mỗi DN đều phải tự tìm cách thích ứng.

Ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV, cho biết: DN đã thực hiện từ phương án “3 tại chỗ”, đến “2 tại chỗ- vùng xanh” chi phí tăng cao là một chuyện, nhưng vấn đề tâm lý người lao động mới đáng quan tâm hơn.

Chúng tôi phải luôn động viên và cả chăm lo vật chất, ăn uống, bố trí nơi ngủ nghỉ, thể thao vận động,… để ổn định tâm lý, giúp người lao động an tâm sản xuất tại chỗ.

Có người ở suốt trong công ty hơn 4 tháng không về quê, ai cũng rất nhớ nhà.

Chủ một cơ sở sản xuất thực phẩm ở Tam Bình nói thay thực tế của rất nhiều DN rằng: “DN luôn nơm nớp lo, không biết dịch bệnh sẽ “tấn công” lúc nào.

Bởi rủi ro rất cao, đến từ khâu “đầu vào” là tài xế vận chuyển về hàng ngày, rồi thương lái… Nếu không may có F0 thì việc ngừng sản xuất, mất doanh thu là khó tránh khỏi”.

Dù vậy, trong “bão COVID-19”, cùng với các chủ trương, chính sách tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương, sự đồng thuận tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của lãnh đạo công ty, người lao động đã giúp nhiều DN duy trì sản xuất, vững bước đi trong giai đoạn khó khăn nhất.

Số doanh nghiệp hoạt động trở lại và lao động làm việc tại doanh nghiệp tăng

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ ngày 1/1- 14/10/2021, toàn tỉnh có 109 DN tạm ngưng hoạt động và 94 DN tái hoạt động.

Tính đến 14/10, toàn tỉnh (cả trong và ngoài khu, cụm công nghiệp) có 2.104 DN hoạt động trở lại với 39.995 lao động. Có 141 DN tham gia các phương án sản xuất với gần 30.000/77.176 lao động. Trong đó, 15 DN “3 tại chỗ” với 510 lao động; 121 DN “2 tại chỗ- vùng xanh” với 27.995 lao động; 5 DN thực hiện cả 2 phương án trên với 1.070 lao động.

Riêng trong khu, tuyến công nghiệp: có 44/47 DN đã hoạt động trở lại với gần 20.000/46.104 lao động (34,6%). Trong đó, 6 DN hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”; 34 DN hoạt động theo phương án “2 tại chỗ- vùng xanh”; 4 DN song song 2 phương án.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, trong tháng 9 và trung tuần tháng 10, nhiều DN đã tái hoạt động, đưa chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 34,7%, kim ngạch xuất khẩu tăng 62,48% so tháng trước.

Tuy nhiên, vẫn còn một số DN chưa hoạt động hoặc chưa thể phục hồi hoạt động hết công suất. Nguyên nhân là do thị trường bị thu hẹp, nhu cầu tiêu dùng giảm. Vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn. Thiếu nguyên vật liệu, nguồn vốn tái sản xuất; giá nguyên liệu đầu vào, chi phí duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tăng cao. Phát sinh các chi phí thực hiện phòng chống dịch; chi phí thực hiện các phương án sản xuất, đặc biệt là phương án “3 tại chỗ” lớn nhưng năng suất lao động không cao. Lực lao động thiếu, chưa huy động đủ lao động trở lại làm việc để phục hồi sản xuất.

TRẦN PHƯỚC

>>>Kỳ sau: Trăm kiểu xoay xở để duy trì hoạt động

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY