Doanh nghiệp tăng tốc vụ tết

Cập nhật, 13:31, Thứ Năm, 10/12/2020 (GMT+7)

Từ khoảng 1 tháng nay, các doanh nghiệp (DN) sản xuất bánh, mứt, kẹo đã bắt tay vào sản xuất vụ tết. Nhận định thị trường năm nay sẽ chậm hơn nên nhiều DN sản xuất hàng vừa phải. Bên cạnh đảm bảo chất lượng, DN cũng tăng cường “thay áo mới” cho sản phẩm để đón tết.

Doanh nghiệp tích cực đổi mới mẫu mã sản phẩm để đón tết.
Doanh nghiệp tích cực đổi mới mẫu mã sản phẩm để đón tết.

Sản xuất hàng vừa phải

Những ngày này, đến những DN, cơ sở làm bánh, mứt, kẹo tết đã nghe nức mùi kẹo, mạch nha thơm lừng. Những mẻ kẹo mới ra lò còn nóng hôi hổi, những chiếc bánh quy đủ kiểu dáng, những miếng mứt quyện đường sóng sánh, ngọt thanh,... Tất cả đang háo hức chờ ra chợ tết.

40 năm trong nghề sản xuất kẹo, ông Lê Văn Hoàng- Giám đốc Công TNHH Sơn Hải (Tam Bình)- cho biết: Từ đầu tháng 10 âl, DN đã bắt đầu sản xuất hàng tết.

Tuy những tháng trước, ảnh hưởng của dịch COVID- 19, thị trường giảm 80- 90%, nhưng hiện nhu cầu ngày càng tăng. Sản xuất theo quy trình ISO, nguyên liệu đầu vào sản phẩm luôn được kiểm tra nghiêm ngặt, đảm bảo chất lượng. Nhờ vậy, 40 năm qua, kẹo Sơn Hải luôn có vị trí vững trên thị trường.

“Những năm trước, mỗi khi tết đến, hàng làm ra lúc nào cũng không đủ bán dù đã hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, năm nay ảnh hưởng của dịch bệnh, lao động làm tết cũng giảm 20% so với năm trước. Nếu như năm 2019 vụ tết có khoảng 100 lao động thì năm nay có khoảng 70- 80 lao động.

Bên cạnh đó, do cũng chưa đoán trước được thị trường nên công ty hiện chỉ sản xuất 40- 50% công suất cho tết, trữ hàng sẵn khi khách hàng có nhu cầu có đơn hàng thì giao liền”- ông Lê Văn Hoàng cho biết thêm.

Theo ông Lê Văn Hoàng, giá nguyên liệu đầu vào năm nay cũng có tăng hơn năm trước 5- 10%, nhiều nhất là đường, đậu phộng, do ảnh hưởng của dịch bệnh và do đậu phộng trong nước chưa tới mùa phải nhập khẩu đậu phộng từ Ấn Độ. Do đó, sản phẩm kẹo Sơn Hải năm nay cũng nhích hơn 3- 5%.

Để phục vụ thị trường tết năm nay, anh Nguyễn Thanh Việt- Công ty TNHH Nhật Ngọc (TP Vĩnh Long), cho hay: DN đã bắt tay vào vụ tết 1 tuần trước và hiện đang tăng tốc, sản xuất hàng liên tục. DN hiện có 11 lao động, dự kiến sẽ thuê thêm 6 lao động nữa để kịp sản lượng.

Hiện công ty đang tập trung 2 dòng bánh phục vụ thị trường tết là bánh phồng khoai lang và bánh quy khoai lang. Đồng thời cải tiến mẫu mã mới để đón tết, trong đó chọn màu tím và màu cam là chủ đạo.

“Công ty đã ký được 2 hợp đồng tiêu thụ cho tết này là cung cấp sản phẩm cho một công ty phân phối thị trường 13 tỉnh ở ĐBSCL với doanh thu 50 triệu đồng/tỉnh. Bên cạnh đó, Siêu thị Satra Food cũng vừa đồng ý nhập hàng cho 280 siêu thị thuộc hệ thống. Dự đoán lượng hàng cung cấp từ 3.000 hộp bánh/lần đặt hàng”- anh Nguyễn Thanh Việt phấn khởi nói.

Tết này, chị Nguyễn Thị Thu Hà- Chủ cơ sở Sản xuất thực phẩm Nguyễn Gia (xã Tân Bình- Bình Tân) dự kiến sẽ đóng gói khoảng 10.000 sản phẩm để cung ứng thị trường.

Chị Hà cho hay: Cơ sở đã tập trung làm hàng tết 2 tuần nay với 2 sản phẩm chính là mứt vỏ bưởi và mứt trái tắc. Năm rồi tuy sản phẩm còn mới nhưng thị trường tết tiêu thụ rất tốt, hàng làm ra không đủ bán, cho thấy nhu cầu của thị trường còn rất lớn.

Đây cũng chính là động lực cho cơ sở tiếp tục phấn đấu tốt hơn. Hiện sản phẩm mứt của chị Hà đã có mặt ở nhiều tỉnh ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. “Năm nay tôi cũng đang nghiên cứu cải tiến bao bì để bắt mắt thu hút người tiêu dùng làm quà tặng trong dịp tết”- chị chia sẻ.

Tận dụng cơ hội, lợi thế riêng để phát triển

Kẹo Sơn Hải tăng tốc vụ tết.
Kẹo Sơn Hải tăng tốc vụ tết.

Nhiều DN cũng cho rằng, tuy tết đến nhu cầu thị trường cao nhưng việc liều “bung” hàng trong năm nay là điều rất mạo hiểm rất dễ tiềm ẩn nhiều rủi ro ôm hàng. Tuy nhiên, DN cũng không quá dè dặt, mà từng bước sản xuất, thăm dò thị trường, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã “đứa con tinh thần” là cách nhiều DN thực hiện.

Ông Lê Văn Hoàng cho hay: Dịch bệnh ảnh hưởng sản xuất là điều không tránh khỏi, tuy nhiên, quan trọng là DN phải biết cách vượt qua như thế nào, nhất là trong thời điểm tết đến, cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn.

Mỗi năm công ty đều nghiên cứu tìm ra sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu thị trường, năm nay cũng vậy, dù gặp khó nhưng công ty cũng cho ra dòng sản phẩm mới là kẹo ngũ cốc để đa dạng sản phẩm.

Đồng thời, công ty có chiết khấu giảm 5% trên hóa đơn khi khách hàng lấy hàng trong tháng 10 âl nên nhiều bạn hàng đã đặt hàng gửi lại. Do vậy, tính đến thời điểm này thị trường cũng có tín hiệu khả quan.

Còn theo Chủ cơ sở Sản xuất thực phẩm Nguyễn Gia: “Phương châm sản xuất của tôi là sản phẩm mứt tết không chỉ là món truyền thống để nhâm nhi ngày tết mà còn hỗ trợ nâng cao sức đề kháng, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, bởi khi ăn các món ăn khác trong ngày tết có thể ngán, do đó sản phẩm mứt bưởi, mứt tắc có thể giúp người sử dụng hỗ trợ tiêu hóa, giảm ho.

Nhờ vậy mà từ khi ra thị trường đến nay, sản phẩm của cơ sở được người tiêu dùng đánh giá cao, nhất là trong dịp tết. Sau tết, cơ sở sẽ tiếp tục nghiên cứu tiếp các dòng sản phẩm gắn liền với nguyên liệu vỏ bưởi”.

Trong đó, không ít DN cũng đã tận dụng cơ hội để tìm cách “bứt phá” trong thị trường tết năm nay. Anh Nguyễn Thanh Việt chia sẻ: Trong đợt dịch bệnh vừa qua, DN cũng bị ảnh hưởng bởi là DN khởi nghiệp “trẻ”, thị trường tiêu thụ chưa rộng nay lại càng hẹp hơn.

Tuy nhiên, DN lại tận dụng thời gian này làm cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời, mạnh dạn đầu tư thêm máy sản xuất bánh phồng, đầu tư lò nướng bánh quy, nâng công suất lên gấp 3- 4 lần.

Nhiều DN chia sẻ rằng, tết là cơ hội cho DN thể hiện mình, cũng là lúc cạnh tranh nhiều nhất trong năm, nhất là khi có cuộc đổ bộ của bánh kẹo ngoại vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, DN cho rằng, nếu biết tận dụng cơ hội, hàng nội không hề kém cạnh hàng ngoại.

Giám đốc Công ty TNHH Sơn Hải cho rằng: Bánh kẹo trong nước có lợi thế riêng vì có sẵn thị trường truyền thống, nếu biết tận dụng thì không quá khó để cạnh tranh. Tiêu chí hàng đầu là phải luôn giữ vững chất lượng, đổi mới mẫu mã, dù bánh kẹo có ngon nhưng hình thức xấu thì cũng khó cạnh tranh. Mỗi nơi làm có hương vị riêng, người tiêu dùng ăn quen là DN tồn tại và phát triển.

Nhiều DN cho rằng, DN muốn mạnh thì sản phẩm làm ra phải mạnh thì mình mới đủ tự tin để cạnh tranh. DN không thể định vị hay bắt buộc khách hàng dùng sản phẩm của mình mà phải làm cho người tiêu dùng tin tưởng, phải tạo được thương hiệu riêng và chứng minh với người tiêu dùng bằng chất lượng, mẫu mã, giá cả phải chăng. Nếu sản phẩm của mình tốt, đẹp, hợp túi tiền thì nhất định sẽ kéo được người tiêu dùng về phía mình.

Bài, ảnh: THẢO LY