Mất an toàn vệ sinh thực phẩm: Khi nào mới hết bất an?

Cập nhật, 23:19, Thứ Sáu, 23/10/2020 (GMT+7)

 

Mất an toàn vệ sinh thực phẩm không phải là vấn đề mới, song, thời gian qua, tình trạng vi phạm vẫn còn xảy ra khá nhiều khiến nhiều người tiêu dùng cảm thấy bất an, lo lắng. Phải mua thực phẩm nào, mua ở đâu cho an toàn, làm sao phân biệt thực phẩm sạch, thực phẩm bẩn?

Bất an thực phẩm bẩn

Thời gian qua, thực trạng thực phẩm mất an toàn cùng những vụ ngộ độc thực phẩm đã và vẫn còn đang tiếp tục gây ra nhiều lo lắng, bất an cho người dân. Tại Vĩnh Long, tình trạng vi phạm vẫn còn diễn ra.

Các hành vi vi phạm chủ yếu như: vận chuyển, kinh doanh thực phẩm không nhãn mác, không hạn sử dụng, không nơi sản xuất, không công bố chất lượng sản phẩm hàng hóa, không giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP), không tập huấn kiến thức ATTP,…

Theo đó, để kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ, các điểm kinh doanh quanh các khu công nghiệp, trường học, thời gian qua, các đội quản lý thị trường (QLTT) đã thường xuyên sử dụng công cụ test nhanh các loại thực phẩm tươi sống, rau củ quả. Qua đó cũng đã tác động tích cực đến nhận thức của người kinh doanh và nhận được sự đồng tình ủng hộ của người tiêu dùng, góp phần kiểm soát các nguy cơ mất ATTP trên địa bàn quản lý.

Tuy nhiên việc kiểm tra, test nhanh nếu có phát hiện dương tính với các chất cấm (hàn the, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật,…) cũng chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, nhắc nhở và vận động chủ hàng cam kết tiêu hủy hàng hóa vì đa số các trường hợp vi phạm đều là hộ kinh doanh nhỏ lẻ, nhận thức pháp luật còn hạn chế.

Trong quý III/2020, Cục QLTT đã kiểm tra 54 vụ thuộc lĩnh vực ATTP, đã xử lý 1 hộ tạp hóa bán hàng hóa hết hạn sử dụng; đồng thời xử lý 10 hộ kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bên cạnh đó, qua phối hợp kiểm tra phát hiện vi phạm 4 vụ bán thịt bò không tem vệ sinh thú y và thịt heo không dấu kiểm soát giết mổ.

Cục trưởng Cục QLTT tỉnh- Lê Thanh Phong cho biết nhờ kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm thực phẩm không đảm bảo ATTP lưu thông trên thị trường, nên tình trạng vi phạm có giảm xuống so với thời gian trước.

Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, việc sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm, tình trạng bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ, gây mất ATTP, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

Làm sao “triệt đất sống” của thực phẩm bẩn?

Theo nhiều người, nguyên nhân khiến thực phẩm bẩn vẫn còn “nhởn nhơ” một phần là do sự dễ giải của người tiêu dùng, nhất là ở những vùng nông thôn người dân có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, vì lợi nhuận một số cơ sở sản xuất, kinh doanh bất chấp quy định của pháp luật đưa ra thị trường những sản phẩm không đảm bảo chất lượng.

Trong khi đó, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác kiểm tra, kiểm soát, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP còn chưa đồng bộ, chặt chẽ, nhất là cấp cơ sở. Chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực ATTP còn chưa đủ sức răn đe, chủ yếu là xử phạt vi phạm hành chính, số vụ xử lý hình sự thời gian qua là rất ít!

Cô Phạm Thị Phượng (Phường 8- TP Vĩnh Long), cho biết: Hiện nay, có một số sản phẩm đã được gắn mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm để người dân có thể truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm bằng điện thoại thông minh. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng khác không có hoặc có rất ít thông tin về thực phẩm không đảm bảo chất lượng.

Do đó, khi đi chợ chỉ có thể mua ở nơi uy tín hoặc dựa vào những kinh nghiệm tự đúc kết, lựa chọn bằng cảm quan, rồi mua về xử lý kỹ để “trấn an” bản thân, chứ như không có công cụ nào định lượng độ sạch, vệ sinh của thực phẩm”.

Không ít người tiêu dùng chia sẻ rằng các chuyên gia, ngành chức năng “khuyên” người dân hãy trở thành một “người tiêu dùng thông minh”, tự bảo vệ chính mình và người thân mình. Tuy nhiên, không thể “thông minh” khi không được tiếp nhận thông tin sản phẩm, khi mà không kiểm soát được quy trình sản xuất, kinh doanh!

Người tiêu dùng nên chọn mua thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Người tiêu dùng nên chọn mua thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Nhận định tình hình vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại không giảm đặc biệt là vận chuyển và kinh doanh nhập lậu, vi phạm về ATTP, hàng giả, hàng kém chất lượng,… vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là vào thời điểm mùa mưa bão và các ngày lễ, của những tháng cuối năm 2020, ông Lê Thanh Phong cho rằng: Để thực hiện tốt công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới tăng cường công tác tuyên truyền đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và người tiêu dùng nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm và ý thức trong việc chọn lựa thực phẩm an toàn.

Đồng thời, sẽ đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát về hàng hóa an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở và trên khâu lưu thông để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm để ổn định thị trường.

Song song đó, cần nâng cao chế tài xử phạt với những người, những cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm cố ý, tái phạm, công khai các cơ sở vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng cho người dân biết để chọn lựa thực phẩm an toàn.

Để thực phẩm bẩn hết đất sống, không phải là chuyện một sớm một chiều, mà cần có những biện pháp mạnh tay, giải pháp căn cơ lâu dài và cần sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN