Kinh tế: quyết liệt "chạy nước rút"

Cập nhật, 06:02, Thứ Ba, 06/10/2020 (GMT+7)

Tăng trưởng kinh tế của tỉnh dần phục hồi, thích nghi và đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế năm 2020 cần quyết liệt các giải pháp tập trung, đồng bộ.

Các hợp tác xã, doanh nghiệp ổn định hoạt động, tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Các hợp tác xã, doanh nghiệp ổn định hoạt động, tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Kinh tế phục hồi, thích nghi trạng thái bình thường mới

Theo UBND tỉnh đánh giá, Vĩnh Long triển khai và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2020 trong bối cảnh vô cùng khó khăn, chịu tác động kép của dịch COVID-19 và tình trạng xâm nhập mặn.

Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của doanh nghiệp và người dân nên tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh đến nay cơ bản ổn định, các hoạt động thương mại, dịch vụ đang phục hồi, dần thích nghi với trạng thái bình thường mới và đạt được một số kết quả tích cực.

Trong 9 tháng năm 2020, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước thực hiện 10.172 tỷ đồng, đạt 70,15% kế hoạch. Tỉnh đã tiếp xúc làm việc với 36 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Đến 15/9/2020, đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 22 dự án với tổng số vốn đăng ký tương đương 4.028 tỷ đồng (trong đó có 5 dự án FDI).

Tuy số lượng nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư giảm, nhưng số lượng dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư cao hơn cùng kỳ năm trước với tổng vốn đăng ký tăng 161%.

Thương mại, xuất khẩu hàng hóa tính chung 9 tháng vẫn phát triển và tăng trưởng nhẹ so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 41.053 tỷ đồng, tăng 2,85% so với cùng kỳ năm 2019.

Sau thời gian tạm ngưng hoạt động nhằm thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã chủ động đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trở lại nhằm đáp ứng các hợp đồng đã ký kết nên tình hình xuất khẩu hàng hóa của tỉnh.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 9/2020 tăng 6,81% so với tháng trước và tăng 5,03% so với IIP cùng tháng năm trước.

Sản xuất nông nghiệp đang đẩy nhanh sự chuyển đổi sang hướng chất lượng và hiệu quả. Diện tích lúa kém hiệu quả giảm nhanh, thay bằng diện tích rau màu và cây lâu năm có giá trị kinh tế cao hơn.

Năng suất lúa, tổng đàn heo, gia cầm tăng cao so cùng kỳ năm trước. Ngành nông nghiệp tiếp tục khuyến khích người dân đưa rau màu xuống ruộng đạt 23.779ha, màu xen vườn 6.785ha.

Trong khi đó, tổng thu ngân sách đạt tiến độ dự toán và tăng khá so với cùng kỳ. Hệ thống ngân hàng thực hiện kịp thời các chính sách cơ cấu lại nhóm nợ, miễn, giảm lãi, triển khai các gói tín dụng với lãi suất thấp cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 góp phần hỗ trợ tích cực, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Giá cả thị trường ổn định, tốc độ tăng giá được kiểm soát tốt, đảm bảo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 4%. Đáng chú ý, những nỗ lực trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh đang đem đến những kết quả tích cực.

Quyết liệt “chạy nước rút”

Vĩnh Long cần chuẩn bị các điều kiện để đón đầu khuynh hướng dịch chuyển của doanh nghiệp FDI.
Vĩnh Long cần chuẩn bị các điều kiện để đón đầu khuynh hướng dịch chuyển của doanh nghiệp FDI.

Theo ông Phạm Tứ Phương- Giám đốc Sở Công thương, những tháng đầu năm đã có 10 dự án đi vào hoạt động và dự kiến cuối năm sẽ có thêm 2 dự án vận hành, tạo năng lực tăng thêm mới cho ngành công nghiệp nói riêng và kinh tế của tỉnh nói chung.

Ngành công thương cũng tăng cường xúc tiến đầu tư, kết nối cung cầu hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Phạm Tứ Phương cho rằng tình hình xuất nhập khẩu và hoạt động sản xuất còn khó khăn.

Đánh giá của UBND tỉnh cũng cho thấy, những tháng đầu năm, ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do hạn mặn, dịch bệnh và thị trường tiêu thụ. Các hoạt động sản xuất công nghiệp, du lịch, xuất khẩu bị gián đoạn, suy giảm.

Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất. Trong 9 tháng, toàn tỉnh phát triển 256 doanh nghiệp, nhưng có 58 doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể tự nguyện, 104 lượt doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động.

Ông Lữ Quang Ngời- Chủ tịch UBND tỉnh- đánh giá cao các cấp, các ngành đã tích cực lãnh, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ kép: vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa tập trung phát triển kinh tế- xã hội. Xã hội đã dần thích nghi với trạng thái bình thường mới, kinh tế trong tháng 9 cơ bản phục hồi và đạt nhiều kết quả nổi bật.

Tuy nhiên, ông Lữ Quang Ngời lưu ý 3 tháng còn lại của năm 2020 nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương phải tập trung cao độ thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, cần tập trung thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế, bám sát tình hình thực tế để có hướng chỉ đạo quyết liệt hơn.

“Cần tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội nhằm tạo đà phát triển cho giai đoạn tiếp theo”- ông Lữ Quang Ngời nhấn mạnh.

Đồng thời, UBND tỉnh đặt ra nhiệm vụ trọng tâm cho từng đơn vị, địa phương. Chẳng hạn, ngành nông nghiệp triển khai kế hoạch sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2020-2021, giám sát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm hiệu quả, đồng thời thực hiện cầu nối giao thương, liên kết với các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, thu mua tiêu thụ hàng hóa nông sản để hỗ trợ chuyển dịch thị trường tiêu thụ.

Ngành công nghiệp cần hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn sản xuất, đón đầu các lợi ích từ Hiệp định EVFTA mang lại.

Tập trung nguồn lực, chuẩn bị tốt các điều kiện để đón đầu khuynh hướng dịch chuyển của doanh nghiệp FDI đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật và các dự án thứ cấp trong các khu công nghiệp...

Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp thích ứng với sự thay đổi và những tác động mạnh mẽ do dịch COVID-19.

Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công để kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC