Đưa sản phẩm OCOP lên hàng "sao"

Cập nhật, 04:57, Chủ Nhật, 11/10/2020 (GMT+7)

 

Doanh nghiệp nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng khi tham gia chương trình OCOP.
Doanh nghiệp nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng khi tham gia chương trình OCOP.

Với nhiều cơ sở, doanh nghiệp (DN), tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) không phải chỉ là đánh giá phân hạng, mà để khẳng định uy tín thương hiệu, chất lượng sản phẩm (SP). Theo đó, nhiều DN đã tìm được chỗ đứng vững trên thị trường và không ngừng nỗ lực cải tiến, đổi mới để nâng chất và tầm cho SP.

Sản phẩm 3 sao, 4 sao

Nhiều cơ sở, DN nhỏ nhận ra rằng, muốn có chỗ đứng vững trên thị trường thì phải đổi mới, không thể sản xuất theo lối mòn, theo cách truyền thống.

Và với việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nhiều SP đã tự gỡ khó cho chính mình về công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản, từ đó tạo ra những SP có uy tín, chất lượng. Theo đó, đã có không ít SP được chứng nhận là SP OCOP 3 sao, 4 sao của tỉnh.

Có SP đạt chứng nhận 3 sao, anh Nguyễn Thanh Hòa- Chủ cơ sở sản xuất cốm gạo Xuân Phượng (Phường 3- TP Vĩnh Long)- cho hay: Trước đây, các công đoạn làm cốm chủ yếu sản xuất thủ công, chất lượng, mẫu mã làm ra chưa đồng đều nên cơ sở đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị mới để rút ngắn thời gian sản xuất, nâng cao chất lượng SP.

Mẫu mã đẹp mắt hơn, chất lượng đồng đều, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện bên cạnh tiêu thụ trong tỉnh thì SP còn có mặt ở Cần Thơ, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh… với sản lượng 1- 1,2 tấn/tháng.

Theo anh Hòa, đạt chứng nhận SP OCOP, cơ sở được nhiều thuận lợi, “tìm được nhiều thị trường tiêu thụ hơn, SP được nhiều người biết đến hơn, SP có uy tín hơn, giới thiệu SP cũng “mạnh miệng” hơn”- anh Hòa cho hay.

Có SP là 1 trong 5 SP được chứng nhận 4 sao của tỉnh, chị Cao Thúy An- Giám đốc Công ty TNHH 1TV Thực phẩm sạch An An (Mang Thít)- cho biết: “Nhận thấy SP có tiềm năng mở rộng quy mô sản xuất, nên tôi tận dụng được nguồn nguyên liệu tại địa phương để tạo ra SP snack nấm bào ngư.

Đây là hướng đi mới trong việc bảo quản và chế biến nấm tươi, nhất là nấm bào ngư, sau khi thu hoạch, vừa giúp nâng cao chuỗi giá trị nấm, vừa giúp tiêu thụ nguồn nguyên liệu tại chỗ lại đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện nay”.

Nhiều doanh nghiệp có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP không ngừng nỗ lực cải tiến, đổi mới để nâng chất và tầm cho sản phẩm.
Nhiều doanh nghiệp có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP không ngừng nỗ lực cải tiến, đổi mới để nâng chất và tầm cho sản phẩm.

Mở ra nhiều cơ hội phát triển

Theo nhiều cơ sở, DN, được gắn sao chứng nhận SP OCOP không chỉ là cơ sở chứng minh được chất lượng SP mà còn mở ra nhiều cơ hội, triển vọng để phát triển.

Bên cạnh đó, các đơn vị còn được hỗ trợ, tư vấn để hoàn thiện tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã, bao bì, truy xuất cũng như các hoạt động hỗ trợ xúc tiến, quảng bá thương mại và tiếp cận các kênh tiêu thụ trong và ngoài nước. Do vậy, nhiều cơ sở, DN đã nỗ lực khắc phục những hạn chế để đạt chứng nhận năm sau cao hơn năm trước.

Ông Trần Văn Lâm- Phó Giám đốc Công ty TNHH Đông Phát Food (xã Tân Bình- Bình Tân)- cho hay: Năm trước, SP của công ty đạt chứng nhận 3 sao do còn hạn chế về mặt bao bì nên năm nay công ty đã đầu tư thêm hệ thống máy móc để nâng chất lượng, đồng thời, cải tiến mẫu mã bao bì sao cho đẹp mắt hơn.

Khi đạt được chứng nhận 4 sao công ty sẽ mở được nhiều kênh tiêu thụ hơn, nên sẽ tiếp tục phấn đấu đạt chứng nhận 5 sao trong thời gian tới.

Tương tự, anh Nguyễn Thanh Hòa cũng chia sẻ: “Ngoài kênh truyền thống, cơ sở cũng muốn xâm nhập vào các kênh phân phối hiện đại. Khi đó, cơ sở sẽ có cơ hội tiếp cận được thị trường lớn hơn, khó tính hơn, SP được nâng tầm hơn.

Tuy nhiên, muốn làm được điều này thì cơ sở phải đạt chứng nhận cao hơn. Do đó, hướng tới, cơ sở cũng đang nâng cấp nhà xưởng sản xuất, mẫu mã để đạt chứng nhận HACCAP, đem đến SP tốt nhất cho người tiêu dùng”.

Trong khi đó, chị Cao Thúy An cũng cho rằng: Trong giai đoạn thị trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì không nên tự hài lòng với kết quả đang có mà phải không ngừng nâng cấp DN, nâng chuẩn SP, nắm bắt được xu hướng tiêu dùng của thị trường hiện nay mà tiếp tục phấn đấu.

Bà Đoàn Ngọc Thanh Xuân- Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin nông nghiệp- nông thôn (Sở Nông nghiệp- PTNT), cho biết: Thời gian qua, qua tuyên truyền về chương trình OCOP, nhận thức của người dân lẫn người sản xuất đã thay đổi rõ rệt.

Bên cạnh đó, các cấp ngành cũng đồng lòng hỗ trợ, đẩy mạnh tuyên truyền giới thiệu SP địa phương. Cái hay của năm nay là có nhiều SP năm trước đạt 3 sao nhưng năm nay tự nâng cấp để thành 4 sao để SP đi xa hơn.

Bởi, nhiều DN nhận ra rằng, muốn tiêu thụ hàng hóa, thì SP phải đẹp, chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Và nếu không tham gia OCOP thì ít người biết đến, khó xâm nhập kênh phân phối hiện đại.

“Thời gian tới, ngành chức năng cũng sẽ quan tâm sâu hơn những SP còn yếu, SP tham gia năm trước nhưng chưa đạt, đặc biệt là các SP làng nghề, SP khởi nghiệp có tiềm năng phát triển. Trong đó, có một số SP làng nghề rất cần chương trình tác động, như: bánh tráng cù lao mây, chiếu lác Thành Đông, tàu hủ ky Mỹ Hòa,…

Bên cạnh đó, cũng sẽ chú trọng phát triển SP OCOP song song gắn với văn hóa du lịch; đồng thời, mở rộng điểm trưng bày hàng hóa, giới thiệu SP, kết nối cung cầu, giúp các cơ sở DN tìm đầu ra tiêu thụ SP”- bà Đoàn Ngọc Thanh Xuân cho biết thêm.

Theo Trung tâm Thông tin nông nghiệp- nông thôn, Chương trình OCOP đã mang lại kết quả tích cực, phát triển nhiều SP tiêu biểu tại địa phương. Năm 2019, có 19 SP của 19 DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh được công nhận SP đạt từ 3- 4 sao gồm: 5 SP đạt hạng 4 sao và 14 SP đạt hạng 3 sao. Năm 2020, toàn tỉnh có 45 đơn vị đăng ký tham gia với 62 SP đặc trưng của các địa phương đề xuất.

Bài, ảnh: TRÀ MY