Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Kỳ cuối: Du lịch Vĩnh Long tìm lối đi riêng

Cập nhật, 08:41, Thứ Tư, 05/08/2020 (GMT+7)

>> Kỳ 1: Kỳ vọng ngành du lịch sớm phục hồi

Các điểm du lịch hấp dẫn du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng nhờ vẻ đẹp bình dị và kiến trúc mang đậm bản sắc Nam Bộ.
Các điểm du lịch hấp dẫn du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng nhờ vẻ đẹp bình dị và kiến trúc mang đậm bản sắc Nam Bộ.

Để đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bên cạnh việc thực hiện hiệu quả các chính sách, cơ chế phát triển du lịch, một trong những thách thức của du lịch tỉnh nhà hiện nay đó là xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù nhằm tạo điểm nhấn thu hút du khách trở lại Vĩnh Long.

Bài toán sản phẩm du lịch đặc thù

Nghị quyết số 01 về phát triển du lịch giai đoạn 2015- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Tỉnh ủy chỉ ra một trong những thách thức lớn đối với du lịch Vĩnh Long, đó là thiếu sản phẩm đặc thù để tạo ra sự khác biệt với du lịch vùng. Vì phần lớn phương pháp làm du lịch của các tỉnh vùng ĐBSCL đều dựa vào điều kiện tự nhiên để phát triển, dẫn đến tương đồng và dễ gây nhàm chán cho du khách.

Qua khảo sát thực tế việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017- 2019, đoàn giám sát của Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh nhận thấy còn tồn tại nhiều thách thức ngăn cản sự phát triển của du lịch Vĩnh Long.

Theo đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn còn hoạt động tự phát, chưa có sự gắn kết giữa hộ kinh doanh, doanh nghiệp và ngành chức năng, có nơi chất lượng phục vụ chưa chuyên nghiệp, chưa đáp ứng nhu cầu của du khách và cách làm không phù hợp với xu thế phát triển chung.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch chưa đồng bộ, nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn hạn chế cũng là nguyên nhân khiến du lịch địa phương chưa phát triển xứng tầm. Nhiều điểm du lịch trong tỉnh chưa được đầu tư, kết nối với các tuyến giao thông huyết mạch, chưa kể nhiều tuyến đường xuống cấp, các tuyến du lịch đường thủy cũng gặp trở ngại do kinh, rạch bị bồi lắng.

Theo một số chủ cơ sở homestay, khi kinh, rạch cạn nước thì tàu du lịch không thể đưa khách đến tận cơ sở, mà homestay phải đưa xe ra đón du khách. Điều này một phần gây khó khăn cho việc thu hút du khách vào thời điểm thủy triều xuống thấp.

“Mặt khác, sản phẩm, quà tặng lưu niệm của du lịch tỉnh nhà chưa thực sự đa dạng, khiến du khách không có nhiều lựa chọn trong việc chọn lựa để mua sắm. Từ đó, ảnh hưởng đến khả năng thúc đẩy du lịch địa phương, phát triển chưa xứng tầm với tiềm năng hiện có”- bà Nguyễn Thị Tuyết Oanh- Phó Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh cho biết.

Tuy nhiên, xác định lợi thế về du lịch sinh thái miệt vườn và truyền thống văn hóa giàu bản sắc Nam Bộ, ngành du lịch tỉnh đang từng bước tìm lối đi riêng, xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo mà chỉ khi đến Vĩnh Long du khách mới có thể thưởng thức và cảm nhận được.

“Hiện nay, song song với loại hình đờn ca tài tử, nghệ thuật hát bội phục vụ du lịch, tái hiện cảnh người dân đi xem hát bội trong đình làng để du khách cùng thưởng thức được đẩy mạnh thực hiện, góp phần xây dựng sản phẩm đặc trưng cho du lịch Vĩnh Long”- ông Phan Văn Giàu- Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh thông tin.

Đồng thời, loại hình du lịch homestay tiếp tục được chú trọng phát triển. Điểm du lịch Út Trinh Homestay (xã An Bình- Long Hồ) là 1 trong 2 homestay của tỉnh đạt chuẩn ASEAN, được Hiệp hội Du lịch Việt Nam trao giải thưởng homestay có cảnh quan đẹp và hấp dẫn du khách năm 2019.

Bà Phạm Thị Ngọc Trinh- Chủ cơ sở Út Trinh Homestay- cho biết cơ sở đã xây dựng các chương trình hoạt động để khách tham gia và trải nghiệm cuộc sống của người dân thôn quê như đạp xe trên đường làng, tát ao bắt cá, trồng rau, nấu ăn, thưởng thức món ăn Nam Bộ và đờn ca tài tử… giúp du khách tìm hiểu và trải nghiệm về cuộc sống, văn hóa, ẩm thực của người dân miền Tây Nam Bộ.

Tăng cường các nguồn lực phát triển du lịch

Phát biểu tại buổi họp mặt kỷ niệm 60 năm ngành du lịch Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh, đề nghị ngành du lịch tỉnh cần tiếp tục tập trung làm tốt hơn nữa công tác kích cầu du lịch trong thời gian tới. Khôi phục du lịch không phải là vấn đề riêng của ngành du lịch mà đòi hỏi phải có sự chung tay của các cấp, các ngành và các cơ sở kinh doanh du lịch trong phối hợp thực hiện các giải pháp để sớm đưa du lịch tỉnh nhà phục hồi trở lại.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh lưu ý: Hiệp hội Du lịch tỉnh cần tiếp tục vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch là thành viên tham gia thực hiện các gói kích cầu du lịch để hưởng ứng Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.

Đặc biệt, cần tích cực xây dựng các sản phẩm dịch vụ du lịch mới và nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ du khách với mục tiêu giá giảm nhưng chất lượng không giảm. Bên cạnh đó, cần gắn chương trình kích cầu du lịch với công tác phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn tại cơ sở, không lơ là vì tình hình dịch bệnh trên thế giới và một số nước vẫn còn diễn biến phức tạp.

Tại buổi làm việc với Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch về công tác quản lý nhà nước về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017- 2019, ông Trần Văn Ý- Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh đề nghị đơn vị cần tăng cường công tác phối hợp với các sở, ban ngành liên quan và UBND cấp huyện trong việc triển khai các đề án phát triển du lịch trên địa bàn đã được phê duyệt, kịp thời triển khai các chính sách của tỉnh về hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch đến các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp.

Phối hợp các huyện- thị- thành tích cực xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương, phát huy hiệu quả các làng nghề truyền thống trong việc sản xuất các mặt hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch, chủ động phối hợp với ngành chức năng và các cơ sở kinh doanh để tạo chuỗi du lịch hoàn chỉnh.

Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh kiện toàn và nâng chất hoạt động của BCĐ phát triển du lịch tỉnh nhà. Theo đó, chú trọng công tác thanh- kiểm tra hoạt động kinh doanh du lịch, nhất là vào mùa cao điểm nhằm kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Đối với Hiệp hội Du lịch tỉnh, cần phát huy hơn nữa vai trò trong việc xây dựng môi trường kinh doanh văn minh, lành mạnh, tuân thủ đúng pháp luật và bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường sự liên kết, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp hoạt động du lịch, góp phần đưa du lịch tỉnh nhà phát triển tương xứng với tiềm năng.

Bài, ảnh: PHONG NGA