Ứng phó thiên tai trong điều kiện dịch bệnh

Cập nhật, 17:01, Thứ Ba, 04/08/2020 (GMT+7)

 

Vừa qua, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN) tỉnh Vĩnh Long ban hành công văn chỉ đạo việc rà soát, chủ động phương án sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong điều kiện dịch bệnh, đảm bảo an toàn 2 mục tiêu kép, không để xảy ra gián đoạn trong quá trình phòng chống dịch bệnh khi xảy ra tình huống thiên tai.

Ông Nguyễn Văn Lợi- Phó Giám đốc phụ trách Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long cho biết mùa mưa bão năm nay, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông có khả năng xuất hiện từ 11- 13 cơn, 5- 6 cơn trong số đó sẽ ảnh hưởng đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và Nam Trung Bộ.

Tuy nhiên cũng cần đề phòng những cơn bão có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh phía Nam, bao gồm tỉnh Vĩnh Long. Đặc biệt là cần đề phòng giông, lốc xoáy, gió giật, sét đánh và mưa lớn xảy ra trong thời gian ngắn có khả năng gây ngập úng ở các vùng ven sông, trũng, thấp.

Theo Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh, từ đầu năm đến nay, thiên tai đã diễn ra bất thường, cực đoan gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Lưu Nhuận- Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh, hiện đã bước vào mùa mưa bão chính vụ nhưng một trong những khó khăn trong công tác phòng chống thiên tai là việc chằng chống nhà chưa được chính quyền địa phương quan tâm đúng mức.

Cụ thể là việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân chằng chống nhà để đảm bảo vững chắc trong mùa mưa bão chưa được thực hiện tốt. Bên cạnh đó, ý thức của người dân chưa cao, còn trông chờ, ỷ lại vào chính quyền.

Từ đầu mùa mưa bão đến nay, toàn tỉnh đã có trên 115 căn nhà bị thiệt hại, trong đó đáng kể nhất là huyện Bình Tân, giông lốc đã làm sập tốc máy 55 căn nhà, có 1 người bị thương. Chỉ riêng những trận mưa do ảnh hưởng cơn bão số 2 này, thống kê sơ bộ toàn tỉnh đã có 16 căn nhà bị hư hại, trong đó tại huyện Bình Tân có 2 căn sập, 8 căn tốc mái và 1 người bị thương, Vũng Liêm sập 2 căn, Mang Thít tốc mái 4 căn.

Ông Lê Quang Trung- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- cho rằng ý thức tự phòng để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra chưa cao, đặc biệt là công tác chằng chống nhà để đảm bảo vững chắc trong mùa mưa bão từ đó dẫn đến số nhà sập, tốc mái hàng năm còn nhiều. Do đó phải tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao nhận thức phòng ngừa, không trông chờ, ỷ lại, dựa dẫm sự hỗ trợ của Nhà nước.

Nhận định của Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh, tình hình thời tiết, thủy văn trong mùa mưa bão năm nay còn diễn biến phức tạp, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất.

Nhằm chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT- TKCN các địa phương theo dõi thường xuyên, đồng thời các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết và diễn biến dịch COVID-19 qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội, thông tin phòng chống thiên tai tỉnh Vĩnh Long để thông báo, hướng dẫn kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh, ứng phó đảm bảo an toàn 2 mục tiêu kép nêu trên.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh, các địa phương rà soát, cập nhật, bổ sung phương án ứng phó thiên tai cho phù hợp với tình tình, điều kiện cụ thể tại địa phương khi có dịch bệnh xảy ra, trong đó tập trung rà soát, cập nhật phương án sơ tán dân theo hướng tăng cường sơ tán tại chỗ, hạn chế sơ tán tập trung.

Phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đang đặt ra nhiệm vụ kép nhiều khó khăn.
Phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đang đặt ra nhiệm vụ kép nhiều khó khăn.

Chuẩn bị trang thiết bị, máy móc cần thiết để đo thân nhiệt, phân loại các đối tượng để xây dựng phương án sơ tán. Sẵn sàng phương án huy động lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, hóa chất khử trùng, khẩu trang y tế cho các địa điểm sơ tán dân.

Lập danh sách các lực lượng phải huy động để ứng phó thiên tai trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cơ sở. Xây dựng phương án ứng phó thiên tai cho các khu cách ly tập trung, các bệnh viện.

Trang bị dụng cụ, trang thiết bị, thuốc men, khẩu trang y tế,... đảm bảo an toàn dịch bệnh cho các thành viên ban chỉ huy PCTT- TKCN các cấp trong trường hợp phải tập trung chỉ đạo hoặc đi kiểm tra hiện trường và các lực lượng được huy động tham gia công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Tăng cường, chủ động phương án kết nối, chỉ đạo trực tuyến và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy điều hành ứng phó và thông tin về thiên tai giữa ban chỉ huy PCTT- TKCN các cấp phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Bài, ảnh: THÀNH LONG