Sổ tay

Doanh nghiệp tìm cơ hội trong nguy nan

Cập nhật, 13:31, Thứ Năm, 23/07/2020 (GMT+7)

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nếu như 6 tháng đầu năm ngành thương mại dịch vụ- du lịch của ĐBSCL bị tác động ngay khi dịch COVID- 19 bùng phát thì ngành chế biến nông thủy sản còn cầm cự.

Tuy nhiên, đến nay thị trường tiêu thụ chủ lực là EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Trung Đông... đều giảm đơn hàng đáng kể (trong đó nhiều mặt hàng giảm rất mạnh như: trái cây giảm 21,4%; cá tra giảm 39,1%; tôm giảm 14,5%...) thì nhiều doanh nghiệp sản xuất ngành nông nghiệp, chế biến nông sản hiện đang tồn kho, hoạt động cầm chừng.

Trong khi, các doanh nghiệp trong những lĩnh vực khác như: dịch vụ du lịch, xây dựng, bất động sản, vận tải, logistic, may mặc, da giày.... vẫn chưa phục hồi, các doanh nghiệp còn lại có quy mô nhỏ và rất nhỏ đang phải thu hẹp hoạt động hoặc tạm dừng kinh doanh.

Theo ngành nghề kinh doanh, có thể thấy ngành dịch vụ lưu trú ăn uống và hoạt động kinh doanh bất động sản là 2 ngành chịu tác động nặng nề nhất với lần lượt 75% và 88,9%.

Lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết, doanh nghiệp cố gắng tìm cơ hội trong nguy nan. Theo ông, trước tiên doanh nghiệp có cơ hội để tuyên truyền cho người lao động tính kỷ luật trong sản xuất thông qua chấp hành nghiêm tất cả những quy định nhằm ngăn ngừa lây lan dịch bệnh.

Qua đó, người lao động có ý thức tổ chức kỷ luật tốt hơn. Đồng thời, những tỉnh ở ĐBSCL sẽ có nhiều lao động quay về địa phương. Đó cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh có cơ hội để dễ dàng tuyển lao động.

Bằng chứng là công ty ông đã tuyển hàng trăm lao động một cách nhanh chóng, thuận lợi. Đồng thời, hết sức coi trọng thông tin và giữ mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng, chia sẻ lúc khó khăn để cùng hợp tác phát triển.

“Thời gian qua, công ty chúng tôi đã làm được. Nhờ đó, góp phần cho công ty vượt qua khó khăn và có tăng trưởng nhỉnh hơn so tăng trưởng chung của toàn ngành”- vị lãnh đạo này cho biết.

NAM ANH