Lo ngại sản xuất không theo quy hoạch

Cập nhật, 15:10, Thứ Năm, 21/11/2019 (GMT+7)

Đợt giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết năm 2019 của Tỉnh ủy vừa qua tại huyện Mang Thít ghi nhận nhiều kết quả nổi bật trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt trong nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Nhưng còn đó những thách thức đặt ra để người dân không còn phải “chạy theo mùa, theo giá”.

Đoàn khảo sát của Tỉnh ủy thăm vựa khoai mỡ khoảng 70 tấn được trữ tạm thời của gia đình anh Nguyễn Thành Vinh.
Đoàn khảo sát của Tỉnh ủy thăm vựa khoai mỡ khoảng 70 tấn được trữ tạm thời của gia đình anh Nguyễn Thành Vinh.

Tăng trưởng đều trên 3 lĩnh vực

Huyện Mang Thít đã tập trung vào những nội dung trọng tâm, trọng điểm, bám sát tình hình thực tế của địa phương để có giải pháp phù hợp trong điều hành phát triển kinh tế- xã hội. 10 tháng năm 2019, kinh tế huyện tiếp tục phát triển ổn định, tăng trưởng đều trên 3 lĩnh vực công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp- thủy sản và thương mại- dịch vụ.

Trong đó, công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp tăng 4,68%; nông nghiệp- thủy sản tăng 3,01%, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 9,67% và doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 9,54% so cùng kỳ.

Thu ngân sách đạt 101,31% kế hoạch (thu theo chỉ tiêu tỉnh giao 117,61%), đảm bảo công tác chi thường xuyên. Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai thực hiện hiệu quả.

Cùng với việc tích cực hỗ trợ, khuyến khích người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật và năng động sáng tạo trong sản xuất, giá rau màu và một số cây ăn trái tăng cao, giúp nông dân có lợi nhuận khá, góp phẩn ổn định cuộc sống.

Nhiều mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả có tác động lan tỏa và nhân rộng như mô hình trồng bưởi da xanh, sầu riêng, mô hình nuôi vịt chuyên trứng, nuôi bò theo hướng an toàn sinh học, mô hình trồng đậu nành rau, trồng dưa hoàng kim, dưa lưới trong nhà màng…

Đặc biệt, huyện tăng cường khuyến khích hỗ trợ chuyển đổi các mô hình sản xuất gạch truyền thống theo công nghệ mới ít gây ô nhiễm môi trường. Hiện toàn huyện có 9 cơ sở (11 lò) sản xuất theo công nghệ Hoffman, 16 cơ sở (17 lò) sản xuất theo công nghệ liên hoàn với tổng giá trị sản xuất gạch đạt trên 385 tỷ đồng (tăng 1,5% so cùng kỳ).

Theo anh Huỳnh Thanh Lình- Chủ Doanh nghiệp sản xuất gạch ngói Hoàng Hưng (xã Mỹ Phước), việc chuyển đổi công nghệ từ lò gạch nung truyền thống sang công nghệ nung liên hoàn Hoffman mang lại hiệu quả trong tiết kiệm nguyên vật liệu, nhân công, góp phần tăng giá trị sản xuất.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Trang- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mang Thít- cho biết, các cấp chính quyền địa phương luôn quan tâm thực hiện công tác đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh để nắm bắt thông tin hoạt động, những khó khăn, vướng mắc để đề ra giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời.

Lo ngại sản xuất không theo quy hoạch

Bên cạnh những mặt tích cực thì công tác thu hút đầu tư của huyện còn hạn chế, nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp- nông thôn. Số lượng doanh nghiệp chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, năng lực tài chính còn hạn chế. Chưa có chính sách hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề trong lĩnh vực sản xuất gạch nung truyền thống khiến người dân chưa mạnh dạn chuyển đổi.

Hiện tại, ngành sản xuất gạch, gốm tại huyện đang gặp không ít thách thức để phát triển bền vững. Đại diện Doanh nghiệp gốm Nguyễn Hoàng chia sẻ: “Thời gian gần đây, cơ sở gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nguyên liệu sản xuất cũng như đầu ra cho sản phẩm”.

Vì nguồn nguyên liệu đất sét chủ yếu phải lấy từ các tỉnh lân cận trong khu vực, chi phí đầu vào bị nâng cao. Bên cạnh đó, việc xuất khẩu sản phẩm gạch, gốm ra thị trường nước ngoài phụ thuộc nhiều vào đối tác kinh doanh, hạn chế về mẫu mã, số lượng.

Một vấn đề đáng quan tâm ở Mang Thít hiện nay là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tự phát, không theo quy hoạch ở một số địa phương ảnh hưởng đến kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tăng rủi ro trong sản xuất.

Cũng như nhiều hộ gia đình xung quanh, nhà của anh Nguyễn Thành Vinh (xã Long Mỹ) có khoảng 70 tấn khoai mỡ đã thu hoạch được chất cao, trữ bên cạnh nhà, “nơm nớp” chờ giá. Giá khoai mỡ hiện nay xuống rất thấp, thương lái thu mua chỉ khoảng 4.000 đ/kg, bà con nông dân “bán không được mà trữ cũng không xong”.

Anh Vinh cho biết: “Khi đồng ý bán cho thương lái với giá 4.000 đ/kg thì người dân phải chịu lỗ 40 triệu đồng/ha khoai mỡ. Khoai mỡ trữ được tối đa 1,5 tháng. Tôi chỉ mong chính quyền địa phương tìm ra giải pháp thích hợp giúp đỡ cho bà con nông dân.” Xã Long Mỹ hiện có 35ha trồng khoai mỡ với năng suất khoảng 2,5 tấn/ha. Toàn huyện Mang Thít đang tồn đọng khoảng 17.000 tấn khoai mỡ.

Có thể thấy, công tác tạo mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn. Phong tục tập quán canh tác của một bộ phận dân cư nông thôn khó thay đổi trong chuyển dịch cây trồng.

Cần nhiều giải pháp đột phá để giữ vững ngành nghề gốm  truyền thống.
Cần nhiều giải pháp đột phá để giữ vững ngành nghề gốm truyền thống.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT nhận định, Mang Thít là huyện có nhiều mô hình nông nghiệp hay, có tiềm năng phát triển nhưng người dân còn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, không theo quy hoạch chung của địa phương nên gặp hạn chế trong tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm.

Bên cạnh, nông dân còn sản xuất ồ ạt, theo xu hướng bùng phát dễ gây thiệt hại khi không kết nối được đầu ra cho nông sản. Cần phải rút kinh nghiệm và tăng cường tuyên truyền người dân tham gia sản xuất theo quy hoạch tổng thể vùng, cần sản xuất kết hợp với sự chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Lê Quang Trung- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- lưu ý: Huyện Mang Thít cần đẩy nhanh hơn nữa chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững, có giải pháp liên kết sản xuất đảm bảo đầu ra cho nông sản; nghiên cứu hướng phát triển mới cho gạch, gốm, phải sản xuất đa dạng mẫu mã, kích cỡ, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng và phải gắn với phát triển du lịch.

Bài, ảnh: YẾN- NGA