Câu chuyện nông thôn

Xứ mận cù lao làm ăn bền vững

Cập nhật, 13:56, Thứ Tư, 06/11/2019 (GMT+7)

Cù lao trải qua nhiều đợt nuôi trồng các loại và cũng đã nhiều lần nổi lên làm giàu nhưng rồi vẫn không bền vững. Sau thời gian nhìn lại bà con xác định nguyên nhân ở định hướng cách sản xuất và đầu ra phụ thuộc vào một thị trường quá nhiều, khi bị ách tắc thì người nuôi trồng lao đao.

Mấy năm gần đây, người dân cù lao xác định làm trái mận sạch, tạo thương hiệu nổi tiếng và dần dần nông dân dù canh tác ít hay nhiều cũng đều khá giả, làm giàu một cách chắc chắn.

Do diện tích cù lao vừa phải, một khi mọi người đều đồng lòng trồng cây mận nhà lưới, hoàn toàn không sử dụng phân thuốc qua một thời gian đã tạo cho cả môi trường cù lao trở nên thân thiện vô cùng.

Trái mận xứ này được ưa chuộng và do đó giá cả dù có lên xuống nhưng không bao giờ rớt xuống tận đáy như nhiều nơi khác. Cả cù lao đều tập trung trồng mận và toàn bộ đều trồng trong nhà lưới, đó là cái lợi thế lớn vô cùng mà những nơi khác khó làm được.

Sau nhiều năm trồng cây mận sạch, đất đai được cải thiện, môi trường nguồn nước cũng được cải thiện; nói chung là mầm bệnh cũng dần mất đi một cách tự nhiên.

Giờ ai tới xứ cù lao cũng thấy bắt ham, rồi cả xứ cù lao trở thành điểm hẹn của khách tham quan du lịch, giá trị cây trồng lại được tăng lên đáng kể.

Điều quan trọng là một số người năng động đã tự mở hướng ra cho thị trường nội địa, trái mận cù lao được phân phối thành chuỗi đến hệ thống các đại lý ở các thành phố, trung tâm đô thị lớn.

Giải quyết được câu chuyện quá phụ thuộc vào thị trường không chính thức của nước ngoài, rất là bấp bênh; mỗi khi họ “đóng cửa” thì trái mận mình chỉ có nước đổ bỏ nơi cửa khẩu.

Giờ đây, chuyện đó không còn nữa. Dù rằng giá cả không có những lúc “hot” đến mức trên trời; nhưng bảo đảm mức giá ổn định, có lời cho nông dân.

Xứ cù lao thành công với thương hiệu trái mận là bài học hay, rất hay. Rất đáng để bà con nông dân nhiều nơi quan tâm, rút ra nhiều bài học đắt giá.

Hailua@.com