Vĩnh Long trải thảm đỏ đón nhà đầu tư

Cập nhật, 05:03, Thứ Năm, 15/08/2019 (GMT+7)

 

Các khu công nghiệp tại Vĩnh Long có vị trí giao thương thuận lợi cả đường bộ lẫn đường thủy. Ảnh: TUYẾT HIỀN
Các khu công nghiệp tại Vĩnh Long có vị trí giao thương thuận lợi cả đường bộ lẫn đường thủy. Ảnh: TUYẾT HIỀN

Không chỉ là địa phương giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp, công nghiệp, Vĩnh Long còn được xem là gạch nối phát triển giao thương với các tỉnh- thành trong khu vực.

Đến với Vĩnh Long, các nhà đầu tư sẽ tận dụng được các ưu thế, được hỗ trợ ưu đãi riêng mà tỉnh đang triển khai thực hiện về môi trường pháp lý và cung cấp nhanh chóng, kịp thời các thông tin về quy hoạch, doanh mục các dự án đầu tư, số liệu cần thiết khác theo yêu cầu trong phạm vi pháp luật cho phép.

Chính sách “không thể tốt hơn” dành cho nhà đầu tư

Từ sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2018, có thể nói “làn sóng” đầu tư vào Vĩnh Long mạnh mẽ hơn, với nhiều nhà đầu tư uy tín và nguồn vốn lớn.

Theo ông Nguyễn Khắc Nhu- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư, nhà đầu tư đến Vĩnh Long thường đặc biệt quan tâm về chính sách ưu đãi và đã được cam kết “không thể tốt hơn” khi tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ ưu đãi riêng.

Cụ thể, Nghị quyết 97 đã được HĐND tỉnh Vĩnh Long ban hành quy định chính sách hỗ trợ đầu tư của tỉnh đối với từng dự án, theo lĩnh vực, địa bàn. Theo đó, hỗ trợ 80% chi phí lập quy hoạch chi tiết và lập dự án đầu tư theo quy định. Hỗ trợ 20% trên tổng chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng nhà máy xử lý nước thải…

Bên cạnh, thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2016- 2017 định hướng đến năm 2020, Ban quản lý Các khu công nghiệp (KCN) tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện với mục tiêu tăng cường cải thiện môi trường đầu tư trong các KCN thực sự thông thoáng, minh bạch và thuận lợi.

Cụ thể, rút ngắn thời gian cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ 15 ngày làm việc xuống còn 10 ngày. Qua đó, tạo được niềm tin rất lớn cho doanh nghiệp (DN).

Có thể thấy rằng, những nỗ lực kêu gọi đầu tư, cải cách hành chính, đồng thời tạo sự thông thoáng trong môi trường đầu tư thời gian qua đã giúp Vĩnh Long thu hút được nhiều dự án đầu tư quy mô lớn.

Đặc biệt, nhiều dự án FDI triển khai tại tỉnh, sau thời gian hoạt động hiệu quả đã tăng vốn, mở rộng quy mô, như: Tập đoàn De Heus (Hà Lan) tại KCN Hòa Phú (Long Hồ) với dự án nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc; dự án sản xuất giày thể thao, giày lưu hóa, giày da, hàng dụng cụ thể thao của Công ty TNHH Tỷ Xuân (Đài Loan)...

Ông Jen YI Fan- Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Bo Hsing (KCN Hòa Phú) cho biết, công ty hoạt động từ năm 2009.

Cảm nhận trong suốt những năm làm việc tại Vĩnh Long, là Ban quản lý Các KCN đã quan tâm, tư vấn giúp đỡ nhiệt tình. Các thủ tục, giấy tờ giải quyết rất nhanh gọn và được hưởng nhiều ưu đãi. Riêng mặt an ninh, công an địa phương cũng như công an kinh tế luôn hỗ trợ, giúp đỡ, tạo cảm giác an toàn cho sản xuất kinh doanh.

“Còn lao động Vĩnh Long thì hiền lành, cần cù, siêng năng, đặc biệt nguồn lao động trí thức dồi dào. Cảm giác này cho chúng tôi thấy rằng, đầu tư ở đây là tốt hơn nhiều nơi mà công ty tôi từng đi qua rất nhiều”- ông Jen YI Fan chia sẻ.

Một lợi thế không nhỏ, Vĩnh Long còn nằm ở trung tâm ĐBSCL, giao thông thuận lợi cho cả đường bộ và đường thủy. Cả tỉnh có khoảng 20 chi nhánh ngân hàng thương mại, nhiều trường ĐH, CĐ và trung cấp nghề, tạo nguồn lao động dồi dào, chi phí lao động thấp- là nhân tố hấp dẫn mà phần lớn nhà đầu tư quan tâm.

Ngoài ra, với nỗ lực tạo môi trường đầu tư thông thoáng, UBND tỉnh còn tổ chức đối thoại định kỳ với DN để kịp thời lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN hoạt động và phát triển.

Miền “đất lành” cho nhà đầu tư

Định hướng thu hút đầu tư thời gian tới là ngoài việc kêu gọi các DN đầu tư nhằm lấp đầy các KCN hiện hữu, tỉnh sẽ kêu gọi đầu tư vào các KCN mới với nhiều lợi thế và chính sách ưu đãi.

KCN Đông Bình (TX Bình Minh) với lợi thế gần sân bay, bến cảng, hệ thống kho bãi và quy mô sử dụng đất là 351,8 ha phù hợp các ngành nghề chế biến nông sản- lương thực- thực phẩm, chế biến rau, củ, quả và các sản phẩm từ trái cây; chế biến thủy sản; các sản phẩm từ chăn nuôi; công nghiệp hàng tiêu dùng, bao bì, công nghiệp hóa chất, sản xuất chế biến dược, vật tư y tế và một số ngành khác ít ô nhiễm môi trường.

Hiện KCN này đã có quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Long về việc phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng. KCN An Định (xã An Phước- Mang Thít) rất thuận lợi cho các ngành chế biến nông sản- thực phẩm, chế biến rau quả và các sản phẩm từ trái cây; chế biến thủy sản; các sản phẩm từ chăn nuôi; công nghiệp hàng tiêu dùng, dệt may, thủ công mỹ nghệ, công nghiệp lắp ráp điện tử, bao bì, công nghiệp dược phẩm- mỹ phẩm…

Doanh nghiệp an tâm đầu tư với chính sách hỗ trợ, ưu đãi của tỉnh cùng nguồn lao động có tay nghề tại địa phương.  Ảnh: MINH LIÊM
Doanh nghiệp an tâm đầu tư với chính sách hỗ trợ, ưu đãi của tỉnh cùng nguồn lao động có tay nghề tại địa phương. Ảnh: MINH LIÊM

Trong khi đó, hệ thống kết cấu hạ tầng tại các KCN hiện hữu như: KCN Hòa Phú, KCN Bình Minh đã cơ bản hoàn thiện. Thông tin liên lạc, điện, nước và đặc biệt hệ thống thu gom rác thải có thể đáp ứng tốt cho nhà đầu tư.

Thu hút đầu tư thì quy hoạch phải đi trước, Ban quản lý Các KCN cho biết sẽ quan tâm đến công tác phát triển các KCN mới để tạo quỹ đất sạch kêu gọi đầu tư. Đồng thời, tỉnh sẽ chú trọng tới năng lực, trách nhiệm của nhà đầu tư đối với sự phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; hợp tác trên cơ sở các bên cùng phát triển, có lợi đúng với quy định của pháp luật.

Với việc hướng đến xây dựng nền công vụ “chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch và hiệu quả”- một cam kết cao nhất với nhà đầu tư, tin rằng Vĩnh Long sẽ tiếp tục là miền đất lành cho DN, tất cả vì mục tiêu hợp tác lâu dài và phát triển bền vững.

Ngày 26/1/2018, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, 9 cụm công nghiệp được quy hoạch sẽ dựa vào thế mạnh từng vùng, địa phương, nhằm khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, với tổng diện tích khoảng 492,56ha. Nguồn vốn đầu tư phát triển các cụm công nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là 7.938,5 tỷ đồng, trong đó, nhu cầu vốn từ nay đến năm 2020 là 3.730 tỷ đồng.

Mục tiêu của quy hoạch nhằm hình thành một hệ thống các khu, cụm công nghiệp, đảm bảo sự phát triển bền vững và góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa các địa phương và trong tăng trưởng chung của ngành công nghiệp; tạo một kết cấu hạ tầng công nghiệp có giá trị lâu dài, góp phần hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh; tạo việc làm, nâng cao thu nhập và tạo tác phong công nghiệp cho người lao động.

7 nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện quy hoạch: chính sách, thu hút đầu tư; dịch vụ công nghiệp; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; môi trường đầu tư; vốn đầu tư; bảo vệ môi trường; quy hoạch và quản lý.

HOÀNG MINH- THÀNH LIÊM