Sức bật phát triển kinh tế nông thôn

Cập nhật, 16:32, Thứ Tư, 07/08/2019 (GMT+7)

Qua gần 10 năm, xây dựng nông thôn mới (NTM) tại huyện Mang Thít đã tạo được sức bật lớn trong phát triển kinh tế nông thôn.

Bộ mặt nông thôn tại các xã NTM của huyện Mang Thít có sự chuyển biến rõ rệt.
Bộ mặt nông thôn tại các xã NTM của huyện Mang Thít có sự chuyển biến rõ rệt.

Đoàn kết xây dựng NTM

Xác định vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế nông nghiệp và tham gia xây dựng NTM, Hội Nông dân xã Hòa Tịnh luôn làm tốt chức năng là “cầu nối” trong các hoạt động.

Ông Nguyễn Nhựt An- Chủ tịch Hội Nông dân xã- cho biết: Thực hiện chủ trương của Nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hội đã vận động nông dân chuyển từ lúa sang trồng gần 1ha củ cải, 5ha thanh long, trên 10ha rau màu.

Nhiều vườn cây ăn trái kém hiệu quả chuyển sang trồng mít, chanh, quýt, bưởi da xanh… đã góp phần “nâng giá trị đất canh tác đạt trên 130 triệu đồng/ha/năm”.

Bên cạnh, để giúp hội viên phát triển kinh tế, hội đã phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện nhận ủy thác 7 tổ vay vốn, tạo điều kiện cho trên 300 hộ vay với trên 5,1 tỷ đồng.

Đồng thời, vận động nhân dân đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất, nhằm rút ngắn thời gian lao động. Hàng năm, phối hợp tổ chức tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng lúa, trong đó có 40ha thực hiện dự án cánh đồng “một giống”, năng suất bình quân 6,6 tấn/ha.

Hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất- kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng NTM, hội đã vận động hội viên khá giàu, giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn về ngày công lao động, cây con giống, giúp tu sửa nhà cửa…

Trong 3 năm gần đây, mỗi năm mỗi chi hội giúp 2- 3 hộ vươn lên thoát nghèo, góp phần cùng xã thực hiện tiêu chí về hộ nghèo. “Hiện, hội viên có kinh tế khá giàu chiếm trên 30% với thu nhập 70- 200 triệu đồng/hộ/năm”- ông Nguyễn Nhựt An cho biết thêm.

Ngoài ra, hội còn vận động hội viên đóng góp hàng trăm triệu đồng, góp trên 1.500 ngày công lao động tham gia làm đường nông thôn, kiên cố hóa kinh mương nội đồng, vệ sinh môi trường, thu gom rác thải. Trong năm qua, đã sửa chữa, rải đá và bê tông hóa với tổng chiều dài 6,3km đường, đóng góp 35 triệu đồng hỗ trợ làm móng cầu.

Bên cạnh, hội còn trích quỹ xây 8 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ mua cây giống trồng 2 tuyến đường hoa dài 2.800m; vận động nhân dân tham gia BHYT, xây 3 công trình vệ sinh, làm hàng rào cột cờ, trồng hoa trước ngõ, xây dựng hệ thống “bóng đèn an ninh” chiếu sáng đường làng, ngõ xóm để giữ gìn an ninh trật tự và góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Ông Nguyễn Văn Diên- Chủ tịch UBND huyện, Trưởng BCĐ chương trình xây dựng NTM huyện: Năm 2019, huyện đề ra chỉ tiêu đưa xã Hòa Tịnh về đích NTM và xã Mỹ Phước “cán đích” NTM nâng cao. Hiện, xã Hòa Tịnh đang tập trung quyết liệt cho tiêu chí nội lực. Bên cạnh, xã rất cần sự “hà hơi tiếp sức” của tỉnh trong thực hiện các tiêu chí “cứng” như: cơ sở vật chất văn hóa, giao thông, trường học. So mặt bằng chung các xã NTM, xã Mỹ Phước đạt “nhỉnh” hơn và chất lượng 19 tiêu chí NTM khá toàn diện, thực lực chính trị của xã rất tốt. Để đạt NTM nâng cao, xã còn 8 nội dung cần phấn đấu, trong đó có 2 nội dung huyện cần được hỗ trợ liên quan đến tiêu chí giao thông và trường học.

Thu nhập tăng thêm gần 19,5 triệu đồng

Khi mới bắt tay xây dựng NTM, huyện Mang Thít gặp nhiều khó khăn vì đa số xã đều có điểm xuất phát thấp, xã đạt cao nhất là 5/19 tiêu chí, thấp nhất là 1 tiêu chí. Nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu, đời sống của một bộ phận người dân nông thôn chưa cao, thu nhập thấp nên việc huy động vốn trong dân gặp nhiều khó khăn…

Trên cơ sở quy hoạch chung, quy hoạch NTM và thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, huyện đã thực hiện các giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tổ chức lại sản xuất, thay đổi giống mới, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nhằm giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Qua gần 10 năm, ngành nông nghiệp của huyện tiếp tục được duy trì với tốc độ tăng trưởng hợp lý; cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực; hầu hết các mô hình đầu tư đều mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, huyện đã xác định được các cây trồng và vật nuôi là thế mạnh chủ lực để tập trung phát triển, gồm: cây lúa, bưởi da xanh, khoai mỡ, sầu riêng, thanh long và con heo, bò, cá tra.

Bên cạnh, huyện cũng đã tập trung quyết liệt đề án cơ cấu lại ngành công thương và chương trình hành động của Huyện ủy về phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp gắn với quy hoạch lại ngành sản xuất gạch, gốm; mời gọi đầu tư vào các ngành, lĩnh vực công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp… góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Những việc làm thiết thực trên đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế của huyện, nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của huyện chỉ đạt 14,2 triệu đồng/năm, thì đến cuối năm 2018 đã nâng lên 33,7 triệu đồng/năm, tăng 19,5 triệu đồng.

Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 0,88% (năm 2016) xuống còn 0,59% (năm 2018). Hiện, toàn huyện có 12/12 xã đạt tiêu chí hộ nghèo.

Mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp đã góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp đã góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Theo ông Nguyễn Văn Diên- Chủ tịch UBND huyện, Trưởng BCĐ chương trình xây dựng NTM huyện: Qua gần 10 năm xây dựng NTM, huyện đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, trong đó có 2 kinh nghiệm chi phối, ảnh hưởng và tạo sức lan tỏa, đó là: làm tốt công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân, vì nếu chỉ có tiền cũng chưa chắc làm được. Bên cạnh, thực lực chính trị của mỗi địa phương cũng là yếu tố quan trọng để đưa xã về đích NTM.

Chủ tịch UBND huyện- Nguyễn Văn Diên cũng cho rằng: Đời sống vật chất và tinh thần người dân không ngừng được cải thiện chính là yếu tố quyết định tính bền vững trong xây dựng NTM.

Nếu đưa xã về đích NTM mà đời sống người dân không nâng lên là đồng nghĩa xây dựng NTM không thành công. Bên cạnh, mức thụ hưởng từ các thiết chế văn hóa và các công trình xây dựng NTM mang lại cũng quyết định chất lượng đời sống người dân.

Huyện Mang Thít hiện có 6/12 xã đạt chuẩn NTM, số tiêu chí đạt bình quân là 15 tiêu chí/xã. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2020 có 60% số xã NTM và 2 xã đạt NTM nâng cao; phấn đấu đến năm 2030 có 100% xã đạt chuẩn NTM và 5 xã đạt NTM nâng cao.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI