Những đầu tàu tạo động lực phát triển kinh tế

Kỳ cuối: Nâng "công suất" đủ mạnh cho những đầu tàu

Cập nhật, 04:06, Thứ Sáu, 30/08/2019 (GMT+7)

Từ câu chuyện vươn lên thoát nghèo của phụ nữ Trà Vinh, việc phát triển kinh tế tập thể ở Vĩnh Long đến mô hình hội quán của Đồng Tháp, đã lan tỏa nguồn năng lượng tích cực phát huy tinh thần tự lực, chủ động vượt khó làm giàu, góp phần phát triển kinh tế địa phương và xây dựng đời sống nông thôn mới. Dù vậy, những đầu tàu đó rất cần sự trợ lực đủ mạnh để “kéo theo” cộng đồng phát triển bền vững.

Để hỗ trợ HTX nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, tỉnh Vĩnh Long đã xác định nhiều giải pháp cụ thể.
Để hỗ trợ HTX nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, tỉnh Vĩnh Long đã xác định nhiều giải pháp cụ thể.

“Sống hay chết là ở chỗ hợp tác”

Ban chủ nhiệm Thuận Tân hội quán (TP Cao Lãnh- Đồng Tháp) khoe với chúng tôi hoạt động của hội quán được rất nhiều lãnh đạo tỉnh hỗ trợ tích cực, trong đó, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan.

Vào tháng 4/2017, Bí thư Tỉnh ủy- Lê Minh Hoan đã đến dự ra mắt hội quán Thuận Tân cùng đông đảo bà con địa phương và nói chuyện với bà con: “Nhà nước không hiểu vấn đề của bà con bằng chính bà con.

Làm sao có ai hiểu về cây xoài bằng bà con, những người đã sống dưới tán xoài hàng chục năm? Vì thế, cần tới hội quán, mô hình người dân tự xây dựng một không gian cộng đồng để nói cho nhau nghe, nghe nhau nói, cùng bàn chuyện làng, chuyện nước”.

Nói với bà con vấn đề hợp tác, ông bảo: “Sống hay chết là ở chỗ hợp tác. Bà con đừng lủi thủi một mình, đừng so sánh hơn thua mà hãy hợp tác với nhau”.

Ông Võ Văn Lợi- Chủ nhiệm Thuận Tân hội quán- cho biết: “Anh em tụi tui và bà con khoái lắm. Với tinh thần chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy “chăm chỉ- tự lực- hợp tác”, đã là nguồn động viên rất lớn để ban chủ nhiệm hội quán nỗ lực hoạt động vì lợi ích của bà con”.

Thực tế, theo ông Võ Văn Lợi: Rất nhiều đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh, Trung ương hỏi khó khăn của hội quán là gì và chúng tôi trả lời rằng không phải thiếu tiền, chỉ sợ thiếu quyết tâm.

Ví dụ, cái khó hiện nay là bà con còn tập quán canh tác cũ, mạnh ai nấy làm… mình phải vận động thế nào để bà con thay đổi tư duy sản xuất thì phải kiên trì mới được.

Phải cho bà con thấy mục tiêu vào hội quán là hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đáp ứng nhu cầu chung của bà con.

Những hội quán- “đầu tàu” phát triển kinh tế địa phương ở Đồng Tháp còn cho thấy mục tiêu cao hơn họ đang hướng tới là tạo chuỗi giá trị chứ không phải chỉ có sản xuất và tiêu thụ nông sản thô.

Ông Lê Quang Cường- Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã (HTX) tỉnh Đồng Tháp- cho biết: Tỉnh không đặt nặng số lượng hội quán, HTX được bao nhiêu, nhưng khi thành lập phải xuất phát từ nhu cầu cần hợp tác của bà con. Đồng Tháp quan niệm phát triển chậm mà chắc, đáp ứng mong mỏi của bà con là chính.

Điển hình như HTX Nông nghiệp Tân Bình (xã Thanh Bình), bà con nhận thấy lợi ích tham gia HTX là mua chung- bán chung có lợi hơn mua- bán riêng lẻ, đời sống được nâng lên. HTX đã cơ bản khép kín các khâu từ làm đất, tưới tiêu, cung ứng vật tư phân bón đến cắt gặt và phơi sấy tồn trữ và tiêu thụ, tạo được chuỗi giá trị trong sản xuất.

Tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất từng bước được áp dụng, sử dụng giống lúa chất lượng cao… Cùng với việc khắc phục yếu kém, HTX từ phục vụ lợi ích cho thành viên, đã mở rộng thêm dịch vụ tăng lợi nhuận cho thành viên.

Khơi dậy tinh thần chủ động, vượt khó làm giàu

Trong quá trình thực hiện loạt bài này, chúng tôi thật sự cảm động với hình ảnh những người phụ nữ vùng nông thôn tỉnh Trà Vinh chia sẻ, chỉ bảo cho nhau từng thao tác đan thảm lục bình hay khéo léo trang trí từng hạt kim sa lên đầu lân sặc sỡ.

Phụ nữ ở ấp Lạc Thạnh B (xã Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang- Trà Vinh) có việc làm, thu nhập ổn định từ nghề làm đầu lân.
Phụ nữ ở ấp Lạc Thạnh B (xã Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang- Trà Vinh) có việc làm, thu nhập ổn định từ nghề làm đầu lân.

Có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình- đó là mong ước lớn của chị em. Nói như bà Kiên Thị Minh Nguyệt- Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trà Vinh: “Thạnh Hòa Sơn là một xã đặc biệt khó khăn, người dân chủ yếu là làm ruộng, trồng ớt, nuôi tôm… nhưng rất bấp bênh. Những cơ sở làm đầu lân, đan đát như vầy rất cần ở nông thôn, giúp chị em có công ăn việc làm”.

Thời gian qua, theo bà Minh Nguyệt, hội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế ổn định đời sống vươn lên thoát nghèo bền vững, đồng thời, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ giúp chị em phát triển kinh tế.

Theo ông Tống Minh Viễn- cố vấn chiến lược dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Trà Vinh (dự án SME), từ sự tác động của dự án, nhiều phụ nữ đã đi từ nghèo vươn lên khá.

Ông Lê Quang Cường- Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp

Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ hoạt động kinh tế hợp tác thiết thực, như: chính sách biệt phái cán bộ có trình độ đang công tác tại các trạm, trại trực thuộc ngành nông nghiệp về làm phó giám đốc HTX; khuyến khích đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ; hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị... “Đồng Tháp thí điểm hỗ trợ 50% lãi suất khi vay vốn thuê đất để tăng quy mô sản xuất và thực hiện san bằng đồng ruộng; hỗ trợ lao động trẻ tốt nghiệp ĐH, CĐ làm việc có thời hạn ở các HTX nông nghiệp giai đoạn 2018- 2020; hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai; hỗ trợ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp, xây dựng cánh đồng lớn…”- ông cho biết.

Trong năm 2019 này, được sự đồng thuận của UBND tỉnh và nhà tài trợ, dự án SME sẽ mở rộng hỗ trợ một số mặt hàng nông nghiệp như lúa gạo, tôm, cây ăn trái... trên cơ sở các mô hình tại địa phương, dự án sẽ hỗ trợ định hình rõ ràng xây dựng chuỗi giá trị liên kết.

Bên cạnh đó, dự án còn chú trọng tạo ra những “đầu kéo”, hướng người dân ý thức khởi nghiệp, phát triển kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, dự án SME còn phối hợp cùng Hội LHPN tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, giới thiệu các chương trình phụ nữ khởi nghiệp.

Sau các khóa học, học viên sẽ trở thành hạt nhân nòng cốt phát động mạnh mẽ hơn nữa việc thiết lập kế hoạch, quản lý dự án, giám sát đánh giá hiệu quả và tác động của chương trình phụ nữ khởi nghiệp.

Theo ông Tống Minh Viễn: “Chương trình kỳ vọng góp phần tạo ra các mũi đột phá, tác động đến phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Nhất là khơi dậy tinh thần chủ động, tự tin vượt khó của phụ nữ đồng bào Khmer”.

Cần trợ lực kinh tế tập thể

Tại Vĩnh Long, đã có không ít HTX “vượt lên chính mình”- trở thành điểm tựa, đem lại nhiều lợi ích cho thành viên. Ông Đoàn Văn Tài- Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Tấn Đạt (xã Trung Ngãi- Vũng Liêm) cho biết: HTX quản lý sản xuất theo vùng quy hoạch, phân bổ lịch xuống giống phù hợp từng vùng, từng địa phương, chọn giống thích hợp với thổ nhưỡng, liên kết cơ quan chuyên môn tập huấn kỹ thuật cho thành viên, liên kết cung ứng vật tư đầu vào và liên kết bao tiêu đầu ra cho thành viên. HTX sẽ mở rộng quy mô sản xuất, tăng diện tích lúa hữu cơ từ 40ha lên 100ha, diện tích lúa an toàn lên 500ha.

Kinh nghiệm thành công HTX Tấn Đạt và nhiều HTX cho thấy, HTX phải nâng cao tính tự lực và quan trọng là người lãnh đạo có tâm và mục tiêu, kế hoạch khả thi. HTX cần “làm mới” mình bằng cách đa dạng hoạt động dịch vụ, xây dựng chiến lược con người và kinh doanh, từ đó khẳng định vai trò cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp.

Ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- cho rằng: “Kinh tế tập thể, HTX đã góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Xuất hiện nhiều lĩnh vực kinh tế tập thể điển hình tiên tiến và nhiều nhân tố mới.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế tập thể còn nhiều bất cập, yếu kém”. Vì thế, để nâng “công suất” cho những đầu tàu HTX- theo ông Trần Hoàng Tựu- cần tăng cường thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX hoạt động. Hỗ trợ các HTX xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu để nâng giá trị sản phẩm, tăng khả năng tiếp cận thị trường…

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT Vĩnh Long, đến nay, đã có nhiều HTX phát triển theo hướng bền vững như: HTX Tấn Đạt, HTX Nông nghiệp Tân Tiến (xã Mỹ Lộc- Tam Bình), HTX Nông nghiệp Tân Mỹ (xã Tân Mỹ- Trà Ôn)... làm tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân. Để tạo điều kiện “trợ lực” cho các HTX nông nghiệp, tỉnh xác định tập trung hỗ trợ xây dựng và phát triển mô hình mở rộng liên kết gắn với sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Hỗ trợ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất. Xây dựng các mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY