"Nâng tầm" cho hợp tác xã nông nghiệp

Cập nhật, 05:59, Thứ Năm, 01/08/2019 (GMT+7)

Hiện nay, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đã từng bước thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ đầu vào cho đến đầu ra, mạnh dạn, chủ động hơn trong cách quản lý, hoạt động.

Song song đó, nhờ sự hỗ trợ hết mình của Nhà nước, ngành chức năng, nhiều HTX nông nghiệp đã vượt lên chính mình, từng bước vực dậy, song, vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Nhiều hợp tác xã nông nghiệp có liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra bền vững.
Nhiều hợp tác xã nông nghiệp có liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra bền vững.

Liên kết tiêu thụ- hướng đi đúng đắn

Theo Liên minh HTX, các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là các HTX sản xuất và tiêu thụ rau củ quả, sản xuất và tiêu thụ trái cây, lúa giống tiếp tục hoạt động có hiệu quả. Một số HTX có liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, hoạt động sản xuất gắn kết với thương mại, dịch vụ, một số HTX đã đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, nên hoạt động tiếp tục ổn định và phát triển.

Một số HTX tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư thêm máy móc, thiết bị nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động, mở rộng các ngành nghề mới, xây dựng mô hình mới và tăng cường liên kết tiêu thụ để bao tiêu nông sản cho thành viên. Từ đó, giúp người dân yên tâm sản xuất và tin tưởng góp vốn để trở thành thành viên HTX.

Đã có không ít HTX “vượt lên chính mình”, năng động đổi mới, đa dạng hoạt động dịch vụ và trở thành điểm sáng.

Trong đó, nhờ thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu lúa hàng hóa chất lượng cao, lúa an toàn gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị, nên từ khi thành lập đến nay HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (xã Trung Ngãi- Vũng Liêm) luôn hoạt động ổn định, hiệu quả, đem lại nguồn thu cho thành viên.

Hiện nay HTX đã sản xuất thành công 40ha lúa hữu cơ và đã tự xay gạo, đóng gói và bán ra thị trường. Nhờ có thương hiệu, tích cực quảng bá giới thiệu sản phẩm, HTX đã ký được nhiều hợp đồng tiêu thụ ở nhiều tỉnh- thành, với số lượng 10 tấn gạo/tháng.

Để đạt được kết quả trên, ông Đoàn Văn Tài- Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt- cho biết: HTX quản lý sản xuất theo vùng quy hoạch, phân bổ lịch xuống giống phù hợp từng vùng, từng địa phương, chọn giống thích hợp với thổ nhưỡng, liên kết cơ quan chuyên môn tập huấn kỹ thuật cho thành viên, liên kết cung ứng vật tư đầu vào và liên kết bao tiêu đầu ra cho thành viên.

“Trong năm nay, HTX sẽ mở rộng quy mô sản xuất, tăng diện tích lúa hữu cơ từ 40ha lên 100ha, diện tích lúa an toàn lên 500ha.

Đồng thời, ký hợp đồng liên kết tiêu thụ thêm nhiều công ty, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, HTX cũng đang tiến hành xây dựng nhà kho khoảng 300m2 dự trữ lúa hữu cơ và dây chuyền chế biến đóng gói gạo hữu cơ, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 8- 9/2019”- ông Tài phấn khởi nói.

Trong khi đó, HTX Thanh long Hậu Lộc (xã Hậu Lộc- Tam Bình) cũng đang hướng đến con đường sản xuất sạch, an toàn. Đại diện HTX cho hay: HTX có ký hợp đồng với công ty cung cấp phân bón vật tư nông nghiệp, tạo điều kiện cho thành viên có nguồn vật tư đầu vào rẻ hơn.

Bên cạnh đó, HTX còn tuyên truyền vận động nông dân tích cực tham gia kinh tế hợp tác sản xuất theo mô hình sản phẩm sạch, đồng thời, phối hợp cùng các ngành chức năng tổ chức tập huấn cho bà con thành viên, canh tác hữu cơ nhằm bảo vệ sức khỏe, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho thành viên và là tiền đề tiến tới sản xuất hữu cơ bền vững.

Cần có giải pháp nâng chất và lượng

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Long- Chủ tịch Liên minh HTX cho biết: Còn nhiều HTX chưa đăng ký thương hiệu và chất lượng sản phẩm nên khâu tiêu thụ chưa ổn định, sản phẩm tiêu thụ còn thông qua đầu mối, quy mô sản xuất chưa được mở rộng, ảnh hưởng đến thu nhập của HTX và thành viên.

Ông Nguyễn Thành Một- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cũng cho rằng: Phần lớn HTX nông nghiệp (lúa và cây ăn trái) có diện tích sản xuất nhỏ, manh mún, số lượng thành viên ít, nên vốn góp và vốn điều lệ thấp.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và kết cấu hạ tầng của các HTX còn lạc hậu, nên việc tổ chức sản xuất kinh doanh và ứng dụng khoa học kỹ thuật còn gặp nhiều khó khăn.

Đó là chưa kể phần lớn HTX nông nghiệp hiện nay chỉ thực hiện các khâu dịch vụ đầu vào, chưa thay đổi phương thức hoạt động dẫn đến hiệu quả không cao, thu nhập của các thành viên còn thấp.

Ông Đoàn Văn Tài cũng chia sẻ: “Giá cả thị trường không ổn định dẫn đến lợi nhuận của nông dân đôi khi rất thấp.

Bên cạnh đó, dù Nhà nước đã thay đổi nhiều chính sách, tạo mọi điều kiện giúp cho HTX vươn lên, nhà khoa học sẵn sàng chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ cho nông dân áp dụng sản xuất nhưng giữa nông dân và doanh nghiệp chưa liên kết chặt chẽ”.

Tương tự, HTX Thanh long Hậu Lộc cũng vướng khó: Chưa có kho đông lạnh, phương tiện bảo quản trái sau thu hoạch nên giá bán còn thấp. Trong khi đó, HTX chưa có hợp đồng với đối tác nước ngoài hoặc doanh nghiệp nên đầu ra cũng chưa ổn định.

Để xây dựng chuỗi giá trị cho các HTX nông nghiệp trong thời gian tới, ông Nguyễn Thành Một đề xuất: Cần tập trung hỗ trợ xây dựng và phát triển mô hình mở rộng liên kết gắn sản xuất chế biến với tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản thông qua hợp đồng kinh tế.

Trong đó, xây dựng mô hình liên kết bền vững trên cơ sở nguyên tắc tự nguyện và đảm bảo hài hòa lợi ích chính đáng của các thành viên tham gia trong mô hình liên kết.

Hỗ trợ các HTX quảng bá thương hiệu nhãn mác sản phẩm thực hành nông nghiệp tốt đáp ứng yêu cầu sản phẩm sạch, an toàn và nhu cầu thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó, hỗ trợ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất cho các HTX nông nghiệp, đồng thời, tập trung triển khai xây dựng các mô hình HTX ứng ụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Có thể thấy, HTX chính là tổ chức đại diện cho nông dân đứng ra làm việc với doanh nghiệp, kiểm soát chất lượng.

Chỉ có HTX mới gắn kết nông dân lại với nhau để sản xuất lớn theo tiêu chuẩn toàn cầu, đủ sức cạnh tranh với nông sản ngoại. Do đó, nông dân cần có cái nhìn đúng đắn hơn và thấy được lợi ích dài lâu khi tham gia vào HTX.

Song song đó, muốn thành công thì HTX phải tự lực cánh sinh và quan trọng là người lãnh đạo có tâm và mục tiêu, kế hoạch khả thi. HTX cần “làm mới” mình bằng cách đa dạng hoạt động dịch vụ, xây dựng chiến lược con người và kinh doanh, từ đó khẳng định vai trò cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, từ năm 2016 đến nay tỉnh đã xây dựng cánh đồng mẫu lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa chất lượng cao- an toàn vệ sinh thực phẩm với diện tích trên 1.000ha, từng bước hình thành vùng nguyên liệu tập trung theo chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ tại địa bàn các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Tam Bình, Long Hồ. Đã có nhiều HTX thực hiện tốt mối liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra theo hướng ổn định bền vững như: HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (xã Trung Ngãi- Vũng Liêm), HTX Nông nghiệp Tân Tiến (xã Mỹ Lộc- Tam Bình), HTX Nông nghiệp Tân Mỹ (xã Tân Mỹ- Trà Ôn),...

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN