Định hướng phát triển bền vững cây cam sành trên đất lúa

Cập nhật, 14:36, Thứ Sáu, 30/08/2019 (GMT+7)

Ngày 30/8/2019, tại xã Hiếu Thành, Phòng Nông nghiệp- PTNT Vũng Liêm tổ chức hội nghị định hướng phát triển cây ăn trái bền vững cho vùng sản xuất cam sành trên đất lúa.

Cây cam sành trên đất lúa vừa trồng hơn một tháng của người dân ấp Hiếu Xuân, xã Hiếu Thành.
Cây cam sành trên đất lúa vừa trồng hơn một tháng của người dân ấp Hiếu Xuân, xã Hiếu Thành.

Tham dự hội nghị có nông dân trồng cam sành, viện, trường đại học và ngành chức năng tỉnh.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp huyện, diện tích cam sành trong 7 năm qua (2012- 2019) tăng từ 10,6ha lên 942,86ha; trong đó diện tích trồng cam sành trên đất lúa chiếm tỷ lệ lớn với 85,9% và dự báo còn tăng thêm. Các năm 2016- 2017, diện tích trồng phát triển rất mạnh, đạt lần lượt hơn 503ha và hơn 883ha, tập trung nhiều ở các xã Hiếu Nghĩa (635,96ha), Hiếu Thành (230,7ha)...

Ở góc độ kinh tế, cây cam sành cho lợi nhuận gấp 8-9 lần so với trồng lúa trong một năm. Với tiêu thụ, ước 95% sản lượng cam sành được nhà vườn bán qua trung gian là vựa thu mua rồi đưa đi tiêu thụ ngoài tỉnh.

Cần có định hướng phát triển bền vững cây cam sành trên đất lúa hiện nay.
Cần có định hướng phát triển bền vững cây cam sành trên đất lúa hiện nay.

Cây cam sành bén rễ và phát triển mạnh trên địa bàn các năm qua do điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp cho sự phát triển; ngành chức năng và viện, trường quan tâm, tư vấn về giống, kỹ thuật; người nông dân chịu khó đầu tư, đoàn kết chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây cam;...

Tuy nhiên, vẫn còn thực tế nông dân trồng cam tự phát, không theo quy hoạch; còn ý tưởng sản xuất theo chu kỳ ngắn, khai thác nhanh năng suất cây cam nên xử lý ra hoa sớm; chưa định hướng trồng cây gì sau khi phá bỏ vườn cam già cỗi... Đó vừa là thuận lợi vừa là tồn tại đang đặt ra cho cây cam sành hiện nay, từ đó để định hướng phát triển bền vững cây trồng này trong thời gian tới.

Tin, ảnh: MINH THÁI