Cải thiện môi trường đầu tư, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp

Cập nhật, 07:26, Thứ Năm, 15/08/2019 (GMT+7)

TRƯƠNG ĐẶNG VĨNH PHÚC

Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư tỉnh Vĩnh Long

Đến nay, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Vĩnh Long tiếp tục được cải thiện. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tiếp tục duy trì thứ hạng tốt (xếp hạng 8/63 tỉnh- thành), việc đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công cùng hệ thống các phần mềm vào hoạt động đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN) trong việc giải quyết thủ tục hành chính.

Vĩnh Long rất chú trọng quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng lợi thế của tỉnh đến với doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.Ảnh: TRẦN PHƯỚC
Vĩnh Long rất chú trọng quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng lợi thế của tỉnh đến với doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.Ảnh: TRẦN PHƯỚC

Đón “làn sóng” đầu tư mới

Tiếp nối thành công của Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Long năm 2018, UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội thảo Xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Long 2019 với chủ đề “Hợp tác phát triển bền vững”.

Hội thảo được xem là diễn đàn mở về đầu tư, trong đó có sự tương tác 2 chiều từ phía lãnh đạo tỉnh với các nhà đầu tư, DN trên tinh thần cầu thị, lắng nghe những góp ý, sẻ chia từ cộng đồng DN nhằm làm cho môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng hấp dẫn hơn.

Qua đó, đề xuất những giải pháp mang tính đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cũng như góp ý đối với các quy định, chính sách của địa phương, danh mục các dự án mời gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh ngày càng ổn định, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, hấp dẫn các nhà đầu tư.

Đặc biệt, trong khuôn khổ hội thảo, UBND tỉnh Vĩnh Long sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, ký kết bản ghi nhớ đầu tư (MOU) cho 12 dự án với tổng mức vốn đầu tư khoảng 47.067,6 tỷ đồng và 51 triệu USD.

Trong đó, quyết định chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: có 6 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 99,6 tỷ đồng và 51 triệu USD; ký kết MOU 6 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 46.968 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nhiều tập đoàn có tiềm lực và uy tín đã ký kết triển khai dự án đầu tư tại Vĩnh Long. Cụ thể, Tập đoàn T&T có 3 dự án (Khu đô thị sinh thái, dịch vụ thương mại, vui chơi giải trí và du lịch Cồn Chim; Khu đô thị trung tâm hành chính tỉnh; Khu đô thị sinh thái nông nghiệp An Bình) với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 32.700 tỷ đồng;

Tập đoàn Vingroup với dự án Tổ hợp Thương mại dịch vụ và nhà ở, tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 900 tỷ đồng; Tập đoàn TMS với dự án Khu đô thị mới và tổ hợp dịch vụ vui chơi, nghỉ dưỡng Tân Quới (Bình Tân) và dự án Khu đô thị mới Mỹ Hòa (TX Bình Minh), tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 13.368 tỷ đồng; Tập đoàn Hưng Thịnh với dự án Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Cồn Giông có tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng...

Những dự án này khi triển khai thực hiện và đi vào hoạt động sẽ có tác động tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, góp phần quan trọng vào sự phát triển của tỉnh nhà.

Xây dựng hình ảnh tích cực trong mắt nhà đầu tư

Để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư có năng lực làm đầu tàu trong việc thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa phương, trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Long sẽ tiếp tục quan tâm, nghiên cứu việc tạo lập và xây dựng tốt hơn hình ảnh của địa phương trong cách nhìn của nhà đầu tư, có định hướng nhất quán giữa phát triển kinh tế với các hoạt động xúc tiến mời gọi đầu tư.

Cụ thể, tỉnh sẽ quan tâm đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả xúc tiến đầu tư cũng như hỗ trợ DN, dựa trên cơ sở là xác định rõ ràng, chính xác các định hướng ưu tiên về thu hút đầu tư và dựa trên nền tảng chất lượng các quy hoạch cũng như việc tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ về cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng cũng như các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội trọng tâm trong từng thời điểm.

Bên cạnh đó, quan tâm đến chất lượng các dự án mời gọi đầu tư, tăng hiệu quả đóng góp đối với nền kinh tế của tỉnh, cũng như lựa chọn các dự án có trình độ quản trị, công nghệ, có khả năng kết nối với các DN trong tỉnh.

Nâng cao mức độ rõ ràng hơn, đầy đủ thông tin hơn cũng như mức độ sẵn sàng đối với từng dự án, danh mục các dự án mời gọi đầu tư nhằm phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của nhà đầu tư và DN.

Về trình tự và thủ tục, hướng dẫn cần rõ ràng, thuận lợi, dễ hiểu, dễ làm, dễ thực hiện hơn. Thường xuyên cập nhật và thay đổi các hình thức quảng bá xúc tiến đầu tư, hội nghị, hội thảo để sát hơn với yêu cầu thực tiễn.

Đẩy nhanh việc lựa chọn các nhà đầu tư đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng, các khu- cụm công nghiệp mới có điều kiện thuận lợi. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, đặc biệt là phải áp dụng được các chính sách ưu đãi và hỗ trợ của Trung ương và tỉnh để tạo động lực thúc đẩy cho các dự án sớm được triển khai.

Vĩnh Long mở rộng cánh cửa khởi nghiệp

Cùng với việc thu hút đầu tư, hiện nay, tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng chương trình khởi nghiệp gắn với hoạt động đổi mới, sáng tạo trong quá trình sản xuất kinh doanh của DN trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp… để tạo ra những sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, cũng như thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Vĩnh Long đang đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển chuyên sâu, qua việc nghiên cứu ban hành đề án cơ cấu lại nền kinh tế trên cơ sở các đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ngành công thương. Trong đó, hoạt động khởi nghiệp sẽ là nội dung quan trọng.

Vĩnh Long đang nỗ lực tạo dựng môi trường khởi nghiệp thuận lợi nhất để các dự án, ý tưởng phát triển. Đồng thời, tỉnh cũng đã ban hành đề án xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, nhằm tạo ra các hoạt động khởi nghiệp bài bản, thiết thực hơn. Có thể nói, tỉnh Vĩnh Long đã mở rộng cánh cửa cho hoạt động khởi nghiệp hình thành và được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để phát triển.