Hàng online: Ai bảo vệ người mua?

Cập nhật, 05:34, Thứ Sáu, 19/07/2019 (GMT+7)

Săn hàng online đã trở nên khá quen thuộc, dễ dàng với nhiều người. Tuy nhiên, không ít người tiêu dùng (NTD) phản ánh mua hàng online hên xui, 10 lần mua thì ít nhất 1-2 lần “dính” phải hàng dỏm. Tức anh ách, nhưng người mua cũng không biết phải kêu ai và kiến nghị ai để giải quyết.

 

Một trang bán hàng im re và không liên lạc được sau khi nhận phản hồi từ khách hàng.
Một trang bán hàng im re và không liên lạc được sau khi nhận phản hồi từ khách hàng.

Dính phải hàng dỏm: biết kêu ai?

Theo ngành chức năng, hiện nay, tình trạng khuyến mãi, quảng cáo, bán hàng qua mạng ngày càng phổ biến bởi đây là kênh phân phối hiện đại, giúp NTD tiết kiệm thời gian, dễ dàng lựa chọn.

Nắm bắt được tâm lý muốn mua nhanh, hàng rẻ mà đẹp, chất lượng, đã có rất nhiều người lợi dụng thương mại điện tử để rao bán, quảng cáo, khuyến mãi nhiều hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ,... đặc biệt là mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Một trong những điểm hấp dẫn thu hút khách hàng của một số shop online và trang thương mại điện tử, đó là chương trình giảm rẻ, giá sốc, giá thanh lý, hàng tồn kho và khách hàng sẽ được hưởng ưu đãi với các chương trình giảm giá sâu.

Và cũng chính vì tin “mật ngọt” trên mạng, đã có không ít trường hợp NTD phải nhận “trái đắng” khi mua hàng do tin vào hình ảo trên mạng, đến khi nhận hàng thật mới “té ngửa”.

Điển hình như: Khách hàng sau khi nhận sản phẩm, qua một thời gian ngắn sử dụng thì “món hàng” gặp sự cố. Khi phản ánh thì phía bán hàng đã không thực hiện đúng cam kết bảo hành, hoặc làm qua loa, hoặc đổ lỗi cho khách hàng “không biết cách dùng”, khiến nhiều người bức xúc.

Nhất là khi hiện nhiều shop online, trang bán hàng quy định khách không được kiểm tra hàng trước khi trả tiền, với lý do “nếu phát hiện hàng hóa không đúng với mô tả, hàng giả, hàng kém chất lượng... NTD sẽ phản hồi và đổi trả theo quy trình”. Do đó, rủi ro càng nhiều với người mua hàng online.

Theo Hội Bảo vệ NTD, thực tế qua các vụ việc khiếu nại cho thấy, các hình thức lừa đảo NTD khi mua hàng qua mạng ngày càng đa dạng, phức tạp.

Từ không nhận bảo hành, đổi trả sản phẩm đúng như cam kết đến bán hàng kém chất lượng mua một đằng, giao một nẻo, rồi bên bán khóa máy, bỏ số điện thoại, người mua chỉ biết… tự trách mình quá tin người bán.

Mua váy dự tiệc, nhận được quần đùi rách của nam là tình trạng của chị N.T.T. (Phường 2- TP Vĩnh Long). Chị T. bức xúc: “Tôi thấy trang bán hàng có địa chỉ rõ ràng, hình ảnh đẹp, sắc nét, sản phẩm lại được khuyến mãi giá “sốc”.

Ham rẻ nên tôi đặt mua 3 bộ set váy dự tiệc với giá 360.000đ để được freeship. Lúc này gần 10g đêm mà nhân viên còn nhiệt tình gọi điện thoại tư vấn size, chiều cao, cân nặng, màu sắc. Do điểm bán ở Hà Nội nên nhân viên thỏ thẻ xin “chị yêu vui lòng không kiểm tra hàng” và cam kết hàng không đúng sẽ 1 đổi 1. Tin lời, tôi đặt mua liền.

Lúc giao hàng, anh shipper có cảnh báo “nơi giao hàng này lạ, coi chừng bị gạt, có thể không nhận” nhưng tôi không muốn mang tiếng “bom hàng” nên nhận đại.

Ai dè nhận được 2 áo sơ mi nam cũ mèm cùng 1 quần đùi rách của nam. Tức quá tôi gọi số hotline thì không liên lạc được, nhắn tin không trả lời nhưng shop này vẫn tiếp tục đăng hình ảnh mới. Tôi muốn kiện để trang này không còn lừa người khác được nữa nhưng không biết kiện ở đâu, như thế nào?”

Ông Nguyễn Quốc Huấn- Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD (Sở Công thương) cho biết: Theo Điều 8 của Luật Bảo vệ NTD thì NTD được quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết; khiếu nại, tố cáo khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định.

Trong vai người mua bị lừa nhận hàng dỏm, chúng tôi liên hệ Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh thì được trả lời: Trường hợp này rất khó giải quyết bởi địa chỉ trang mạng bán hàng ở Hà Nội trong khi hội chỉ có thể giải quyết trong phạm vi của tỉnh. 

Muốn khiếu nại, người mua phải liên hệ Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh để được hướng dẫn hoặc Hội Bảo vệ quyền lợi NTD ở Hà Nội hoặc tổng đài của Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi NTD (Bộ Công thương).

Khi liên hệ tổng đài của Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tại Hà Nội thì chị tổng đài viên hướng dẫn viết đơn gửi công an Hà Nội, vì trường hợp này hội đã có cảnh báo, NTD rất khó lấy lại tiền hay đổi sản phẩm.

Có thể thấy, con đường tìm nơi xử lý và giải quyết việc đặt mua hàng “xịn” nhận hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng không đúng đơn đặt hàng trên mạng rất vòng vèo, khó khăn.

Nhiều người cho rằng, do giá trị món hàng không nhiều nên chỉ có thể ôm cục tức cho qua, chứ tìm đường khiếu nại khó quá!” Cứ như vậy, các trang mạng bán hàng dỏm vẫn còn đường sống tiếp.

Đừng mua hàng bằng “niềm tin”

Có thể thấy, mua hàng online đang ngày càng chứng tỏ tính ưu việt và dần thu hút NTD. Với hình thức mua hàng bằng niềm tin này, nếu người bán có tâm thì NTD được lợi, còn người bán dỏm, hàng dỏm thì NTD chỉ có thiệt thòi, cơ hội “hoàn tiền, đổi sản phẩm” hầu như không có.

Theo ngành chức năng, do các quy định của luật pháp trong việc quản lý bán hàng trên mạng và thương mại điện tử của ta hiện còn có những kẽ hở, nên nhiều nhà kinh doanh đã lợi dụng để quảng cáo sản phẩm không đúng thực chất, đồng thời không cung cấp đầy đủ và minh bạch các thông tin về quy chế hoạt động, chính sách bán hàng, quy trình giao kết hợp đồng...

Điều này dẫn tới hậu quả NTD dù dính phải hàng dỏm, hàng kém chất lượng, hàng giả nhưng cũng không biết khiếu nại hay khởi kiện ở đâu khi không có đầy đủ chứng cứ.

Do đó, theo khuyến cáo của ông Trương Thanh Sử- Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD (Sở Công thương), NTD nên tham gia mua sắm qua ứng dụng thương mại điện tử tại các website thương mại điện tử uy tín, đã được thông báo hoặc đăng ký với Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; hàng hóa kinh doanh phải có đầy đủ thông tin theo quy định, đặc biệt là thông tin của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và khi có thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa phải có các giấy tờ, chứng từ chứng minh việc giao dịch.

Bên cạnh đó, NTD phải kịp thời thông tin, tố giác đến các cơ quan chức năng các trường hợp mua bán hàng hóa qua mạng vi phạm các quy định của pháp luật để kịp thời ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, để tăng sức răn đe, nhiều NTD đề nghị cơ quan quản lý cần tăng mức phạt lên thật nặng đối với những trang bán hàng có vi phạm, gây thiệt hại cho NTD. Đồng thời, cần “bêu tên” các website bị nhiều khiếu nại để NTD cảnh giác.

Để mua sắm trực tuyến thực sự là hình thức mua sắm mang lại nhiều tiện ích, bên cạnh nỗ lực từ các cơ quan quản lý nhà nước, NTD cần chủ động tiêu dùng thông thái và tìm hiểu kỹ về hình thức mua sắm này.

Khi bị xâm phạm về quyền lợi, NTD có thể liên hệ phản ánh đến Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ NTD (Bộ Công thương): Địa chỉ 25, Ngô Quyền, Hà Nội, điện thoại 02422205002 (đối với các trường hợp giao dịch, mua hàng qua mạng phạm vi trong nước). Đối với trường hợp mua hàng trong tỉnh, liên hệ: Hội Bảo vệ quyền lợi NTD: Số 2A, đường Hùng Vương, Phường 1, TP Vĩnh Long; Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long: Số 11, đường 2/9, Phường 1, TP Vĩnh Long, điện thoại 02703828873.

Bài, ảnh: TRÀ MY