Tiềm năng hợp tác Nga-Việt trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế

Cập nhật, 12:37, Thứ Tư, 05/06/2019 (GMT+7)

Tiến sỹ Kinh tế Ruslan Grinberg nhấn mạnh việc Việt Nam ký kết Hiệp định FTA với Liên minh kinh tế Á-Âu có ý nghĩa rất quan trọng đối với Nga.

 Giáo sư Nguyễn Quang Thuấn tại Hội thảo. (Ảnh: Hồng Quân/TTXVN)
Giáo sư Nguyễn Quang Thuấn tại Hội thảo. (Ảnh: Hồng Quân/TTXVN)

Ngày 4/6, hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Hợp tác Nga-Việt trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế" do Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm khoa học Nga (RAN) tổ chức trong khuôn khổ Năm hữu nghị chéo Việt-Nga đã thu hút đông đảo giới chuyên gia, học giả hai nước.

Đoàn Việt Nam do Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Quang Thuấn dẫn đầu, với sự tham dự của đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga.

Tham gia hội thảo về phía Nga có Viện trưởng Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học Nga Elena Lenchuc cùng hàng chục chuyên gia, học giả đến từ các cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu của Nga như Trường Kinh tế cao cấp Liên bang Nga, Trường Kinh tế Moskva, Học viện Kinh tế quốc dân và hành chính công trực thuộc Tổng thống, Viện Nghiên cứu kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế (IMEMO), Viện Thông tin khoa học xã hội, Viện Thông tin khoa học kỹ thuật toàn Nga.

Sau phát biểu khai mạc của tiến sỹ Kinh tế Ruslan Grinberg, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm khoa học Nga, 13 tham luận tại hội thảo đã đi sâu phân tích về những tác động của bối cảnh quốc tế và xu hướng toàn cầu hóa đối với nền kinh tế Nga và Việt Nam, so sánh mô hình phát triển kinh tế của hai nước, cũng như đưa ra những đánh giá về triển vọng quan hệ hợp tác Việt-Nga trong thế kỷ 21 trong khuôn khổ khu vực thương mại tự do giữa Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) và Việt Nam.

Nhiều ý kiến cho rằng trong thời đại công nghiệp 4.0 và sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số, Liên bang Nga với tư cách là một cường quốc về khoa học công nghệ cần phát huy thế mạnh của mình tại thị trường Việt Nam vốn đang có độ mở rất rộng.

Các tham luận cũng đã đề xuất một số giải pháp mang tính gợi mở đối với các cơ quan chức năng hai nước nhằm góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược và toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, giáo sư Nguyễn Quang Thuấn khẳng định hội thảo lần này rất có ý nghĩa đúng vào dịp hai nước đang kỷ niệm năm chéo hữu nghị Việt-Nga, nhất là trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực có nhiều thay đổi.

Tại hội thảo, các nhà khoa học Việt Nam và Nga đã đánh giá những kết quả đạt được trong quan hệ giữa hai nước thời gian qua.

Đặc biệt, những nguyên nhân làm cho hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư song phương còn chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của hai phía đã được thẳng thắn nêu ra.

Cùng với những yêu cầu mới về phát triển của cả hai nước trước tác động của toàn cầu hóa và các yếu tố mới xuất hiện, đây sẽ là những cơ sở để hai bên cùng đưa ra những giải pháp tốt hơn cho việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga.

Đánh giá về triển vọng hợp tác song phương thời gian tới, tiến sỹ Kinh tế Ruslan Grinberg nhấn mạnh việc Việt Nam ký kết Hiệp định FTA với Liên minh kinh tế Á-Âu có ý nghĩa rất quan trọng đối với Nga bởi hiệp định mở ra cả một khu vực lãnh thổ rộng lớn cho hợp tác thương mại.

Tiến sỹ Grinberg bày tỏ ngạc nhiên trước kỳ tích của Việt Nam trong phát triển kinh tế, hy vọng hai bên sẽ tăng cường học hỏi kinh nghiệm của nhau, đồng thời bày tỏ tin tưởng vào tiềm năng và triển vọng hợp tác giữa hai nước thời gian tới./.

Theo Hồng Quân (TTXVN/Vietnam+)