Blog thị trường

Áp lực giá tăng

Cập nhật, 15:54, Thứ Sáu, 26/04/2019 (GMT+7)

Đang mùa nắng nóng gay gắt. Đối với nhiều người ở miền Tây sông nước, những ngày này có thể coi là “nóng khủng nhất” mà họ từng trải qua. Nắng như thiêu như đốt vậy.

Cũng trong những ngày này, nhiều người phát hoảng khi hóa đơn tiền điện sinh hoạt tăng gần gấp đôi so với tháng trước. Một giáo viên cho biết gia đình sử dụng điện hàng tháng ở mức cao nhất từ trước tới nay không vượt 700.000đ, nhưng tháng này trả đến hơn 1,2 triệu đồng, mức chênh lệch phải trả thêm 500.000đ. Quá khủng khiếp. Trong khi nhiều gia đình ở nông thôn cũng cho biết dù hạn chế tối đa việc sử dụng tủ lạnh, máy quạt… nhưng hóa đơn tiền điện cũng vượt gần gấp đôi trong tháng này.

Phân tích lý do hóa đơn tiền điện tăng, chị giáo viên cho biết có lẽ do mùa nắng, thời gian mở máy lạnh, máy quạt nhiều cộng với giá điện tăng cũng là hợp lý. Mà tính tới lui cũng không tính ra được mức chênh lệch quá lớn, vì ban ngày vợ chồng đi làm, con cái đi học, nên thời gian sử dụng các thiết bị điện cũng có giới hạn chứ đâu mở xuyên suốt. Không riêng chị giáo viên, nhiều người cũng băn khoăn: không hiểu sao hóa đơn tiền điện lại tăng quá cao?

Cùng chiều hướng, giá xăng dầu cũng đã 2 lần điều chỉnh tăng trong tháng 4 này. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của người tiêu dùng, mà nhiều người còn lo ngại giá cả hàng hóa “chạy theo” giá điện, giá xăng. Thực tế, theo các bà nội trợ, giá cả một số mặt hàng như sữa, thực phẩm đã nhích lên.

Các doanh nghiệp cho biết giá vận chuyển, nguyên vật liệu đầu vào sản xuất cũng đã có dấu hiệu tăng, trong khi đơn hàng doanh nghiệp đã ký thì khó lòng điều chỉnh giá tăng ngay được. Trước mắt, doanh nghiệp phải chấp nhận giảm lợi nhuận, áp dụng nhiều giải pháp tiết kiệm tối đa để giảm chi phí.

Bido2_40.com