Góc nhìn

Nông sản lại "được mùa, rớt giá"

Cập nhật, 07:36, Thứ Ba, 09/10/2018 (GMT+7)

Những năm gần đây, nhiều loại nông sản lao đao vì tình trạng được mùa nhưng rớt giá, phải kể đến như dưa hấu, cà chua, khoai lang. Ngay như đối với thanh long- nông sản được chú trọng phát triển phục vụ xuất khẩu với nhiều chính sách đầu tư quy mô- cũng không thoát khỏi lẩn quẩn điệp khúc này.

Mới đây, một đoạn clip đăng tải trên báo Ấp Bắc (Tiền Giang) ghi lại cảnh một phụ nữ đứng khóc cạnh bên “núi” thanh long vừa thu hoạch nhưng không có người mua, thật chạnh lòng.

Được biết, hiện giá trái thanh long ruột đỏ chỉ còn từ 3.000- 5.000 đ/kg, còn thanh long ruột trắng thì hầu như không bán được. Đây là đợt rớt giá kỷ lục trong vòng 5 năm qua.

Nguyên nhân chính được xác định là do thị trường Trung Quốc (chiếm hơn 70% thị trường xuất khẩu trái cây này) không “ăn hàng”.

Và không riêng Tiền Giang, tại nhiều tỉnh- thành có diện tích trồng thanh long lớn như Bình Thuận, Long An cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Trong khi đó, ở huyện Bình Tân (Vĩnh Long), nông dân cũng đang điêu đứng vì khoai lang tím Nhật rớt giá còn chỉ 150.000- 200.000 đ/tạ- 60kg.

Một số hộ còn chấp nhận bỏ ruộng khoai vì tiền nhân công còn cao hơn cả tiền bán khoai. Theo giám đốc một hợp tác xã khoai lang trên địa bàn, do phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc nên năm nào cũng thời gian này là giá giảm, không bán được.

Lý do thì nhiều, nhưng nổi bật vẫn là do cách làm ăn theo phong trào và thiếu đầu tư đồng bộ, nhất là cho khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch, đặc biệt là thiếu các hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định.

Sự liên kết vùng, hình thành chuỗi cung ứng và hợp tác giữa 3-4 nhà… hầu hết cũng chỉ dừng ở định hướng và nguyên tắc mà chưa được tổ chức triển khai, cụ thể  hóa thành các phương án, hợp đồng đi kèm chính sách và quy hoạch, kế hoạch cụ thể.

Đã đến lúc cần nhìn thẳng để chỉ ra những yếu kém mới của ngành nông nghiệp hiện nay. Tìm thị trường là chuyện không riêng của Nhà nước mà người dân và nhà sản xuất cũng phải làm.

Khi sản xuất thì phải xem thị trường cần gì, thông tin phải đến tận nông dân và hợp tác xã. Và với hàng triệu hộ dân mà tự sản, tự tiêu, tự tìm thị trường thì rất khó, cho nên, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã cùng tham gia với bà con là rất quan trọng. 

HOÀNG MINH