Gạo Việt Nam ngày càng được thị trường ưa chuộng

Cập nhật, 06:01, Thứ Năm, 26/04/2018 (GMT+7)

 Việc nông dân và doanh nghiệp (DN) chế biến lương thực trong tỉnh chọn các giống lúa chất lượng cao để trồng, chế biến đã giúp thương hiệu gạo Việt Nam ngày càng được ưa chuộng, xuất khẩu (XK) được thuận lợi, giá bán cao hơn, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Chất lượng nâng lên

Quý I-2018, các DN XK gạo Việt Nam xuất được 1,49 triệu tấn, tăng 15,5% so cùng kỳ năm 2017, trong đó kim ngạch đạt 744,96 triệu USD, tăng 31,8% so cùng kỳ năm 2017. 3 tháng đầu năm 2018, giá gạo XK liên tục tăng cao, có thời điểm đạt 513,7 USD/tấn, tăng 3,3% so với thời điểm cuối năm 2017.

“Những tháng đầu năm 2018, hầu hết các thị trường đều có giá cao hơn so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó XK sang thị trường Chile đạt mức cao nhất, với 834,5 USD/tấn, tăng 114%; kế đó là các thị trường: Pháp 685 USD/tấn, Bỉ 660 USD/tấn; 3 thị trường có giá XK cao hơn so cùng kỳ năm 2017 là Ghana đạt 606,2 USD/tấn, tăng 20,9% so cùng kỳ; Hoa Kỳ 601,4 USD/tấn, tăng 17,2%; Australia 653,7 USD/tấn, tăng 16,7%.

Giá XK vào các thị trường vừa nêu tăng có nhiều nguyên nhân, trong đó yếu tố quyết định vẫn là chất lượng gạo được nâng lên, nhờ đó gạo Việt Nam ngày càng có uy tín trên thị trường XK…” - ông Nguyễn Thanh Phong, kế toán Công ty XNK Thịnh Phú An Giang chia sẻ.

 

3 tháng đầu năm 2018, các DN kinh doanh lương thực trong tỉnh đã XK gạo (do ND trong tỉnh làm ra) đến 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, mang kim ngạch về cho tỉnh 83.919 tấn, kim ngạch đạt 41,16 triệu USD so cùng kỳ, tăng 18,35% về lượng và tăng 28,89% về giá trị. Các giống lúa ngành nông nghiệp khuyến khích ND gieo sạ như: OM 6976, OM 5451, OM 8572, OM 9582, giống Đài Thơm 8... là các giống lúa cho gạo chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường, ND bán được giá cao.

“Vụ đông xuân 2017-2018, trên địa bàn TX. Tân Châu, ngành nông nghiệp thị xã khuyến cáo ND gieo trồng những giống lúa có chất lượng cao để phục vụ cho XK như: giống OM 6976, OM 5451, nhờ đó năm nay ND rất phấn khởi, lúa được mùa lẫn trúng giá. Hiện giá mua lúa tươi của thương lái trên địa bàn ở mức từ 5.400-5.800 đồng/kg (tăng 900-1.350 đồng/kg so với cùng kỳ“ - KS Tôn Hồng Tân, Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TX. Tân Châu chia sẻ.

Thị trường đa dạng

Nhìn lại lịch sử XK gạo của Việt Nam trong 3 thập kỷ qua, chưa bao giờ gạo Việt Nam được người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng như hiện nay. Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh, các DN kinh doanh lương thực đã đưa gạo Việt Nam đến 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, từ đó việc tiêu thụ lúa của ND ngày càng tốt hơn.

Tuy nhiên, các thị trường như: Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Malaysia vẫn là những thị trường truyền thống, tiêu thụ với số lượng lớn gạo Việt Nam. 3 tháng đầu năm 2018, thị trường Trung Quốc chiếm đến 29% lượng gạo XK của Việt Nam. Đây là thị trường tiêu thụ mạnh gạo cấp trung bình mà giống lúa đại diện cho XK ở phân khúc này là IR 50404.

“Các DN XK gạo của Việt Nam ngày càng đa dạng hóa thị trường, ND chúng tôi rất mừng bởi đồng ruộng An Giang không thể trồng một giống lúa duy nhất mà phải trồng nhiều giống khác nhau tùy vào thổ nhưỡng của mỗi vùng đất, như ở Tân Châu không thể trồng giống lúa chịu phèn mà thích nghi với giống OM 6976 và OM 5451…” - ông Dương Văn Nghi (xã Tân Thạnh, TX. Tân Châu) chia sẻ.

Đa dạng sản phẩm lẫn thị trường XK thông qua xúc tiến thương mại đã trở thành chiến lược của các DN trong tỉnh và Sở Công thương. Cụ thể, ngày 18-11-2016, Hiệp hội Lương thực Trung Quốc đã đến thăm và làm việc với Sở Công thương cùng các DN kinh doanh lương thực trên địa bàn. Tại đây, các DN Trung Quốc đã thăm các nhà máy chế biến trong tỉnh như: nhà máy chế biến lương thực của Công ty Trịnh Văn Phú (xã Lương An Trà, Tri Tôn), Công ty Cổ phần XNK Thịnh Phú An Giang.

“Chúng tôi đánh giá rất cao kỹ năng trồng lúa của ND và tiềm lực sản xuất của các DN Việt Nam. Chuyến thăm này mở ra triển vọng rất lớn trong quan hệ làm ăn giữa các DN phân hội ngành gạo của Hiệp hội Lương thực Trung Quốc với các DN kinh doanh lương thực Việt Nam…” - ông Guo Shao Xiang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Trung Quốc, phân hội ngành gạo chia sẻ.

Ngoài đa dạng hóa thị trường, các DN trong tỉnh còn đa dạng hóa sản phẩm như: XK gạo dài, hạt trắng loại từ 25% - 5% tấm, sản xuất gạo đồ để phục vụ thị trường cấp cao. Đi đầu trong sản xuất gạo đồ có Công ty Cổ phần XNK Thịnh Phú An Giang. XK gạo khởi sắc, đời sống ND trong tỉnh ngày được nâng lên, góp phần cùng chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh...

“Điều đáng mừng là cơ cấu gạo của Việt Nam đã chuyển theo hướng giảm phân khúc gạo chất lượng trung bình và thấp, tăng phân khúc gạo chất lượng cao theo từng năm. Ngành nông nghiệp tiếp tục khuyến cáo ND các địa phương duy trì việc sử dụng các bộ giống lúa chất lượng cao để sản phẩm làm ra dễ tiêu thụ trên thị trường”- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm chia sẻ

 

Theo Báo An Giang