Để cổ phần hóa doanh nghiệp mang lại hiệu quả thiết thực

Cập nhật, 14:28, Thứ Năm, 08/03/2018 (GMT+7)

Thời gian qua, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được triển khai theo đúng tinh thần các nghị quyết của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới DNNN; trở thành giải pháp quan trọng để tạo chuyển biến cơ bản trong việc nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các DNNN.

Tuy nhiên, nhiều DN đến nay vẫn chưa theo kịp yêu cầu đổi mới, cơ cấu lại DNNN. Do đó, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành chức năng nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN.

Kỳ 1: Nhiều thuận lợi, lắm khó khăn

Việc cơ cấu DNNN được đẩy mạnh, số lượng DNNN đã và đang được thu gọn hơn, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt. Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa còn nhiều yếu kém, vướng mắc, đã đặt ra nhiều thách thức trong việc cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN.

Sau cổ phần hóa, Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long tiếp tục làm tốt nhiệm vụ chăm sóc cây xanh cho thành phố.
Sau cổ phần hóa, Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long tiếp tục làm tốt nhiệm vụ chăm sóc cây xanh cho thành phố.

Nhiều thuận lợi...

Tiền thân là Phòng Quản lý đô thị hoạt động dưới hình thức DNNN trong lĩnh vực công ích, Công ty Công trình công cộng được xây dựng và phát triển song song với sự phát triển của TP Vĩnh Long.

Sau đó, việc chuyển đổi trở thành Công ty TNHH 1TV Công trình công cộng Vĩnh Long được xem là mốc đánh dấu sự phát triển của DN trong giai đoạn mới.

Đến năm 2016, công ty chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần với mức vốn đầu tư chủ sở hữu lên đến hơn 35 tỷ đồng, đảm bảo việc làm cho 255 lao động.

Sau khi thực hiện cổ phần hóa, Công ty CP Cảng Vĩnh Long đã đầu tư cải tiến máy móc thiết bị, kho bãi để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Sau khi thực hiện cổ phần hóa, Công ty CP Cảng Vĩnh Long đã đầu tư cải tiến máy móc thiết bị, kho bãi để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Sau khi chuyển đổi mô hình, công ty đã thực hiện tốt các quy định của pháp luật và đạt kết quả đáng khích lệ trong kinh doanh. “Tuy chỉ trong thời gian ngắn (từ 1/10- 31/12/2016), tỷ lệ lợi nhuận trả cổ tức là 1,99%, tương ứng 199 đ/cổ phần”- ông Đào Thanh Liêm- Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty- cho biết.

Cũng được chuyển từ DNNN sang, Công ty CP Cảng Vĩnh Long chính thức hoạt động từ 1/7/2004 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, trong đó cổ đông nhà nước chiếm 51%.

Những năm qua, công ty đã mở rộng sản xuất (khai thác Cảng An Phước) và đầu tư máy móc, thiết bị, kho, bãi đã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

“Trước khi cổ phần hóa (năm 2004), thu nhập bình quân đầu người của công ty chỉ gần 1 triệu đồng/người/tháng, đến năm 2016 đạt hơn 5,9 triệu đồng/người/tháng.

Số lao động từ 84 người giảm còn 68 người nhưng chất lượng hoạt động vẫn đảm bảo. Doanh thu từ 2,14 tỷ đồng/năm tăng lên hơn 22 tỷ đồng/năm”- ông Lê Minh Trí- Tổng giám đốc công ty- cho biết.

... Nhưng cũng lắm khó khăn

Theo ông Lê Minh Trí, công ty vẫn còn không ít khó khăn do nguồn vốn đầu tư trước đây (từ năm 2005) bị ứ đọng, không sinh lãi (chiếm 40% vốn điều lệ). Tiền thuê đất đã tăng lên 5 lần so trước cổ phần hóa, từ 300 triệu đồng/năm lên 1,65 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh, các thiết bị đến nay cũng đã cũ, hư hỏng thường xuyên nên tốn nhiều chi phí bảo dưỡng, sửa chữa, trong khi lợi nhuận hàng năm bị áp lực cổ tức và truy thu thuế do không được miễn giảm tiền thuê đất từ năm 2005- 2009, mặc dù có quyết định của UBND tỉnh miễn giảm nhưng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu phải truy thu và nộp phạt.

Công ty CP Công trình công cộng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm hoạt động, trong đó có quản lý và chăm sóc cây xanh.
Công ty CP Công trình công cộng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm hoạt động, trong đó có quản lý và chăm sóc cây xanh.

Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long cũng gặp nhiều khó khăn khi số lượng cổ phần bán không hết với 16,41% vốn điều lệ, tương đương gần 5,6 tỷ đồng, do cổ phiếu chuyên ngành vệ sinh không thu hút được các nhà đầu tư ngoài vào khi cơ quan nhà nước thực hiện chủ trương đấu thầu vào lĩnh vực này.

Vấn đề xử lý tài chính cho 3 năm liền kề chưa thực sự linh hoạt và cũng chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động của công ty, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận quá cao, làm cho giá trị lợi thế DN tăng lên bất thường.

Sau khi cổ phần hóa, công ty phải phân bổ giá trị lợi thế kinh doanh vào giá thành sản phẩm làm chi phí giá thành tăng cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận hàng năm của công ty. Lợi nhuận giảm đã làm giảm lương người quản lý và người lao động, giảm luôn cổ tức của cổ đông.

Giai đoạn 2000- 2013, toàn tỉnh có 13 DNNN thực hiện cổ phần hóa và đã tổ chức thoái vốn nhà nước tại 12 công ty. Giai đoạn 2014- 2015, có 2 DNNN thực hiện cổ phần hóa là Công ty CP Cấp nước Vĩnh Long và Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long.

“3 năm liền kề trước khi cổ phần hóa, công ty được điều chỉnh chi phí nhân công và ca máy theo mức lương tối thiểu vùng mới, nhưng thời gian thực hiện kéo dài, đến khi kết thúc năm quyết toán không điều chỉnh được báo cáo và phân bổ chi phí, dẫn đến lợi nhuận trước khi cổ phần hóa tăng cao bất lường”- ông Đào Thanh Liêm lý giải.

Ngoài ra, kinh phí dịch vụ công ích đô thị không bố trí đủ từ đầu năm đã gây khó khăn cho hoạt động công ty.

Kinh phí duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng các cơ sở hạ tầng khu vực chôn lấp cũng chưa được bố trí hàng năm, công ty phải sử dụng kinh phí hoạt động công ích cho việc này, làm cho chi phí tăng lên, ảnh hưởng đến lợi nhuận và cổ tức cho cổ đông.

Đơn giá dịch vụ công ích do UBND tỉnh quyết định (giá nguyên, nhiên, vật liệu tính từ năm 2009, giá nhân công từ năm 2015) trong khi đó các yếu tố đầu liên tục làm tăng giá thành rất nhiều, nhưng đến nay chưa được điều chỉnh.

Giá thu vệ sinh phí được điều chỉnh từ năm 2006, hiện đã rất thấp và lạc hậu (chỉ 10.000 đ/tháng), không đủ để bù đắp vào hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải mà ngân sách nhà nước đã đầu tư vào.

Bên cạnh, một số máy móc thiết bị của công ty đã được lắp đặt từ nhiều năm trước, việc tái đầu tư đòi hỏi kinh phí lớn trong khi nguồn vốn công ty có giới hạn; “địa bàn dân cư của tỉnh rộng lớn, thiếu tập trung, để đáp ứng nhu cầu công ty rất cần có sự hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước để phát triển thiết bị chứa rác, điểm tập kết trung chuyển”- ông Đào Thanh Liêm đề xuất.

Theo Quyết định 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018 sẽ thoái vốn tại Công ty CP Cấp nước Vĩnh Long với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 chỉ còn giữ lại 51% vốn nhà nước; còn Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long sẽ bán tiếp 44,39% vốn nhà nước vào năm 2019 để đến năm 2020 tỷ lệ vốn nhà nước giảm còn 36,85%.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI