NÔNG SẢN CHẤT LƯỢNG CAO, SẢN PHẨM ĐẶC TRƯNG NỔI TIẾNG CỦA TỈNH

Bước đệm vững chắc để tiến xa hơn

Cập nhật, 06:01, Thứ Năm, 04/01/2018 (GMT+7)

Nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến công nghệ sản xuất, biết chủ động làm mới mình nên nhiều cơ sở, doanh nghiệp (DN) đã dần khẳng định vị thế trên thị trường.

Và chứng nhận tôn vinh 15 đơn vị sản xuất có nông sản chất lượng cao, sản phẩm đặc trưng nổi tiếng của tỉnh được xem là bước đệm vững chắc để các cơ sở, DN này tiến xa hơn nữa khi tham gia sân chơi lớn.

Nhiều doanh nghiệp cơ sở đã chủ động cải tiến làm mới mình để xâm nhập thị trường.
Nhiều doanh nghiệp cơ sở đã chủ động cải tiến làm mới mình để xâm nhập thị trường.

Vừa có “tiếng” vừa có “miếng”

Lần đầu tiên Vĩnh Long tổ chức chương trình tôn vinh danh hiệu nông sản chất lượng cao, sản phẩm đặc trưng nổi tiếng của tỉnh, đã thu hút 70 đơn vị đăng ký tham gia chương trình.

Trong đó 35 đơn vị thuộc nhóm nông sản (sản phẩm trồng trọt: gạo, rau, trái cây...), 23 đơn vị thuộc sản phẩm đặc trưng nổi tiếng (sản phẩm chế biến từ gạo, rau, củ quả, thịt, trứng, sữa, thủy sản...), 12 đơn vị thuộc nhóm dịch vụ cây giống, con giống.

Chương trình tôn vinh giúp cho các đơn vị tự đánh giá vị trí so với mặt bằng chung trong việc trang bị các kỹ năng sản xuất và kinh doanh, từ đó có điều kiện phấn đấu hơn.

Đồng thời đây cũng là nơi để các tổ chức, cá nhân tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm, tìm hiểu thêm về những điều kiện mà thị trường đang quan tâm như: sản phẩm và sức mạnh công nghệ, khả năng tiếp thị, chất lượng sản phẩm…

Bà Đoàn Thị Thanh Xuân- Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin nông nghiệp- nông thôn (Sở Nông nghiệp- PTNT) cho biết:

Qua tôn vinh, các đơn vị đã phản ánh được chính xác mức độ thâm nhập thị trường của các tổ chức, cá nhân đạt giấy chứng nhận, đây cũng là những đơn vị có thành tích cao trong vấn đề đạt được các tiêu chuẩn an toàn trong sản xuất và kinh doanh trong thời gian gần đây.

Từ đó cho thấy, cơ sở, DN đã nhận thức hơn về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, hoàn thiện bao bì hay khả năng tiếp thị, quảng bá sản phẩm…

Qua khảo sát, đánh giá có 2 đơn vị đạt tiêu chuẩn 5 sao, có thể xuất khẩu (90 điểm trở lên), 13 đơn vị đạt tiểu chuẩn 4 sao, có thể nâng để xuất khẩu (70- 90 điểm), 37 đơn vị đạt tiêu chuẩn 3 sao có sản phẩm đạt tiêu chuẩn có thể phát triển lên hạng 4 sao.

Bằng sự nỗ lực, các cơ sở, DN, hợp tác xã đã chứng minh được sản phẩm làm ra không chỉ có “miếng” mà còn có “tiếng”. Từ đó, các đơn vị cũng mạnh dạn hơn, chủ động hơn khi xâm nhập thị trường.

Nhiều DN, cơ sở chia sẻ rằng, danh hiệu này là sự minh chứng xứng đáng cho sự cố gắng, nỗ lực trong thời gian qua.

Là 1 trong 2 đơn vị đạt tiêu chuẩn 5 sao với số điểm trên 90 điểm, ông Nguyễn Trí Nghiệp- Giám đốc Công ty TNHH 1TV Nông trang Island (xã Hòa Ninh- Long Hồ) chia sẻ:

“Tôi cảm thấy rất vui mừng và phấn khởi khi đạt được chứng nhận này, qua đó cho thấy sự nỗ lực để phát triển và xâm nhập thị trường đã có kết quả và đã được công nhận. Đây sẽ là bước tạo đà để DN của tôi phấn đấu, tiến xa hơn nữa”.

Lấy đà tiến xa hơn

Được chứng nhận tôn vinh là tiền đề để cơ sở, doanh nghiệp tiến xa hơn.
Được chứng nhận tôn vinh là tiền đề để cơ sở, doanh nghiệp tiến xa hơn.

Nhiều cơ sở DN nhận định rằng có được chứng nhận này không phải là đích đến cuối cùng mà là tiền đề quan trọng để DN cố gắng, hoàn thiện hơn nữa để có thể chinh phục thị trường mới, mạnh dạn tham gia sân chơi lớn hơn.

Nhận định phải cải tiến và hoàn thiện sản phẩm thì mới có thể đi xa hơn được nên ông Vũ Văn Năng- Giám đốc Công ty TNHH TM DV SX Nhật Quỳnh (ở Tam Bình) đã mạnh dạn đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất nhằm nâng cao sản lượng, cải tiến bao bì đóng gói để có thể vận chuyển đi thị trường xa, đáp ứng tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm và thị hiếu của người tiêu dùng.

Chính vì sự chủ động thay đổi nên sản phẩm cơm sấy Nhật Quỳnh đã được tôn vinh là sản phẩm đặc trưng nổi tiếng của tỉnh và là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2017.

Tương tự, ông Nguyễn Chí Thiện- Chủ Cơ sở sản xuất tương hột Phước Khang- cũng cho biết: “Chỉ có cải tiến đầu tư kỹ thuật công nghệ sản xuất mới nâng được chất lượng sản phẩm, bên cạnh thay thế nguyên liệu an toàn cho sức khỏe tôi còn đầu tư thêm máy móc, thiết bị hiện đại để cho ra sản phẩm ngon hơn, chất lượng đồng đều hơn. Từ đó tìm kiếm thị trường dễ dàng hơn”.

Nhờ liên kết với Trường ĐH Cần Thơ, sự hỗ trợ của các sở ban ngành, Trung tâm BSA, hiện sản phẩm tương hột Phước Khang đã có đầu ra ổn định, không chỉ có mặt ở chợ truyền thống, sản phẩm còn thâm nhập được kênh bán hàng cao cấp hơn, ở những cửa hàng thực phẩm an toàn.

Được công nhận, các cơ sở, DN, hợp tác xã đã khẳng định được tiếng nói của mình trên thị trường, đồng thời tiếp thêm sức cho các đơn vị để có thể tiến xa hơn.

Bên cạnh đó, các đơn vị khác cũng sẽ nhận thấy được hạn chế thiếu sót của mình để phấn đấu, hoàn thiện hơn.

Và muốn tham gia sân chơi lớn, vươn ra biển rộng, đòi hỏi DN, cơ sở phải chủ động, sáng tạo, tìm tòi, khai thác được những sản phẩm mới có tiềm năng phát triển, đồng thời, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, tăng năng suất, nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

15 đơn vị sản xuất có nông sản chất lượng cao, sản phẩm đặc trưng nổi tiếng của tỉnh được tôn vinh là: Công ty TNHH SX- TM Phước Thành IV, Công ty TNHH 1TV Nông trang Island, HTX Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Phước Hậu, Công ty TNHH 1TV TM Hương bưởi Mỹ Hòa, Công ty CP Rau củ quả Bình Minh, HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước, Công ty CP Thủy sản Mê Kông, Công ty TNHH 1TV Tấn Lộc Pro, DNTN TM CP Hồng Hương, Cơ sở nước chấm Hòa Hiệp, Cơ sở Sản xuất bún Ba Khánh, Cơ sở Sản xuất tương Phước Khang, Cơ sở Sản xuất kẹo mứt Hồng Phúc, DNTN Vĩnh Nghiệp, Công ty TNHH TM DV SX Nhật Quỳnh.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN