Làng nghề hối hả vào mùa tết

Cập nhật, 05:43, Thứ Năm, 18/01/2018 (GMT+7)

 

Các cơ sở sản xuất tàu hủ ky đang hối hả đưa sản phẩm ra thị trường tết.
Các cơ sở sản xuất tàu hủ ky đang hối hả đưa sản phẩm ra thị trường tết.

Còn hơn tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, các làng nghề truyền thống đang hối hả chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho dịp này. Bánh tráng cù lao Mây, tàu hủ ky Mỹ Hòa, tuy chỉ là những món “ăn chơi” nhưng tết về lại nhận được rất nhiều đơn đặt hàng trong và ngoài tỉnh.

Đỏ lửa bánh tráng cù lao Mây

Làng nghề Bánh tráng cù lao Mây (xã Lục Sĩ Thành- Trà Ôn) là một trong những làng nghề nổi tiếng, hiện đã có nhiều đơn đặt hàng cho dịp tết.

Ông Lương Văn Thông- Chủ nhiệm Hợp tác xã Bánh tráng cù lao Mây- phấn khởi nói: “Tết này cơ sở sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 3 tấn bánh tráng các loại, xấp xỉ năm ngoái. Hiện đã có khách hàng ở Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng và đặc biệt là Việt kiều cũng đặt hàng”.

100 bánh tráng nhúng được đóng gói giá từ 100.000-120.000đ, bánh tráng nướng 75.000 đ/chục, bánh tráng ngọt 35.000 đ/chục.

Làng nghề bánh tráng này đã gần trăm năm và vẫn giữ được hương vị truyền thống. Ông Thông cho biết, bánh tráng từ làng nghề nổi tiếng ngon, hoàn toàn không có phụ gia, làm theo kiểu thủ công như: xay bột gạo, nước cốt dừa, mè, phơi bằng ánh nắng mặt trời… nên giữ được hương vị truyền thống. Nhờ đó mà thị trường luôn rộng mở.

Hoạt động quanh năm nhưng vào dịp tết là xôm tụ nhất với khoảng 70 hộ dân theo nghề, thu hút hơn 200 lao động ở địa phương. Năm 2009, nơi đây được công nhận là làng nghề truyền thống; từ đó bà con thành lập hợp tác xã để sản xuất ổn định hơn.

Ông Lương Văn Thông còn cho biết, hiện xã viên không chỉ sản xuất mà còn chủ động kiếm hợp đồng về đặt lại cho bà con làm. Do được Nhà nước hỗ trợ máy hút chân không, máy cắt nên chất lượng bánh tốt hơn, bảo quản lâu hơn so với trước đây.

Bánh tráng cù lao Mây hiện đã có nhiều đơn đặt hàng cho dịp tết.
Bánh tráng cù lao Mây hiện đã có nhiều đơn đặt hàng cho dịp tết.

Tàu hủ ky “chạy hàng tết”

Cách TX Bình Minh khoảng 2 cây số, qua đò ngang Bờ Chùa là đến làng nghề làm tàu hủ ky Mỹ Hòa (ấp Mỹ Khánh 1, xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh). Cả làng nghề đang tất bật sản xuất, sẵn sàng đón mùa tết đến.

Ông Nguyễn Tấn Thậm có hơn 10 năm theo nghề này cho biết nghề tàu hủ ở đây cha truyền con nối. Trước đây, mỗi nhà làm 5- 7 chảo, tất cả đều thủ công nhưng hiện một số công đoạn có “dáng dấp công nghiệp”, nên đỡ vất vả.

“Nhà tôi có 90 chảo, trung bình mỗi ngày sản xuất khoảng 200kg tàu hủ ky các loại. Tàu hủ ở mỗi chảo nhiều hay ít tùy nước đục trong, lửa lò và chất lượng đậu nành”- ông Thậm nói, đồng thời cho biết thêm “hổm rày tiếp khách liên miên, nay báo này đài nọ, mai thì doanh nghiệp xa gần đến tìm hiểu, hỏi thăm, kiếm cơ hội hợp tác làm ăn”.

Tàu hủ ky ở đây hiện không chỉ cung ứng một số tỉnh- thành ĐBSCL mà còn lên TP Hồ Chí Minh, ra tận Hà Nội.

Ông Đinh Công Hoàng- Chủ nhiệm Tổ hợp tác Tàu hủ ky Mỹ Hòa- cho biết: Hiện làng nghề có khoảng 35 hộ sản xuất. Tết này các lò đều đã nâng công suất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Mỗi ngày, làng nghề sản xuất khoảng 3- 4 tấn tàu hủ ky các loại như: tàu hủ miếng lớn, tàu hủ ky cọng khô, cọng non, tàu hủ ky ướp muối…

“Sản xuất tàu hủ ky năm nay khá tốt, ước tính sản lượng tăng mạnh so năm trước. Người tiêu dùng biết đến, tin tưởng sản phẩm ở đây chế biến từ đậu nành 100% và không dùng chất bảo quản.

Các lò tàu hủ ky đã chuyển sang nấu bằng nồi inox, cho ra miếng bánh sáng màu, ai nhìn cũng muốn ăn liền”- ông Hoàng thông tin vui và tự tin thị trường hiện nay dễ dàng nhận biết logo “Tàu hủ ky Mỹ Hòa- Bình Minh”, khi từ năm 2013 được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể.

Những người lâu năm làm nghề cho biết, để ra được 1kg tàu hủ ky với giá 80.000- 90.000đ phải dùng khoảng 2,4kg đậu nành tươi. Làm tàu hủ ky không khó nhưng hơi cực. 

Bước đầu tiên là ngâm đậu nành chừng 2 giờ để đậu nở và mềm rồi xay thành bột sau đó đưa vào máy vắt lấy nước, nước đậu nguyên chất được bỏ lên chảo đun để lấy váng.

Trong các công đoạn làm tàu hủ ky thì công đoạn vớt váng đậu là cực nhất vì người thợ phải đứng canh suốt mấy giờ liền để vớt nhiều chảo đậu được xếp thành hai hàng, rồi phải canh “đủ lửa” đậu mới lên váng.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH