Blog thị trường

Dứt khoát giảm lúa vụ 3

Cập nhật, 11:19, Thứ Sáu, 29/09/2017 (GMT+7)

Dù Việt Nam xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới, nhưng sản xuất lúa diện tích lớn và sản lượng cao vẫn không làm nông dân giàu lên.

Đó là thực trạng của người làm lúa ở ĐBSCL- theo GS Võ Tòng Xuân, trong điều kiện biến đổi khí hậu, nguồn nước ngọt và đất đai ngày càng hạn chế.

Một số cây trồng phải giảm lại và phát triển rộng một số cây, con có nhu cầu cao. Ông đề nghị: “Dứt khoát giảm diện tích lúa vụ 3”, vì sản xuất lúa rất tốn nước ngọt nhưng giá gạo quá thấp, dân trồng lúa không hưởng lợi bao nhiêu.

Trong khi lúa đang được sản xuất thặng dư trên 10 triệu tấn/năm, theo quy luật cung cầu, cung tăng nhiều mà cầu không tăng tương xứng, thì giá phải sụt xuống thấp triền miên.

Vì thế đối với cây lúa, GS Võ Tòng Xuân đề xuất chỉ giữ diện tích lúa tại vùng phù sa có đầy đủ nước ngọt đầu nguồn.

Hạn chế lúa vụ 3 để lấy nước, đồng ruộng được phù sa, phát triển các loài thủy sinh- sen, súng, cá tôm… Chuyển các diện tích lúa bấp bênh đầu tư cao (vùng phèn, mặn) sang nuôi trồng cây con có giá trị cao, như lên liếp trồng cây ăn trái thích hợp, nuôi cá đồng, nuôi tôm…

Ông cũng cho rằng, các khu đê bao trồng lúa 3 vụ có thể cho chuyển thành khu lên liếp trồng cây ăn trái, nếu có doanh nghiệp cần diện tích có sản lượng lớn trái làm nguyên liệu.

Nguồn nước ngày càng khan hiếm, chính vì vậy, nhiều ý kiến chuyên gia chỉ rõ, quy hoạch nông nghiệp bảo đảm những vùng sản xuất lúa chất lượng cao, sử dụng ít nước, ít phát sinh phát thải khí nhà kính.

Cần nghiên cứu chuyển hướng chiến lược sản phẩm nông nghiệp chủ lực trước đây là lúa, sang ưu tiên các loại cây trồng khác và thủy sản.

Không chọn cây trồng sử dụng quá nhiều nước ngọt, chi phí sản xuất cao, nhưng giá trị thương mại lại rất thấp.

Bido2_40.com