Mang Thít

Bài toán bền vững cho cây thanh long ruột đỏ

Cập nhật, 05:02, Thứ Tư, 27/09/2017 (GMT+7)

Mấy năm gần đây, diện tích cây thanh long ruột đỏ (gọi tắt là thanh long) ở Mang Thít tăng cao do nhu cầu chuyển đổi cây trồng của người dân. Từ đây, cùng với xu hướng tăng mạnh diện tích thì giải pháp để cây thanh long phát triển bền vững là rất cần thiết…

Bên cạnh các lò gạch cũ hoạt động kém hiệu quả, đã xuất hiện nhiều vườn thanh long.
Bên cạnh các lò gạch cũ hoạt động kém hiệu quả, đã xuất hiện nhiều vườn thanh long.

Diện tích tăng cao

Đi dọc theo một số tuyến đường tỉnh, đường huyện, ngang qua các xã An Phước, Chánh An, Mỹ Phước, Hòa Tịnh, sẽ thấy rất nhiều vườn thanh long trĩu trái, ban đêm thắp đèn kích trái sáng một góc trời. Mấy năm gần đây, cây thanh long được xem là một giải pháp thay thế vườn tạp của người dân nơi đây.

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít, toàn huyện hiện có gần 73ha thanh long, chủ yếu là thanh long ruột đỏ. Nhiều nhất là ở các xã An Phước, Chánh An, Mỹ Phước…

Trên địa bàn xã An Phước cũng đã thành lập được một kho lạnh để thu mua sản phẩm của nông dân.

Bà Cao Thị Đẹp- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT- cho biết, diện tích trồng cây thanh long tăng mạnh vài năm nay, do người dân thấy có hiệu quả.

Theo đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của huyện, ngoài 3 cây trồng chính là lúa, bưởi da xanh và khoai mỡ thì cây thanh long là một trong những loại cây tiềm năng mà huyện đang rất quan tâm.

Cũng theo bà Cao Thị Đẹp, hiện nay, ngoài công tác chuyên môn về quản lý, thì sắp tới, sẽ nghiên cứu để thành lập vùng chuyên canh thanh long ở xã An Phước: “Chưa phân tích những dữ liệu về thổ nhưỡng, tuy nhiên qua thực tế thì cây thanh long phát triển tốt trên địa bàn huyện. Đồng thời tạo thu nhập khá ổn định cho người trồng”.

Ông Thi Quang Ân- chuyên viên Phòng Nông nghiệp- PTNT cũng cho biết, hiện đã thành lập được 3 tổ hợp tác sản xuất thanh long ở 2 xã An Phước và Hòa Tịnh.

Ông nói thêm: “Ngành nông nghiệp đã hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, tổ chức cho nông dân tham quan ở các hợp tác xã (HTX) sản xuất thanh long ở Long An. Từ đó, nhiều người đã mạnh dạn đầu tư, nhất là đầu tư để xử lý cho ra trái nghịch vụ, cho thu nhập cao”.

Nếu như năm 2015, diện tích trồng thanh long của An Phước chỉ khoảng 25ha, thì nay đã hơn 40ha. Giờ đi quanh xã, đã thấy nhiều vườn thanh long mới mọc lên, người dân đâu cũng bàn chuyện trồng thanh long cho hiệu quả cao.

Bà Trần Thị Thân- Phó Chủ tịch UBND xã An Phước- cho biết, với giá bán hiện nay là 54.000 đ/kg thanh long ruột đỏ, người trồng thu lợi lớn.

Và đây cũng chính là nguyên nhân để nhiều người chuyển sang trồng cây thanh long. Bà cho biết: “Việc trồng thanh long là do tự phát.

Với góc độ địa phương, không thể tuyên truyền người dân không trồng hoặc trồng ít để phù hợp với nhu cầu thị trường. Xã chỉ vận động người dân vào tổ hợp tác hoặc thành lập HTX…”

Cần có giải pháp phát triển bền vững

Ông Võ Văn Đồng phun thuốc cho vườn thanh long của mình. Hiện giá thị trường trên 50.000 đ/kg thanh long ruột đỏ.
Ông Võ Văn Đồng phun thuốc cho vườn thanh long của mình. Hiện giá thị trường trên 50.000 đ/kg thanh long ruột đỏ.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Võ Văn Đồng (ấp Thanh Thủy, xã An Phước) để tìm hiểu về việc trồng thanh long.

Ông đưa chúng tôi đi một vòng khu vườn gần 6.000m2, có 600 gốc thanh long ruột đỏ 2 năm tuổi.

Mỗi năm, khu vườn cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng: “Đây là mức thu nhập mà không phải cây trồng nào cũng có được.

Tuy nhiên, trồng thanh long là không có ngày nghỉ, phải chăm bón, thuốc men đầy đủ. Đặc biệt là tùy thuộc vào thị trường. Song, nếu giá khoảng 10.000 đ/kg thì người trồng cũng đã có lời”- ông Đồng nói.

Ông Đồng cũng là Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất thanh long ở xã An Phước. Tổ có 12 thành viên với khoảng 5ha.

Ông cho biết: “Ngoài việc thuốc men là do kinh nghiệm của từng người thì các công nghệ, kỹ thuật khác đều được các tổ viên chia sẻ, áp dụng giống nhau. Từ đó, chất lượng trái thanh long của tổ hợp tác tương đối đồng đều”.

Phó Chủ tịch xã- Trần Thị Thân cũng cho biết, huyện đã có kế hoạch xây dựng vùng chuyên canh cây thanh long.

Đồng thời vận động bà con nông dân vào tổ hợp tác, HTX để dễ quản lý, tìm đầu ra và xây dựng thương hiệu. Song, cái khó là vẫn còn nhiều người sản xuất nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết.

Một nông dân cũng ở xã An Phước chia sẻ, thời gian trước đã có nhiều đoàn từ tỉnh, huyện đến tìm hiểu, nghiên cứu để thành lập HTX, song vẫn chưa có tiếng nói chung ở các hộ.

“Điều này gây khó khăn trong việc tìm đầu ra, dễ bị thương lái ép giá, gây thiệt hại không chỉ cho bản thân mà còn nhiều hộ trồng khác. Tui kiến nghị làm sao thành lập được HTX để việc trồng, thu hoạch và bán ra thị trường được tập trung hơn”- nông dân này nói.

Trong khi đó, ông Đồng nhấn mạnh, việc trồng cây thanh long ở địa phương đang có chiều hướng tăng, rất có thể cung sẽ vượt cầu trong tương lai.

Do đó, để phát triển bền vững, cần kêu gọi đầu tư các kho thu mua để tạo sự công bằng và nông dân không bị ép giá.

Bên cạnh đó, cũng cần chủ động tìm kiếm thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu để đảm bảo tính bền vững cho cây thanh long…

Mang Thít có gần 73ha thanh long ruột đỏ. Trong đó, trồng chủ yếu ở các xã An Phước hơn 40ha, Chánh An 14ha, Mỹ Phước 5ha, Hòa Tịnh 3ha. Dự đoán, diện tích thanh long sẽ còn tiếp tục tăng.

Nhiều ý kiến cho rằng, để đảm bảo tính bền vững cho cây thanh long, cần thành lập HTX, xây dựng thương hiệu, tìm thị trường xuất khẩu.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY