Nâng cao hiệu quả nông nghiệp đô thị

Cập nhật, 07:35, Thứ Tư, 16/08/2017 (GMT+7)

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững, hiện TP Vĩnh Long đã phát triển nhiều mô hình nông nghiệp đô thị hiệu quả, từng bước nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân…

Hiện thành phố đã triển khai nhiều mô hình nông nghiệp đô thị chất lượng cao, tăng thu nhập đáng kể cho người dân.
Hiện thành phố đã triển khai nhiều mô hình nông nghiệp đô thị chất lượng cao, tăng thu nhập đáng kể cho người dân.

Phát triển nhiều mô hình nông nghiệp đô thị

Theo Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long, sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ trong cơ cấu kinh tế của địa phương.

Do đó, ngành nông nghiệp đô thị cần phát triển theo hướng tăng năng suất chất lượng và hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích canh tác. Những năm gần đây, việc phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị được quan tâm, có nhiều mô hình được triển khai và bước đầu đã cho hiệu quả tương đối tốt.

Theo Trưởng Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long- Võ Hữu Xuân, nông nghiệp đang chuyển hướng tích cực theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng khoa học vào sản xuất, tập trung khâu chọn tạo giống, thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

“Đặc biệt, công tác khuyến nông đã phát huy tác dụng tích cực trong chuyển giao và ứng dụng khoa hoc kỹ thuật vào sản xuất”- ông Võ Hữu Xuân chia sẻ.

TP Vĩnh Long cũng đã xây dựng vành đai xanh đạt được một số kết quả đáng kể, các mô hình cây cảnh, hoa kiểng, các dự án nông nghiệp đem lại sản phẩm phục vụ tốt một phần thị trường, qua đó cũng góp phần tăng vẻ mỹ quan đô thị.

Theo ông Võ Hữu Xuân, định hướng phát triển nông nghiệp đô thị sẽ triển khai các dự án và các hình thức hỗ trợ khác nhau như: chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây ăn trái khác, mô hình hoa kiểng, các loại rau chuyên canh, vận động người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa các công đoạn sản xuất và thu hoạch.

Năm 2017, trên địa bàn TP Vĩnh Long đã và sẽ triển khai nhiều mô hình nông nghiệp đô thị, ứng dụng khoa hoc kỹ thuật vào sản xuất.

Có thể kể một số mô hình như: nhà lưới sản xuất rau an toàn; trồng huệ trắng; trồng lan Mokara; dự án hỗ trợ và nhân rộng mô hình nuôi ghép một số đối tượng thủy sản theo hướng an toàn thực phẩm; dự án phát triển mô hình nông nghiệp đô thị theo hướng ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao…

Theo ông Võ Hữu Xuân, nông nghiệp đô thị sẽ đi theo hướng bền vững, liên kết sản xuất để nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng vùng chuyên canh đạt năng suất, chất lượng…

Cần giải pháp bền vững

Xác định mô hình nông nghiệp đô thị để tăng thu nhập cho gia đình trên diện tích đất nhỏ, hẹp, anh Lâm Quốc Hưng (ấp Tân Quới Đông, xã Trường An) đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất để trồng các loại hoa lan.

Anh cho biết, mô hình này được sự hỗ trợ cây giống, kỹ thuật và phân bón hơn 30 triệu đồng.

“Ban đầu, do còn chưa nắm vững kỹ thuật, đặc tính từng giống lan nên gặp rất nhiều khó khăn. Song, được sự hỗ trợ, giai đoạn khó đó cũng qua, hiện nay vườn lan đã cho thu nhập ổn định, bản thân cũng đã có kinh nghiệm trong việc chăm sóc cây”- anh Hưng chia sẻ.

Hiện tại, vườn lan của anh Hưng chủ yếu là Denro và Mokara và sắp tới, anh dự định mở rộng thử nghiệm nhiều giống lan khác để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

“Mô hình trồng lan bước đầu tuy đã có hiệu quả nhưng người trồng cũng phải tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của thị trường, tự trang bị kiến thức, nắm vững khoa học kỹ thuật thì sản xuất mới bền vững và hiệu quả”- anh Hưng cho biết.

Được thành lập từ năm 2007, Tổ hợp tác sản xuất Rau an toàn Đồng Tiến (Phường 3) đã cho thấy hiệu quả, phát triển thêm tổ viên, diện tích đất canh tác. Đây cũng là mô hình đã giúp cho nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Hiện tổ có 19 tổ viên, canh tác 5,3ha, chủ yếu là trồng hẹ, các loại rau, bình quân lời 38,8 triệu đồng/công. “Khi mới thành lập, tổ có 2 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo.

Nhờ mô hình canh tác đạt hiệu quả, các hộ này đã thoát nghèo, đời sống kinh tế khá giả. Hiện nhiều tổ viên cũng đã tự chuyển dịch cây trồng theo hướng chất lượng, tự cơ cấu theo hướng đáp ứng thị trường, hạn chế tình trạng cung vượt cầu”- ông Phạm Văn Sơn- Tổ trưởng tổ hợp tác- cho biết.

Anh Lâm Quốc Hưng chăm sóc vườn lan của mình.
Anh Lâm Quốc Hưng chăm sóc vườn lan của mình.

Ông Ngô Văn Hai (Khóm 4, Phường 3) cho biết, ngay từ những ngày đầu tham gia tổ hợp tác, mô hình trồng hẹ chất lượng cao, an toàn đã giúp cho gia đình tăng thu nhập đáng kể. Hiện nay, ngoài trồng hẹ (cơ cấu giảm lại diện tích canh tác), ông đã trồng thêm giống bưởi da xanh để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Hai cho biết, để các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị hiệu quả, nhất là diện tích đất nhỏ nên cần tăng chất lượng, giá trị sản phẩm. Qua đó, cũng cần có giải pháp để đảm bảo đầu ra, không nên để nông dân sản xuất, rồi cung vượt cầu sẽ kéo giá sản phẩm đi xuống.

Theo ông Võ Hữu Xuân, hiện nay bên cạnh phát triển các mô hình nông nghiệp thì thành phố đang xây dựng chợ an toàn thực phẩm. Từ đây đến cuối năm, thành phố cũng sẽ xây dựng các điểm kinh doanh thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh ở chợ Vĩnh Long, các chợ loại II trên địa bàn. Đây cũng chính là lối đi cho các sản phẩm nông nghiệp an toàn.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY