Góc nhìn

Kinh tế ĐBSCL "ngược chiều cả nước"

Cập nhật, 11:52, Thứ Ba, 15/08/2017 (GMT+7)

Nhận định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, mới đây cho thấy tốc độ tăng trưởng của ĐBSCL đang “ngược chiều” với tốc độ tăng trưởng của cả nước, mà nguyên nhân chính là do phụ thuộc quá nhiều vào nông nghiệp.

Nhận định của VCCI cũng cho thấy, khu vực này đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Bên cạnh tác động của biến đổi khí hậu thì tăng trưởng kinh tế khu vực này cũng đang chậm lại.

Trong những năm 2001- 2005, tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng là trên 10%, thì đến giai đoạn 2011- 2015 chỉ còn khoảng trên 8% và năm 2016 giảm xuống dưới 7%. Đặc biệt, chủ lực là nông nghiệp nhưng nay đã suy giảm rất mạnh.

Trước năm 2014, tăng trưởng nông nghiệp vùng vào khoảng 6%, thì mức tăng trong thời gian 2014- 2015 còn 3% và năm 2016 chỉ còn 0,6%.

Cá, tôm, lúa gạo và cây ăn trái là những mặt hàng chính. Nhưng sau một thời gian tăng trưởng nhờ mở rộng diện tích, tăng sản lượng, thì nguồn lực đầu vào để nó phát triển hầu như đã cạn.

Nhìn lại quá khứ, TS Võ Hùng Dũng- Giám đốc VCCI- cho biết từng có 2 nhóm quan điểm “thịnh hành”- là phải đầu tư mạnh, chuyển dịch mạnh vào lĩnh vực công nghiệp để có tốc độ tăng trưởng cao và nhóm khác cho rằng đầu tư nông nghiệp trở thành “cứu cánh” cho nền kinh tế.

Thật ra, cả 2 nhóm quan điểm ở trên đều cực đoan. Bởi theo TS. Võ Hùng Dũng, thì không thể làm công nghiệp ồ ạt trong khi năng lực hạn chế và cũng không thể mãi dựa nông nghiệp, mà cần phải có sự chuyển đổi hợp lý.

Và muốn chuyển đổi, thì phải có sự thay đổi cấu trúc hạ tầng, hình thành những trung tâm công nghệ và ứng dụng- nhân tố quan trọng hỗ trợ thúc đẩy các cụm ngành phát triển.

HOÀNG MINH