Blog thị trường

Để tránh phụ thuộc một thị trường

Cập nhật, 13:04, Thứ Sáu, 05/05/2017 (GMT+7)

Tại hội thảo “Ảnh hưởng kinh tế thế giới đối với ngành thủy sản Việt Nam" tại Cần Thơ vừa qua, chuyên gia kinh tế Bùi Văn- Phó Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE- cho rằng “thị trường xuất khẩu của ta rất tốt xét về phương diện đa dạng hóa, tức chúng ta phân chia rất đồng đều”.

Theo ông, hiếm có nước nào có một thị trường xuất khẩu phân phối đa dạng, đồng đều như Việt Nam.

Thực tế, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan về 10 thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2016 cho thấy Mỹ giữ vị trí thứ nhất với thị phần chiếm 21,8%, Trung Quốc chiếm 12,4%, kế đến là Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Hà Lan, Đức, UAE, Anh, Thái Lan.

Thế nhưng, vì sao Việt Nam lại thường xuyên lo sợ những “nắng- mưa” từ thị trường Trung Quốc?

Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, quý I/2017, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của nước ta khi chiếm đến trên 35% giá trị xuất khẩu của toàn ngành (1,28 triệu tấn).

Ngành rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 70%. Có thể thấy, hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất về nông- thủy sản của Việt Nam, EU thứ 2 và sau đó là Mỹ.

Để tránh phụ thuộc thị trường Trung Quốc, ông Võ Hùng Dũng- Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, đặt vấn đề: “Thương nhân Trung Quốc đã len lỏi vào làng, xã chúng ta mua khoai lang, mua chuối...

Chúng ta có người nào qua Trung Quốc làm được việc đó không? Nếu không thì làm sao chúng ta biết được chính sách bên đó như thế nào để mà ứng phó, cảnh báo?”

“Thông tin của chúng ta về Trung Quốc quá kém, dù buôn bán cứ ầm ầm, nhưng nghiên cứu thì không có, rồi đổ lỗi người ta chơi xấu là không ổn”- ông Võ Hùng Dũng nói.

Bido2_40.com