Phát triển ngân hàng theo hướng hiện đại

Cập nhật, 14:09, Thứ Năm, 04/05/2017 (GMT+7)

Hoạt động ngân hàng (NH) của tỉnh Vĩnh Long sau khi tái lập 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh năm 1992 được đánh giá là “chưa phát triển, các dịch vụ NH còn hạn chế”. Tuy nhiên, sau 25 năm nỗ lực xây dựng, hệ thống NH đã phát triển mạnh về số lượng và chất lượng hoạt động, từng bước hiện đại hóa công nghệ.

Đến nay, nguồn vốn tín dụng đáp ứng đủ nguồn vốn cho vay của nền kinh tế, so với năm 1992 chỉ đáp ứng được 35,5%.
Đến nay, nguồn vốn tín dụng đáp ứng đủ nguồn vốn cho vay của nền kinh tế, so với năm 1992 chỉ đáp ứng được 35,5%.

Ổn định và phát triển mạnh mẽ

Theo NH Nhà nước (NHNN) chi nhánh Vĩnh Long, sau khi tách tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long, hệ thống ngành NH Vĩnh Long chỉ có chi nhánh NHNN tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động NH trên địa bàn và 3 chi nhánh NHTM thực hiện chức năng kinh doanh tiền tệ trên địa bàn (NH Công thương, NH Nông nghiệp- PTNT, NH Đầu tư- Phát triển).

Toàn tỉnh chỉ có 14 điểm giao dịch bao gồm 3 chi nhánh cấp 1, 6 chi nhánh cấp 2 và cấp 3, 1 phòng giao dịch và 4 quỹ tiết kiệm. Mạng lưới hoạt động của các NH chủ yếu tập trung tại TX Vĩnh Long và các trung tâm huyện, chưa được mở rộng về nông thôn.

Ông Nguyễn Trọng Nghiệp- Giám đốc NHNN chi nhánh Vĩnh Long- cho biết: “Thời điểm đó, hoạt động NH chưa phát triển, các dịch vụ NH còn hạn chế, chủ yếu là nghiệp vụ huy động vốn và cho vay, tổng số dư huy động vốn và cho vay lần lượt là 38 tỷ đồng và 107 tỷ đồng.

Các dịch vụ NH khác như thanh toán, ngoại hối, ngân quỹ… rất hạn chế, chủ yếu phục vụ cho các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn”. Từ xuất phát điểm nhiều “hạn chế”, trong từng giai đoạn, ngành NH đã nỗ lực lớn để xây dựng và phát triển.

Cụ thể, giai đoạn 1992- 2000 được xác định “ổn định hoạt động tạo đà cho sự phát triển”: sắp xếp lại hoạt động của hệ thống NH sau khi tái lập tỉnh Vĩnh Long.

“Giai đoạn này các cơ chế, chính sách tín dụng từng bước được xây dựng hoàn chỉnh hơn, hoạt động NH từng bước chuyển sang kinh tế thị trường phục vụ cho các thành phần kinh tế trên địa bàn.

Đặc biệt hướng ra mạnh hơn đối với lĩnh vực kinh tế tư nhân, riêng Vĩnh Long nổi bật là kinh tế hộ gia đình sản xuất nông nghiệp, nông thôn”- ông Nguyễn Trọng Nghiệp nhận định.

Với sự đầu tư vốn tín dụng đã từng bước tạo ra các sản phẩm nông sản hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu của tỉnh, nhất là xuất khẩu lương thực, trứng muối, thủy sản và các loại trái cây.

Đến giai đoạn 2001- 2011, hệ thống NH phát triển mạnh về số lượng và chất lượng hoạt động. Cùng với sự lớn mạnh của hệ thống ngân hàng cả nước, số lượng tổ chức tín dụng mở mới tại Vĩnh Long tăng cao nhằm để đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng đa đạng trên địa bàn, nhất là các NHTMCP (có 14 chi nhánh tổ chức tín dụng và 2 Quỹ tín dụng nhân dân được mở mới).

Nguồn vốn huy động không ngừng tăng lên, cơ cấu đầu tư vốn tín dụng thay đổi rõ rệt, nhóm khách hàng thuộc lĩnh vực tư nhân tăng mạnh, lĩnh vực đầu tư tín dụng đa dạng hơn, ngoài lĩnh vực phục vụ các nhu cầu sản xuất kinh doanh, các tổ chức tín dụng tăng cường mở rộng sang các nhu cầu vốn phục vụ cho lĩnh vực tiêu dùng.

Huy động vốn tăng bình quân đạt 32,5%/năm, dư nợ tăng bình quân 22,5%/năm. Đây được xem là giai đoạn phát triển mạnh nhất của hệ thống NH trên địa bàn, nhất là phát triển mạnh về mạng lưới đã tạo ra thị trường cạnh tranh mạnh mẽ trong hệ thống NH và là “cú hích mạnh” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

Giai đoạn 2012 đến nay, ngành NH thực hiện cơ cấu lại hoạt động của tổ chức tín dụng để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế theo chiều sâu và hội nhập vào nền kinh tế thế giới.

Huy động vốn tăng 714 lần- Dư nợ cho vay tăng 190 lần so với năm 1992

Theo NHNN chi nhánh Vĩnh Long, 25 năm qua, hoạt động của ngành NH ngày càng đi vào ổn định và có hiệu quả, các dịch vụ NH phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, cung ứng tốt các nhu cầu vốn tín dụng và dịch vụ NH hiện đại để phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Các điểm giao dịch NH được mở rộng và phân bố đều khắp toàn tỉnh, kể cả các vùng nông thôn.

Hiện toàn tỉnh có 98 điểm giao dịch của 25 tổ chức tín dụng, tăng 84 điểm giao dịch so với năm 1992. Huy động vốn đạt 27.066 tỷ đồng, tăng 714 lần so với năm 1992, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1992- 2017 đạt 31,5%/năm, đáp ứng đủ nguồn vốn cho vay của tỉnh (năm 1992 chỉ đáp ứng được 35,5%).

Dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt 20.351 tỷ đồng, tăng 190 lần so với năm 1992, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1992- 2017 là 24,4%/năm.

Các lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh đều có sự tham gia đầu tư vốn tín dụng từ các NH, trong đó, trọng tâm là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, lĩnh vực xuất khẩu nông sản, phục vụ các đối tượng chính sách và các nhu cầu khác của xã hội.

Bên cạnh đó, các dịch vụ NH phát triển mạnh, nhất là từ năm 2006 đến nay, hệ thống thanh toán được hiện đại hóa, các phương tiện, hình thức, trang thiết bị phục vụ thanh toán được đầu tư nên việc thanh toán nhanh chóng, tiện lợi và an toàn.

“Sự thành công đó có sự phối hợp hài hòa giữa công tác điều hành linh hoạt của NHNN, sự nỗ lực thực hiện của các tổ chức tín dụng và đặc biệt là sự hỗ trợ, phối hợp của có hiệu quả của các sở ngành có liên quan trên địa bàn trong việc thực hiện chính sách tiền tệ.

Trong đó, sự phát triển ngày càng lớn mạnh của hệ thống các NHTM đóng vai trò quan trọng nhất”- ông Nguyễn Trọng Nghiệp nhận định.

Ông Nguyễn Trọng Nghiệp

Mặc dù tăng trưởng dư nợ trong 25 năm qua (1992- 2017) khá cao, nhưng trong từng giai đoạn phát triển của tỉnh, NHNN có sự điều hành linh hoạt phù hợp với diễn biến của kinh tế vĩ mô và tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế. Sự thực thi các chính sách tiền tệ vừa đảm bảo cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, vừa thực hiện được việc kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, nhất là giai đoạn từ năm 2012 đến nay.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC