Góc nhìn

Nông nghiệp, nông thôn cần vốn

Cập nhật, 13:18, Thứ Ba, 08/11/2016 (GMT+7)

Chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn được đánh giá có nhiều đột phá trong khoảng 5 năm qua, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của nông dân hiện nay.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tỷ trọng vốn tín dụng nông nghiệp chiếm trong tổng tín dụng của toàn ngành sau 3 năm thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP chỉ khoảng 18-19%, nếu cộng cả dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội thì chiếm khoảng 20- 22%.

Tính đến cuối tháng 6/2016, tổng dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn ước đạt 886.000 tỷ đồng, cũng chỉ chiếm khoảng 18% tổng dư nợ nền kinh tế. Kết quả khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho thấy, trên 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nông nghiệp rất khó hoặc không thể tiếp cận vay vốn tín dụng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc đầu tư tín dụng vào nông nghiệp, nông thôn hiện gặp một số khó khăn do sản xuất nông nghiệp hiện vẫn manh mún, quy mô nhỏ. Điều này cản trở đến việc hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất.

Một bất cập khác mà theo người dân và doanh nghiệp là thời hạn và hạn mức vay vốn không phù hợp với chu kỳ sản xuất nông nghiệp. Các tổ chức tín dụng thường đưa ra các thời hạn vay là 6, 12, 24 hoặc 36 tháng và vẫn chủ yếu cung cấp tín dụng ngắn hạn (12 tháng). Thời hạn vay này không phù hợp với chu kỳ sản xuất nông nghiệp hiện nay, tạo ra rào cản cho các khách hàng.

Để tăng cường vốn cho lĩnh vực này, theo các chuyên gia, Nhà nước cần xây dựng hệ thống các tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ hình thành hệ thống tín dụng quy mô nhỏ chuyên nghiệp cung ứng cho nông nghiệp, nông thôn.

Các tổ chức tín dụng cần nghiên cứu cung cấp các khoản vốn vay kịp thời, linh hoạt. Cần đơn giản các thủ tục và điều kiện vay vốn. Thay vì yêu cầu phải có sổ đỏ đất và các tài sản thế chấp khác, cần xem xét các điều kiện khác có thể đảm bảo thế chấp để vay vốn…

HOÀNG MINH