Đồng bằng khởi nghiệp

Cập nhật, 11:40, Thứ Năm, 29/09/2016 (GMT+7)

Năm 2016 được chọn là năm Quốc gia khởi nghiệp. Để thực hiện chương trình này, việc thúc đẩy khởi nghiệp tại khu vực ĐBSCL mang tính cấp thiết, có tính quyết định đến tiềm năng phát triển kinh tế lâu dài của cả vùng và tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế.

Anh Đỗ Minh Tân (đứng giữa, quê xã Phú Đức- Long Hồ) trưởng nhóm thực hiện dự án “Nông nghiệp đô thị” được vào vòng chung kết cuộc thi dự án khởi nghiệp 2016.
Anh Đỗ Minh Tân (đứng giữa, quê xã Phú Đức- Long Hồ) trưởng nhóm thực hiện dự án “Nông nghiệp đô thị” được vào vòng chung kết cuộc thi dự án khởi nghiệp 2016.

Thúc đẩy khởi nghiệp

Thời gian qua, nhiều địa phương, tổ chức đã đầu tư hỗ trợ khởi nghiệp góp phần hình thành hệ thống các vườn ươm doanh nghiệp như Vườn ươm Doanh nghiệp ĐH Cần Thơ, Vườn ươm Doanh nghiệp Sóc Trăng và Vườn ươm Doanh nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc.

Bến Tre là tỉnh đi đầu đưa nhiệm vụ thúc đẩy khởi nghiệp vào chương trình hoạt động chính thức của tỉnh mang tên “Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”.

Điểm nhấn của chương trình là việc thành lập các tổ chức hỗ trợ trực tiếp khởi sự doanh nghiệp gồm: Hội đồng tư vấn khởi nghiệp, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, quỹ đầu tư khởi nghiệp và quỹ hợp tác công tư.

Các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long, Long An cũng có các chương trình chuyên môn liên quan đến khởi sự doanh nghiệp như lớp học quản trị doanh nghiệp, khởi sự doanh nghiệp…

Tại tỉnh Đồng Tháp, UBND tỉnh thực hiện chương trình truyền hình khởi nghiệp 2 kỳ mỗi tháng với mục tiêu giới thiệu các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công đến cộng đồng và quảng bá môi trường kinh doanh của tỉnh.

Từ các trường ĐH, hiện nay hoạt động khuyến khích và khơi gợi khởi nghiệp cũng nhận được sự hưởng ứng. Các mô hình ươm tạo doanh nghiệp trong khu vực cũng được chú trọng.

Theo phân tích của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, những trở ngại chính cho quá trình khởi nghiệp khu vực ĐBSCL là do đặc thù nền kinh tế vùng từ lâu dựa chủ yếu vào nông nghiệp nên yếu tố rủi ro thời vụ cao, hàm lượng trí tuệ trong các sản phẩm nông nghiệp truyền thống cũng thấp.

Người dân đồng bằng còn thiếu sự nhạy bén trong kinh doanh, nhiều người muốn khởi nghiệp chưa mạnh dạn sáng tạo, các nhà đầu tư cũng không an tâm rót vốn làm chậm làn sóng khởi nghiệp trong khu vực.

Để tháo gỡ khó khăn, giúp tăng cường cả về chất lượng lẫn số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐBSCL thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng cần đáp ứng nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp từ nhiều khía cạnh, tăng cường sự hỗ trợ về kỹ thuật cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt từ các chuyên gia.

Các cơ quan, ban ngành cần liên kết trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cũng như đưa ra những chính sách thúc đẩy khởi nghiệp.

Mekong Startup

Đây là chương trình khởi nghiệp khu vực ĐBSCL giai đoạn 2016- 2020 vừa được VCCI Cần Thơ chính thức công bố.

Theo TS. Võ Hùng Dũng- Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, hiện Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL đang thiếu liên kết và chưa có chương trình khởi nghiệp dài hạn. Mekong Startup nhằm đạt mục tiêu phát triển doanh nghiệp mới, nâng cao sức sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong kinh doanh của doanh nghiệp.

Cụ thể, hình thành trung tâm khởi nghiệp với 100 chỗ làm việc giai đoạn 2016- 2017; tạo dựng 1.000 doanh nghiệp mới trong các lĩnh vực về công nghệ, quản trị; giải quyết trên 5.000 lao động có chuyên môn trực tiếp tham gia cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và 20.000 lao động kỹ năng làm việc gián tiếp; hỗ trợ đầu vào và kết nối đầu ra cho Vườn ươm Việt Nam- Hàn Quốc, Vườn ươm ĐH Cần Thơ và các khu ươm tạo khác;…

Ngoài nhiệm vụ xây dựng tinh thần khởi nghiệp cho thế hệ trẻ phát huy ý tưởng sáng tạo và kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, Mekong Startup sẽ tạo sự kết nối giữa các địa phương.

Ông Nguyễn Khắc Nhu- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư tỉnh Vĩnh Long- cho rằng, đây là cách tiếp cận mới đối với các địa phương, nhưng để hiện thực hóa ý tưởng và các địa phương hưởng ứng, trước hết phải thay đổi nhận thức, khơi gợi tinh thần khởi nghiệp vì từ lâu vùng ĐBSCL còn thua sút những vùng khác do ý thức, tinh thần chịu khó và sự kiên trì, chủ động.

“Không kỳ vọng 100 người lựa chọn ươm tạo thì sẽ khởi nghiệp thành công, chỉ một phần rất nhỏ thôi là mừng rồi. Chỉ mong sao có một nơi để các bạn trẻ, nhất là sinh viên có môi trường đào tạo các kỹ năng, thực tế, bằng hành động cụ thể. Làm sao sinh viên ra trường có được việc làm, doanh nghiệp tìm được người đáp ứng yêu cầu công việc và một số ít trong số này sẽ hình thành lực lượng doanh nghiệp thế hệ mới”- TS. Võ Hùng Dũng cho biết.

 

Hoạt động của Mekong Startup gồm hỗ trợ, ươm tạo, đào tạo và hiện thực hóa các sản phẩm, dịch vụ ươm tạo để ứng dụng vào thực tiễn xã hội cho toàn vùng. Dự kiến giai đoạn 2016- 2017 có khoảng 100 người khởi nghiệp làm việc tại trung tâm này với sự hỗ trợ của các chuyên gia. Tổng kinh phí cho chương trình Mekong Startup trên 45 tỷ đồng chủ yếu từ nguồn xã hội hóa.

  • ™Bài, ảnh: THÀNH LONG