Hiến kế để huy động nguồn lực phát triển giao thông và hệ thống logistics ĐBSCL

Cập nhật, 17:27, Thứ Hai, 22/08/2016 (GMT+7)

Sáng 22/8, tại Cần Thơ, BCĐ Tây Nam Bộ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị “Huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì.

Hệ thống giao thông thông suốt là điều kiện để ĐBSCL phát triển.
Hệ thống giao thông thông suốt là điều kiện để ĐBSCL phát triển.

Theo Bộ Giao thông vận tải, toàn vùng ĐBSCL hiện có 4.718,8km quốc lộ, 2.030km đường tỉnh, 72.852km đường huyện và giao thông nông thôn, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn. Về đường thủy nội địa, với trên 13.000km, được phân bổ đồng đều là lợi thế lớn trên toàn vùng. Đường biển, hiện chưa phát huy được lợi thế do một số cửa biển bị bồi lấp; 2 cảng quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc và 2 sân bay Rạch Giá, Cà Mau với năng lực khai thác 5,05 triệu lượt hành khách, đáp ứng được nhu cầu vận tải đến sau năm 2020.

Từ năm 2010- 2015, tổng khối lượng vận tải toàn vùng đạt khoảng 4.657,23 triệu lượt khách và 468,25 triệu tấn hàng hóa, tốc độ tăng trưởng bình quân lần lượt đạt là 4,4%/năm và 4,9%/năm.

Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics của Vùng ĐBSCL vẫn còn kém phát triển, vấn đề liên kết vùng chưa được chú trọng đầu tư, thu hút đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn yếu, chưa tạo sự đột phá… Do vậy, việc xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vùng Tây Nam Bộ giai đoạn 2016 - 2020, lựa chọn được các dự án giao thông trọng điểm có tính kết nối là cần thiết, nhằm giảm thiểu tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí trong bối cảnh vốn đầu tư công ngày càng hạn hẹp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mong muốn các bộ, ngành, địa phương và các nhà đầu tư hiến kế về các cơ chế, chính sách để huy động hiệu quả nguồn lực cho phát triển hạ tầng của khu vực. Đồng thời, yêu cầu các địa phương nghiên cứu, trao đổi và thống nhất và đưa ra giải pháp huy động nguồn lực đối với các dự án giao thông trọng điểm của vùng Tây Nam Bộ cần ưu tiên đầu tư đến năm 2020, đặc biệt là cần nghiên cứu kỹ đối với dự án đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 phù hợp với Luật đầu tư công.

Tin, ảnh: HOÀNG MINH