Khôi phục sản xuất sau hạn, mặn: Nông dân cần tiếp sức kịp thời

Cập nhật, 15:17, Thứ Năm, 21/07/2016 (GMT+7)

Trung tuần tháng 7/2016, nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL đã tuyên bố hết thiên tai hạn, mặn, nông dân bắt đầu bước vào vụ sản xuất mới.

Trải qua hơn 6 tháng gánh chịu thiên tai, quá trình khôi phục sản xuất không hề đơn giản. Vùng lúa đất đai nhiễm mặn, nhà vườn chật vật với cây giống, vùng tôm thiếu vốn, chưa kịp nhận đền bù…

Vướng hóa đơn, chứng từ

Trở lại vùng ảnh hưởng lớn do bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn vào những ngày này, chúng tôi thấy trên nét mặt của người nông dân vẫn còn nhiều nỗi ưu tư.

Việc khắc phục hậu quả thiên tai vẫn còn nhiều nỗi lo. Hiện tại, vụ mùa trồng lúa trên đất nuôi tôm sắp bắt đầu nhưng không ít nông dân được hỏi cho biết đang... tâm tư vì thiếu đủ thứ.

Ông Nguyễn Văn Tước (xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) nói: “Năm rồi, tôi trồng lúa trên đất nuôi tôm gần 2ha, lúa cấy xuống dặm đến hai ba lần. Tiền giống, phân bón và công sức bỏ ra biết bao nhiêu nhưng trắng tay.

Dù gia đình tôi bị thiệt hại nặng như vậy nhưng không nhận được hỗ trợ. Nguyên nhân do chính sách chưa rõ ràng, cán bộ thống kê thiếu”.

Không chỉ người dân trồng lúa trên đất nuôi tôm gặp khó trong việc tái sản xuất mà người nuôi tôm cũng rơi vào cảnh tương tự, thậm chí bi đát hơn.

Chưa hộ dân nào nhận được tiền hỗ trợ cho dù UBND tỉnh Cà Mau đã có quyết định công bố thiên tai cấp độ 2 đã gần hai tháng (tổng diện tích bị thiệt hại là 52.000ha, số tiền hỗ trợ dự kiến khoảng 260 tỷ đồng).

Vướng mắc lớn nhất theo các cơ quan chuyên môn là theo Thông tư 05 của Bộ Tài chính quy định cơ chế, chính sách được hỗ trợ thủy sản khôi phục sản xuất trong vùng bị thiệt hại do thiên tai thì phải có chứng từ, kê khai ban đầu với chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, trong thực tế, tập quán sản xuất của người dân thì khi mua tôm về thả nuôi không có hóa đơn chứng từ, không khai báo với địa phương. Nếu căn cứ đúng theo Thông tư 05 thì hầu như Cà Mau không có hộ nào đủ điều kiện được hỗ trợ!

Nông dân huyện U Minh (Cà Mau) thả nuôi tôm trên đất trồng lúa. Ảnh: NGỌC CHÁNH
Nông dân huyện U Minh (Cà Mau) thả nuôi tôm trên đất trồng lúa. Ảnh: NGỌC CHÁNH

Tại Bạc Liêu, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu có quyết định bổ sung hơn 24 tỷ đồng từ nguồn kinh phí Trung ương bổ sung có mục tiêu và tạm mượn nguồn kinh phí bảo vệ và phát triển đất trồng lúa để các địa phương trong tỉnh chi hỗ trợ các hộ dân có diện tích lúa, tôm bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn, nhưng cũng vướng Thông tư 05 như các địa phương khác.

Nếu không có biện pháp tháo gỡ kịp thời, chủ trương về khôi phục sản xuất tôm của Bộ NN-PTNT để góp phần phục hồi tăng trưởng nông nghiệp sẽ gặp khó do nông dân thiếu vốn, con giống… để sản xuất.

Khó khăn bủa vây

Bước vào mùa mưa, giá một số mặt hàng nông sản xuống thấp khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Thêm nữa, việc xuống giống lúa trên cánh đồng nhiễm mặn cũng rất rủi ro, khiến nông dân đứng ngồi không yên.

Ông Nguyễn Văn Út, nông dân ở huyện Châu Thành (Bến Tre) cho biết: Hạn, mặn vừa qua làm nông dân kiệt sức, nhưng cái chính là nông dân vẫn quyết tâm khôi phục lại ruộng vườn. Chỉ mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ kịp thời về giống, vốn và khoa học kỹ thuật.

Thu hoạch lúa tại Long An. Ảnh: Kim Ngân
Thu hoạch lúa tại Long An. Ảnh: Kim Ngân

Tại vùng ngọt hóa Gò Công và vùng cù lao Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang) đã có hàng trăm hécta lúa sau khi sạ bị chết, nông dân phải gieo sạ lần 2. Hiện có hơn 5.000ha diện tích ruộng phải bỏ sản xuất vụ hè thu.

Những khu vực trồng lúa xa nguồn nước cũng đang bị sâu bệnh gây hại, ảnh hưởng đến năng suất. Tại Đồng Tháp, vụ lúa thu đông năm nay, nông dân huyện Tháp Mười đã xuống giống trên 37.000ha. Hiện tại, lúa đang trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh.

Mấy ngày qua, do ảnh hưởng của thời tiết đã làm cho bệnh đạo ôn phát triển, gây hại gần 1.500ha lúa, trong đó nhiễm nặng 30ha.

Tại Trà Vinh, UBND tỉnh Trà Vinh công bố dịch bệnh đạo ôn hại lúa hè thu năm 2016 trên địa bàn huyện Càng Long và Cầu Kè với tổng diện tích nhiễm sâu bệnh hơn 7.673ha.

Trong khi đó, việc khôi phục vườn cây ăn trái không hề đơn giản. Tại Bến Tre, Hội nông dân tỉnh phối hợp Trung tâm Ứng dụng công nghệ cao, Chi cục Bảo vệ thực vật cùng nhiều công ty trong và ngoài tỉnh tổ chức hàng chục cuộc hội thảo, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây sau hạn mặn cho nông dân, đồng thời đến từng chi hội nông dân ở các ấp hỗ trợ cách xử lý, chăm sóc và giới thiệu các loại phân thuốc phù hợp cho cây trồng

. Thế nhưng, do hạn mặn kéo dài, nhiều loại cây trồng khó hồi phục, phải đốn bỏ, thay cây mới.

Ông Bùi Văn Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cho biết: Bến Tre đã đề ra 8 nhóm giải pháp để phát triển nông nghiệp sau hạn mặn và ngăn mặn, trữ ngọt.

Theo đó, để nhanh chóng khôi phục lại sản xuất, tỉnh tập trung triển khai thực hiện hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai xâm nhập mặn; hỗ trợ giống lúa với tổng kinh phí 37,434 tỷ đồng. Về lâu dài, tỉnh sẽ xem xét và quy hoạch lại vùng nuôi trồng thích hợp với thổ nhưỡng cũng như đa dạng hóa cây con giống.

Đánh giá về thực trạng nông nghiệp, nông dân ở ĐBSCL hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng: Những giải pháp khôi phục sản xuất vừa qua chỉ là trước mắt.

Về lâu dài phải làm sao cho người nông dân chống chịu được với biến đổi khí hậu bằng cách nâng cao sinh kế.

Nhiệm vụ trước mắt là quy hoạch lại cơ cấu sản xuất và mùa vụ phù hợp; triển khai các giải pháp về thủy lợi, ổn định đầu ra, đầu vào cho nông sản, triển khai nhanh đề án thí điểm liên kết vùng của Chính phủ đối với 3 sản phẩm chủ lực là lúa, thủy sản và cây ăn trái. Có như vậy mới ổn định được đời sống nông dân, ĐBSCL mới phát triển bền vững!

Theo NGỌC CHÁNH - CAO PHONG (SGGPO)