Những vẻ đẹp nguy hiểm

Cập nhật, 05:36, Thứ Sáu, 11/03/2016 (GMT+7)

Ai cũng biết rằng, thức ăn ngon không chỉ được ăn bằng miệng mà còn phải cảm nhận bằng mùi thơm và “ăn” cả vẻ đẹp của món ăn bằng mắt. Món ăn càng bắt mắt, hấp dẫn, cảm giác ăn sẽ càng ngon miệng.

Nhưng cũng vì vậy, nhằm thu hút người tiêu dùng, với “công nghệ hóa màu” hiện nay, rất nhiều người sản xuất, buôn bán đã dùng hóa chất, thậm chí là chất độc để làm cho rau trái trông tươi ngon hơn. Thế nên, không ít loại trái cây, rau củ mà hễ càng đẹp thì càng độc.

Đơn cử như loại quít nhập ngoại có vỏ vàng bóng không tì vết, lá xanh tươi như vừa cắt trên cành xuống, khiến không ít người mua về. Nhưng đến khi ăn mới thấy bên trong vỏ quít đã bị mốc xanh. Cũng vậy, các loại trái táo (bôm), lê, hồng, đào tiên… nhập ngoại không rõ nguồn gốc, tuy bên ngoài luôn mang vẻ no tròn, căng bóng, màu sắc rực rỡ, nhưng bên trong ruột đã biến chất. Đây cũng là các loại trái dường như “không có hạn sử dụng” bởi đã được tẩm hóa chất, khiến cho dẫu để hàng tháng vẫn không bị hỏng.

Không chỉ vậy, có nhiều loại trái cây bị người bán dùng các loại hóa chất để ép chín sớm, dậy màu vàng (như mít, sầu riêng, chuối già…) khiến cho người tiêu dùng mua về không thể ăn hoặc ăn phải chất cực kỳ độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đối với các loại rau củ, để có được màu xanh bóng, không bị sâu “vẽ bùa” trên lá hoặc củ, trái, không ít người còn phun hóa chất ngay trên đường từ vườn ruộng ra chợ, bất chấp thời gian cách ly phun xịt thuốc theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp.

Với những “vẻ đẹp nguy hiểm” này, người tiêu dùng thật sự không thể đủ “thông minh” để phân biệt và né tránh. Do đó, vấn đề đặt ra vẫn là ngành chức năng cần quản lý cho được từ vườn ra đến chợ, để bảo vệ sức khỏe, an toàn cho người tiêu dùng; cũng là để trả lại những vẻ đẹp tự nhiên cho thực phẩm, món ăn. 

THÁI BÌNH