Khi gói tín dụng 30.000 tỷ hết hiệu lực

Cập nhật, 06:04, Thứ Ba, 15/03/2016 (GMT+7)

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng thương mại (NHTM) tính tới nay đã cam kết cho vay 28.884 tỷ đồng, tương đương 96,28% của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.

Trong đó, các nhà băng đã giải ngân hơn 20.000 tỷ, đạt 66,6% của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ dành cho bất động sản. Số tiền trên đã cho vay tới gần 43.000 hộ gia đình, trong đó khoảng 70% là đối tượng mua căn hộ nhà ở thương mại có giá bán dưới 1,05 tỷ, chỉ có khoảng 30% mua nhà ở xã hội.

Gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng được khởi nguồn từ Nghị quyết 02 của Chính phủ nhằm giúp thị trường bất động sản- khi đó còn đóng băng- có thể phục hồi và tăng trưởng. Với mục tiêu: giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu trên thị trường bất động sản (các chủ đầu tư, các NHTM) và hỗ trợ người thu nhập thấp tiếp cận nhà ở. Cụ thể hóa việc Nghị quyết 02, NHNN đã ban hành Thông tư 11 quy định “Việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở của ngân hàng đối với khách hàng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN kết thúc khi NHNN giải ngân hết số tiền tái cấp vốn, nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày thông tư này có hiệu lực”. Tức là, gói tín dụng sẽ được giải ngân trong 3 năm và thời hạn 36 tháng sẽ là hết ngày 31/5/2016.

Đã có một số kiến nghị lên NHNN đề nghị cho giải ngân hết gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ mà “không ấn định thời hạn” để tạo điều kiện thêm cho nhiều người mua nhà.

Trước đó, sau khi báo chí đưa tin về việc nhiều người mua nhà bất ngờ và lo lắng khi biết số tiền vay trong gói hỗ trợ 30.000 tỷ được giải ngân sau ngày 1/6/2016 sẽ chịu lãi suất thương mại vì một số ngân hàng mập mờ trong hợp đồng vay khiến khách hàng không hiểu rõ, NHNN ngay sau đó đã phát đi thông báo, cho biết sẽ kiểm tra, yêu cầu NHTM báo cáo và sẽ có biện pháp xử lý

.LÝ AN