Góc nhìn

Thiên tai, địch họa

Cập nhật, 09:04, Thứ Ba, 29/03/2016 (GMT+7)

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, dự kiến GDP quý này sẽ sụt giảm do hạn hán và xâm nhập mặn gây ảnh hưởng mạnh đến sản xuất nông nghiệp.

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch cũng cho rằng, nông nghiệp đang đối mặt với thách thức kép: rủi ro với biến đổi khí hậu và rủi ro về thị trường.

Thật vậy, đúng như nhiều đại biểu nhận định, rủi ro đối với sản xuất nông nghiệp không chỉ đến từ thiên tai hạn, mặn mà còn đến từ “địch họa” thị trường. Đại biểu Bùi Thị An bức xúc: “60- 70% dân số sống bằng nông nghiệp, nhưng tổ chức thị trường không làm tốt, hết chuyện hành tím ở Sóc Trăng đến khoai lang Vĩnh Long, thanh long miền Trung, dưa hấu Quảng Nam… Tại sao cứ để những lời kêu cứu của dân lặp lại hết năm này qua năm khác?”.

Đại biểu Trịnh Thế Khiết thì đánh giá sản phẩm nông nghiệp còn manh mún, thiếu chiến lược: “Chúng ta sản xuất, xuất khẩu lúa gạo rất nhiều nhưng đến nay gần như gạo Việt Nam chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế”.

Một số đại biểu nhận định: Thời gian tới, ai có lương thực và nước ngọt sẽ có thế mạnh chi phối thị trường, thương lượng với thế giới. Vì vậy: Không có dự báo chính xác, tầm nhìn dài hạn thì nông nghiệp có lúc trắng tay.

“Các nước thượng nguồn xây đập, chặn và làm cạn kiệt nguồn nước hạ lưu. Nước biển dâng do biến đổi khí hậu khiến ĐBSCL bị ngập mặn. Giải pháp là gì? Phải nghiên cứu đắp đê bao như vùng Bắc Bộ, chuyển đổi cơ cấu từ trồng lúa sang nuôi thủy sản, hoặc nghiên cứu quyết liệt giống lúa chịu được mặn”…

Nhiều vấn đề đã được các đại biểu Quốc hội đặt ra tại nghị trường. Bởi nếu không được nhìn rõ, đánh giá cụ thể và dự báo chính xác, thì thiên tai hạn, mặn lẫn “địch họa” thị trường sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm yếu nông thôn và kéo giảm GDP.

THÁI BÌNH