Việt Nam có thêm hãng hàng không mới

Cập nhật, 17:35, Thứ Hai, 28/03/2016 (GMT+7)

Hãng hàng không này sẽ vừa vận chuyển hành khách và có đội bay vận chuyển hàng hóa riêng.

Theo thông tin từ Bộ GTVT, bộ này vừa đề xuất Chính phủ cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines).

Hãng hàng không này được thành lập trước đây nhưng chưa được cấp phép bay thường xuyên mà chỉ thực hiện các dịch vụ bay thuê chuyến và phục vụ các hãng bay khác.

Nay hãng Vietstar Airlines xin được cấp giấy phép kinh doanh để tham gia thị trường vận chuyển hành khách trong nước kết hợp với hàng hóa; đồng thời vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng đầu tiên của Việt Nam.

Trong 5 năm đầu hoạt động, hãng hàng không này dự kiến khai thác đội tàu bay gồm 3 chiếc Boeing 737 và Airbus 320. Hãng cũng đã xuất trình được thỏa thuận thuê 3 tàu bay Boeing 737 với một công ty cho thuê máy bay.

Mục tiêu của hãng này trong giai đoạn 5 năm đầu là khai thác đường bay trục nội địa Bắc - Nam, khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á.

Song song với kinh doanh dân dụng, công ty còn phục vụ cho cả quân dụng như vận chuyển quân lực, quân trang, bay thăm dò, khảo sát. Ngoài ra, đơn vị này còn tham gia bảo dưỡng, sửa chữa máy bay, phục vụ mặt đất (cả nhà ga hành khách và sân đỗ), phục vụ hàng hóa, cung cấp dịch vụ máy bay chở khách, chở hàng thuê chuyến (charter)...

Công ty Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines) là đơn vị kinh tế thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân, Bộ Quốc phòng. Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán tính đến cuối năm 2015, vốn điều lệ của công ty là 800 tỉ đồng.

Hiện Việt Nam có 4 hãng hàng không dân dụng là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air và VASCO - đơn vị vừa được công bố tái cơ cấu, thông qua liên doanh giữa Vietnam Airlines với Techcombank.

Trước đó, cũng đã có rất nhiều hãng hàng không tư nhân được cấp phép từ 2007 nhưng không thể vượt qua khó khăn để trụ vững. Trong đó có Indochina Airlines, Trãi Thiên, Blue Sky và Air Mekong.

Indochina Airlines được thành lập vào tháng 5/2008 với tên gọi ban đầu là Công ty Cổ phần Hàng không Tăng Tốc, tên giao dịch quốc tế AirSpeedUp JSC, vốn điều lệ là 200 tỷ đồng. Thời gian ngắn sau đó, ngày 17/10/2008, hãng đã được đổi tên thành Công ty Cổ phần Hàng không Đông Dương Indochina Airlines.

Bay chuyến đầu tiên vào ngày 25/11/2008, nhưng chỉ một năm sau, Indochina Airlines lún sâu vào khủng hoảng chủ yếu do suy thoái kinh tế. Đến tháng 9/2009, hãng hàng không của nhạc sĩ Hà Dũng chỉ còn một chặng bay TP HCM - Hà Nội.

Năm 2011, hãng dần teo tóp, nợ tiền xăng đối tác, nợ lương nhân viên và xin ngừng cất cánh. Đến cuối năm 2011, Indochina Airlines biến mất khỏi bản đồ bay Việt Nam.

Trai Thien Air Cargo là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam được cấp phép chuyên vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, nhưng sau 3 năm hoạt động, cũng đành phải khép lại giấc mơ bay.

Tháng 8/2010, Cục Hàng không cũng đã cấp giấy phép hoạt động cho Hãng hàng không Bầu Trời Xanh, khai thác các loại máy bay như trực thăng, thủy phi cơ và tất cả các loại máy bay cánh bằng khác.

Ban đầu hãng đăng ký khai thác hơn 20 tuyến du lịch trong nước. Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn không có thêm thông tin nào về hoạt động của hãng này.

Chỉ tạm ngừng bay nhưng Air Mekong là cái tên mới nhất góp mặt vào danh sách các hãng hàng không tư nhân đối diện với khó khăn.

Chính thức bay vào tháng 10/2010, sau gần 2 năm hoạt động, Air Mekong có 4 tàu bay thương mại Bombardier CRJ 900 có thể bay trên độ cao 12.000 m với 13 đường bay đến 9 điểm nội địa. Năm 2013, hãng bay này chính thức dừng bay.

Nhiều chuyên gia cũng đã nhận định, mặc dù cơ quan quản lý hàng không và ngành chức năng đã có nhiều chính sách cởi mở hơn, hỗ trợ hàng không tư nhân rất nhiều nhưng dư luận vẫn cho rằng hàng không tư nhân khó cất cánh bởi thiếu chính sách, do cơ chế, do phải cạnh tranh với “ông lớn” Vietnam Airlines.

Theo Đất Việt