QUẢN LÝ HỘ KINH DOANH

Tác động của chính sách thuế mới

Cập nhật, 14:16, Thứ Sáu, 29/11/2013 (GMT+7)


Ngành thuế nỗ lực tuyên truyền chính sách thuế mới, giúp các hộ tự giác kê khai, điều chỉnh doanh thu phù hợp với thực tế quy mô kinh doanh.
Ảnh: TRẦN PHƯỚC

Thời gian qua, công tác quản lý hộ, cá nhân kinh doanh ở Vĩnh Long đang dần đi vào nề nếp và góp phần chống thất thu thuế. Qua rà soát thường xuyên tại các địa bàn phường, xã để điều chỉnh doanh thu và mức thuế sát thực tế kinh doanh.

Tuy đã đạt được những kết quả nhất định, song công tác quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh vẫn còn nhiều bất cập. Thêm vào đó, việc triển khai Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013 và Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014 sẽ có tác động rất lớn đến công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh trên địa bàn. 

Việc thay đổi các chính sách thuế không chỉ làm thay đổi đến tỷ lệ huy động thuế của người nộp thuế (NNT), mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình triển khai công tác quản lý thuế của ngành.
 
Tuy số thuế mà các hộ kinh doanh nộp ngân sách không lớn (chiếm trên 8% tổng số thu NSNN), nhưng số lượng NNT lớn nên nguồn nhân lực quản lý đầu tư vào khu vực này không nhỏ, chiếm tới trên 20% số cán bộ toàn ngành và trên 27% số cán bộ cấp chi cục thuế. Mặt khác, do số lượng lớn, trình độ nhận thức của hộ kinh doanh còn nhiều hạn chế nên cũng gây khó khăn cho công tác quản lý. 

Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi, thì việc thay đổi tỷ lệ thu nhập chịu thuế trên doanh thu theo Thông tư số 111/2013 ngày 15/8/2013 quy định: Phân phối, cung cấp hàng hóa: 7%; dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 30%; sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 15%; hoạt động kinh doanh khác: 12%.

Theo tỷ lệ trên, về cơ bản không tác động lớn đến phần thu nhập chịu thuế đối với các hộ kinh doanh nộp thuế khoán, mà chủ yếu là do mức giảm trừ gia cảnh tăng cao (giảm trừ cho người nộp thuế từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng), do đó các hộ kinh doanh sẽ có biến động lớn, chủ yếu thuộc nhóm hàng bán buôn, bán lẻ. 

Theo quy định của Luật Thuế GTGT sửa đổi, các hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thuộc diện không phải nộp thuế. Như vậy, số hộ có thu nhập thấp hiện nay đang được miễn thuế trên toàn tỉnh sẽ tăng hơn.
 
Bên cạnh đó, với quy định thuế suất thuế GTGT đối với hộ kinh doanh được áp dụng theo tỷ lệ %/doanh thu: ngành thương mại (phân phối, cung cấp hàng hóa) là 1%; ngành sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên, vật liệu là 3%; ngành dịch vụ, xây dựng (trừ xây dựng có bao thầu nguyên, vật liệu) là 5% và các hoạt động kinh doanh khác là 2%, thì số thuế GTGT phải nộp của hộ kinh doanh cũng sẽ biến động so với mức hiện hành.

Ngành thuế đang nỗ lực triển khai chính sách thuế mới đến với NNT. Để đạt được mục tiêu thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí của cá nhân, hộ gia đình nộp theo hình thức khoán, ngành thuế Vĩnh Long xác định, việc nâng cao chất lượng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để nâng cao nhận thức về trách nhiệm và nghĩa vụ của NNT.

Từ đó, giúp các hộ tự giác kê khai, điều chỉnh doanh thu phù hợp với thực tế quy mô kinh doanh, tạo cơ sở để ngành thuế điều chỉnh mức thuế khoán theo quy định.

Theo hướng này, cơ quan thuế đang nỗ lực đổi mới phương thức tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn, tổ chức đối thoại để tháo gỡ vướng mắc, giúp NNT có nhiều cơ hội tiếp cận chính sách thuế. Đồng thời, đảm bảo mục tiêu công khai, minh bạch và công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.

PHAN NHÂN