ĐBSCL sẽ có Trung tâm Nghề cá

Cập nhật, 07:07, Chủ Nhật, 30/09/2012 (GMT+7)

Hàng năm, khu vực ĐBSCL đóng góp trên 70% lượng thủy sản nuôi trồng và hơn 20% lượng thủy sản đánh bắt của cả nước. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia tại hội thảo ý tưởng xây dựng Cần Thơ thành Trung tâm Nghề cá vùng ĐBSCL diễn ra vào sáng 19/9, trong những năm qua sản xuất và tiêu thụ thủy sản vẫn còn “manh mún”, thiếu tính liên kết, những cơ sở, trung tâm chuyên phục vụ cho hoạt động của ngành thủy sản chưa được đầu tư xây dựng xứng tầm. Do đó, rất cần một Trung tâm Nghề cá.

Cần Thơ nhiều lợi thế

Ông Vũ Văn Tám- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho rằng: “Xây dựng Trung tâm Nghề cá vùng ĐBSCL là điều kiện quan trọng đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội không chỉ ở địa phương mà cho cả vùng ĐBSCL”. Theo ông Vũ Văn Tám, có 4 nguyên nhân để Bộ Nông nghiệp và PTNT đề xuất chọn Cần Thơ xây dựng Trung tâm Nghề cá của khu vực. Đó là: Cần Thơ có hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh, kết nối được cả về đường thủy, đường bộ và đường hàng không với khu vực khác rất thuận tiện; là trung tâm đào tạo nhân lực công nghệ cao như Đại học Cần Thơ, Viện Lúa ĐBSCL; tương lai trở thành nơi chế biến chuyên sâu về thủy sản và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong nuôi trồng và khai thác thủy sản; đồng thời là nơi có thể phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ hậu cần cho nuôi trồng thủy sản và các lĩnh vực khác. “Nếu Cần Thơ là Trung tâm Nghề cá ĐBSCL, tôi tin rằng ngành nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL sẽ nhanh chóng có bước phát triển mới.”- ông Vũ Văn Tám nói.   

Trung tâm Nghề cá là “vệ tinh” điều phối hoạt động thủy sản vùng ĐBSCL. Trong ảnh: Khai thác thủy sản nuôi bè trên sông Tiền.


Còn theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phương- Trường Đại học Cần Thơ (đại diện đơn vị tư vấn), mặc dù Cần Thơ không có điều kiện trực tiếp phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn hay đánh bắt hải sản như một số tỉnh khác trong vùng, nhưng với đặc điểm về vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng phát triển, ngành thủy sản phát triển năng động, là trung tâm thông tin, văn hóa, khoa học, kỹ thuật. Đặc biệt là trung tâm đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ thủy sản trong vùng. Vì vậy, việc quy hoạch Cần Thơ thành Trung tâm Nghề cá của vùng là cần thiết và có tính khả thi cao, nhằm liên kết, phối hợp và hỗ trợ phát triển ngành thủy sản toàn vùng và cả nước, kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển nghề cá trong giai đoạn tới.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam đứng thứ 3 thế giới và thứ 1 ở Châu Á. Năm 2011, sản lượng đạt 5,2 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 6 tỷ USD, trong đó ĐBSCL chiếm trên 70% sản lượng.

“Vệ tinh” cho địa phương khác

Theo ý tưởng đề xuất, Trung tâm Nghề cá vùng ĐBSCL sẽ hình thành một trung tâm thương mại nông sản, trong đó có thủy sản. Định kỳ sẽ tổ chức các hội nghị quốc tế về xúc tiến thương mại thủy sản nhằm kết nối giữa các nhà sản xuất và nhà phân phối (đặc biệt là các nhà bán lẻ); đồng thời là đầu tư phát triển hệ thống công nghiệp phụ trợ cho nghề cá, đặc biệt là cho nuôi trồng thủy sản.

Đồng tình với ý tưởng xây dựng Trung tâm Nghề cá vùng ĐBSCL nhưng ông Nguyễn Hồng Cẩn- nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản cho rằng, trung tâm phải vì lợi ích vùng, chứ không phải vì lợi ích riêng của Cần Thơ. Hoạt động của trung tâm phải có sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân và phải điều hành được sự phát triển nghề cá chung của vùng ĐBSCL, thậm chí của cả nước. “Trước đây, chúng ta đã thất bại khi quyết định cho xây dựng trung tâm công nghiệp nghề cá ở miền Bắc và trung tâm dịch vụ nghề cá và tài chính phía Nam mà không gắn được hoạt động của các trung tâm này với các dịch vụ thương mại và các trung tâm này thuộc độc quyền của doanh nghiệp nhà nước nên hoạt động không hiệu quả.”- ông Nguyễn Hồng Cẩn nói.

Ông Nguyễn Thanh Sơn- Chủ tịch UBND TP Cần Thơ khẳng định: “Nếu được chọn xây dựng, Cần Thơ sẽ là vệ tinh trong việc hỗ trợ các tỉnh trong khu vục phát triển mạnh về thủy sản”.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám cũng khẳng định: “Đầu tư Trung tâm Nghề cá ở Cần Thơ không có nghĩa là triệt tiêu hay làm suy yếu ngành thủy sản các tỉnh còn lại, mà là “vệ tinh” liên kết với các tỉnh thúc đẩy phát triển ngành thủy sản toàn khu vực”.

Tại hội thảo, ngoài một số vấn đề về định hướng hoạt động, tái cấu trúc nghề cá... hầu hết các đại biểu đều nhất trí việc chọn Cần Thơ để xây dựng Trung tâm Nghề cá của vùng.

Cùng với Cần Thơ, Dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cũng đã xác định 4 địa điểm khác để tiến tới xây dựng các trung tâm nghề cá lớn gồm: Hải phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa- Vũng tàu.


Bài, ảnh:N.THỊNH- N.HOÀNG