Công trình đường Đông Trường Sơn

Những đột phá tháo gỡ khó khăn

Cập nhật, 07:09, Thứ Bảy, 29/09/2012 (GMT+7)

Trong hai ngày 27 và 28-9, Đoàn công tác của Bộ Tổng tham mưu và các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, do Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng Tham mưu trưởng dẫn đầu đã đi kiểm tra thực địa trên một số cung đường, thuộc Dự án đường Đông Trường Sơn và tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm “phương hướng khắc phục và nâng cao chất lượng thi công mặt đường bằng bê-tông xi măng (BTXM)” của dự án này.

Từ tiên phong xây dựng quy trình đường BTXM

Được khởi công vào tháng 9-2005, với chiều dài toàn tuyến là 671km, đi qua 7 tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Đường Đông Trường Sơn được coi là con đường chiến lược, có tác động nhiều mặt đến đời sống xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng cho cả khu vực.

Đoàn kiểm tra tham quan đường hầm H1 trên tuyến đường Đông Trường Sơn.

Dự án chiến lược quan trọng này được Nhà nước tin tưởng giao cho Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư, với sự tham gia của gần 100 nhà thầu trong và ngoài quân đội. Do địa hình, địa chất, thủy văn phức tạp, để bảo đảm tính bền vững cho công trình và nâng cao chất lượng khai thác, công trình đã nhận được nhiều ý kiến tham gia của các bộ, ngành của Nhà nước. Được sự đồng ý của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu đã quyết định phê duyệt lại kết cấu mặt đường. Đại tá Văn Thái Bình, Giám đốc Ban quản lý dự án 46 cho biết “Sau khi đã được Bộ Tổng tham mưu phê duyệt chiều dài mặt đường bằng BTXM của toàn dự án là 357/615km, chiếm đến 58,1%. Hiện đã và đang triển khai 31 gói thầu, với tổng chiều dài hoàn thành 150km, bằng 42%. Tổ chức thi công mặt đường BTXM trong khi Nhà nước chưa ban hành tiêu chuẩn chung, buộc chúng tôi phải gấp rút xây dựng quy trình thi công và nghiệm thu. Đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới; song do tinh thần chủ động tích cực của các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, các gói thầu đã và đang hoàn thành qua kiểm tra của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải, các đoàn công tác của Quốc hội, các cơ quan của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu… đều đánh giá công trình bảo đảm chất lượng tốt”.

Trong phần rút kinh nghiệm vào sáng ngày 28-9 tại Đà Nẵng, ông Enriqeu Clemente Moya, Giám đốc Văn phòng Tư vấn giám sát QCI Đông Trường Sơn, đã chia sẻ và bày tỏ sự khâm phục trước tinh thần lao động sáng tạo, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý và người lao động trên công trường trong dự án quan trọng này. Theo ông, việc thi công mặt đường BTXM là công nghệ tương đối mới đối với ngành giao thông Việt Nam, vì vậy việc thi công dự án đường Đông Trường Sơn, với gần 60% chiều dài mặt đường bằng BTXM là biểu hiện tính chủ động tích cực của người lính. Thay đổi kết cấu mặt đường trong điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn phức tạp lại càng đòi hỏi sự đầu tư về các mặt toàn diện hơn; ông cho rằng đây là sự dũng cảm chỉ có ở người lính…

Trung tướng Võ Văn Tuấn trao đổi với các tư vấn giám sát tại công trường.

Đến những đề xuất hợp lý

Phát biểu khai mạc hội nghị, Trung tướng Võ Văn Tuấn gợi ý “Hội nghị hôm nay không chỉ đơn thuần là một hội nghị rút kinh nghiệm về thi công mặt đường BTXM, mà hơn thế nữa Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu muốn được nghe những “kế sách” từ chính các nhà thầu, các nhà tư vấn giám sát về việc nâng cao chất lượng công trình; về sự hiệp đồng giữa các nhà thầu trong việc tận dụng tối đa các trang bị hiện đại phục vụ cho công tác thi công. Đặc biệt là những đề xuất nối tuyến, nghiệm thu những gói thầu đã thi công xong, kịp thời đưa vào phục vụ dân sinh…”.

Từ sự gợi ý của đồng chí Phó tổng Tham mưu trưởng, các ý kiến trong hội nghị đã tập trung thảo luận, rút kinh nghiệm và đề xuất nhiều biện pháp hết sức có ý nghĩa. Trên toàn tuyến, năng lực các nhà thầu khác nhau, người có thế mạnh này, người có thế mạnh khác, vì vậy cần đẩy mạnh sự hợp tác. Ví như, người mạnh về phá núi, san nền, thi công cầu, cống… sẽ hỗ trợ nhà thầu yếu hơn về năng lực đó. Ngược lại, nhà thầu mạnh về trang, thiết bị máy móc tiên tiến trong thi công mặt đường sẽ hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau. Và chúng tôi thấy ngay trong hội nghị đã có sự “bắt tay” cam kết, hợp tác trao đổi… Cũng tại hội nghị cũng đã có nhiều ý kiến đề xuất việc nối tuyến. Ví dụ, giữa hai cung đường chỉ còn một đến hai gói thầu chưa thi công, cần tập trung đầu tư thi công ngay. Để bảo đảm cho thời gian nối tuyến sớm, có thể trong các gói thầu này cần tập trung các nhà thầu có năng lực mạnh về phương tiện, trang bị và tài chính cùng hợp tác thi công. Nếu tổ chức được như vậy sẽ tránh được lãng phí cho các gói thầu đã hoàn thành. Và quan trọng hơn là kịp thời đưa vào phục vụ nhân dân, phục vụ các địa phương trong phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh…

Theo QĐND Online